Mặt trận luôn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp

(Mặt trận) - Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiều 23/2, tại Hà Nội.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năm qua.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận, là thành viên của MTTQ Việt Nam, thời gian qua, Hiệp hội đã hoạt động hiệu quả và gắn bó với Mặt trận trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận phát động. Hiệp hội đã phối hợp với MTTQ Việt Nam trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tham gia cùng các đoàn giám sát của Mặt trận chống hàng giả, hàng nhái; giám sát việc nâng cao năng lực hoạt động của ngành thuế, hải quan; tham gia vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, sẻ chia khó khăn với đồng bào vùng lũ… Những hoạt động này đã góp phần khẳng định rõ hơn vai trò của Hiệp hội trong hoạt động của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: Qua 12 năm hoạt động kể từ khi thành lập, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã không ngừng phát triển, xác định được vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Đến nay Hiệp hội có bộ máy làm việc gồm 25 đơn vị trực thuộc với số cán bộ, nhân viên 245 người. Hiệp hội và các đơn vị trực thuộc tự chủ về tài chính trong hoạt động. Mạng lưới của Hiệp hội ngày càng được mở rộng, đến nay Hiệp hội đã có 58 hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương, Hiệp hội đã kết nạp 3 chi hội và thành lập thêm 1 viện nghiên cứu, nâng tổng số đơn vị trực thuộc Hiệp hội lên 28 đầu mối. Các tỉnh, thành hội trong năm cũng đã kết nạp thêm hàng nghìn doanh nghiệp làm hội viên.

Đáng chú ý, trong năm qua, các cấp Hội đã có rất nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động. Trong đó, Trung ương Hội đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phát động, quyên góp tiền và nguyên vật liệu để xây dựng nhà tưởng niệm và khu nhà khách miễn phí dành cho thân nhân các liệt sĩ và nhân dân cả nước khi đến thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã vận động, quyên góp được trên 100 tỷ đồng ủng hộ vào các quỹ từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xoá đói giảm nghèo, ủng hộ vùng đồng bào bị thiên tai và nhiều hoạt động xã hội vì cộng đồng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển phát biểu tại buổi làm việc.

Đặc biệt trong năm qua, theo bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển, Trung tâm đã được Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giao triển khai ứng dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả” trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, bảo vệ thương hiệu đối với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đến nay đã có 65 doanh nghiệp sử dung Quy trình chống hàng giả, điển hình như Công ty Cổ phần Khoá Việt Tiệp, Tổng Công ty Hoá dầu Petrolimex và 12 tỉnh, thành phố đang phối hợp triển khai thực hiện quy trình này. Gần đây, TP. Hà Nội đã chính thức lựa chọn Hệ thống công nghệ của “Quy trình xác thực chống hàng giả” làm hệ thống truy xuất nguồn gốc trái cây được kinh doanh trên địa bàn TP và triển khai thí điểm phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bên lề cuộc họp.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những kết quả đạt được của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2017, đồng thời khẳng định Hiệp hội là nơi quan trọng để tập hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước, là nơi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển vì khi doanh nghiệp phát triển thì mới tạo được nguồn lực cho nền kinh tế và đất nước phát triển.

Điểm lại tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trong năm 2017, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong thành công chung này có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước. Hệ thống các doanh nghiệp từ Trung ương đến các địa phương đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, hàng năm tạo thêm trên nửa triệu việc làm mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Hình ảnh, vị thế uy tín và vai trò của Hiệp hội đối với xã hội và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa được khẳng định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, hiện có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, tính liên kết yếu, khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp. Bên cạnh đó, công tác phát triển Hội viên còn nhiều hạn chế, trên thực tế còn nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia vào Hiệp hội điều đó dẫn đến việc Hiệp hội hoạt động chưa được hiệu quả như mong muốn; công tác phát triển tổ chức Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân chưa được chú trọng…

“Phải làm gì để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng lớn mạnh, phải tìm ra giải pháp để thay đổi được nhận thức và tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền đối với sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Từ những băn khoăn trên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp cục củng cố các chi hội, hội viên tại các địa phương và quan tâm tới số lượng và chất lượng của các thành viên tham gia. Cùng với đó, Hiệp hội cần có giải pháp để tiếp cận vốn vay; thay đổi công nghệ để đảm bảo hàng hoá sản xuất ra tiêu thụ được trong nước và tạo cơ hội cho hàng việt xuất khẩu; trình độ quản lý doanh nghiệp cần được trú trọng, phải có đạo đức trong kinh doanh, quan tâm đến văn hoá kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và địa bàn tiêu thụ sản phẩm.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp cận được quá trình hội nhập quốc tế, tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong kinh doanh”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Đồng thời, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Hiệp hội cần tham mưu, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động; tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật. “Mặt trận sẽ tiếp sức cho sự phát triển của doanh nghiệp”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

 

“Mặt trận Trung ương cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào khởi nghiệp hiệu quả hơn. Việc triển khai CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn cần được tuyên truyền sau rộng hơn nữa. Bên cạnh đó, quyền lợi của các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN theo tinh thần của Chính phủ cụ thể như thế nào, đề nghị phải có cơ chế chính sách hợp lý. Hiện cơ chế vay vốn còn bất cập, tiếp cận rất khó. Luật có hiệu lực nhưng văn bản hướng dẫn chậm nên thực hiện lúng túng. Đề nghị Mặt trận tiếp tục tăng cơ cấu, thành phần DN, doanh nhân vào các đoàn thể thể DNNVV có tiếng nói thiết thực hơn”, ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hoà Bình kiến nghị.

Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều