|
Quang cảnh Đại hội |
Tham dự Đại hội có ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động trên địa bàn tỉnh; Đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông, Khánh Hòa cùng 299 đại biểu đại diện cho các tầng lớp Nhân dân, đại biểu các dân tộc, chức sắc, chức việc các tôn giáo, lực lượng vũ trang, các vị nhân sĩ, trí thức, các thành phần kinh tế về tham dự Đại hội.
Đồng lòng, chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt những việc mới, việc khó
Diễn văn khai mạc Đại hội, ông Y Giang Gry Niê Knơng nêu rõ, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2024 - 2029 nhằm “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mở rộng dân chủ, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào bản sắc văn hóa góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh”.
Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức thành viên, MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã làm tốt vai trò nòng cốt chính trị, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận của toàn thể nhân dân trong tỉnh. Công tác vận động đồng bào các DTTS, đồng bào có đạo được chú trọng. Qua đó đã phát huy được vai trò người có uy tín tiêu biểu trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào các DTTS ở địa phương thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia sản xuất, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đều thực hiện tốt phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo” tích cực tham gia phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội ở địa phương.
MTTQ các cấp cũng triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước lớn như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 78/151 xã được công nhận hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có 01 đơn vị xã hoàn thành Chương trình nông thôn mới nâng cao; thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội được hơn 107,63 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thăm tặng quà cho người nghèo nhân dịp Tết nguyên đán, xây dựng được 1.395 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ cây, con giống, vật tư sản xuất cho người nghèo, …
Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền Nhà nước được triển khai bài bản, chất lượng, hiệu quả, được nâng lên một bước. Trong nhiệm kỳ, MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức giám sát trên 2.35 nội dung, phản biện xã hội gần 200 dự thảo Quyết định, Nghị quyết của UBND, HĐND và nhiều đề án, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời đã tổ chức trên 500 Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh, Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương với các đoàn viên, hội viên, lãnh đạo các doanh nghiệp, chức sắc các tôn giáo và người dân.
MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám cơ sở; phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức tốt các cuộc đối thoại với nhân dân: nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin,... Làm tốt vai trò là cầu nối vững chắc giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; Đồng lòng, chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt những việc mới, việc khó, vận động Nhân dân phối hợp, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, hạn chế xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn. Góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Hoạt động đối ngoại Nhân dân của Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đã góp phần vào thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa Nhân dân của tỉnh Đắk Lắk với Nhân dân của tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và các tỉnh Nam Lào,... với nhiều hoạt động phong phú như thăm hỏi trao đổi kinh nghiệm công tác, ký kết thỏa thuận hợp tác; ký kết giao ước thi đua, các chương trình hợp tác phát triển và các hoạt động tình nguyện quốc tế; kêu gọi thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng trường học, xây dựng nhà ở, tặng quà cho người nghèo, cứu trợ thiên tai, dịch bệnh...
“Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Đổi mới - Phát triển”
Phát huy những thành tích, kinh nghiệm công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ 2024-2029, Đại hội đề ra phương hướng nhằm thực hiện Nghị quyết 43-NQ-TW và Chương trình số 51-CT/TU của Tỉnh ủy; lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm phương châm cho hành động và làm điểm tương đồng để tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận Tổ quốc Việt nam của tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2024-2029.
Đại hội đề ra 8 chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ, trong đó tập trung vào việc: Hằng năm, tổ chức vận động, quyên góp nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội để phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa ít nhất 2.000 nhà Đại đoàn kết. Trong nhiệm kỳ cơ bản xóa xong nhà tạm và nhà dột nát; Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì triển khai, tổ chức ít nhất 02 chương trình, nội dung giám sát; cấp huyện, cấp xã căn cứ tình hình và điều kiện thực tế lựa chọn nội dung và hình thức giám sát phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện; Phấn đấu trong nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hướng dẫn, triển khai để mỗi khu dân cư trong toàn tỉnh hình thành ít nhất 01 tổ, nhóm tự quản tại cộng đồng…
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 kêu gọi cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động và đồng bào các dân tộc trong tỉnh hãy đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng đoàn kết muôn người như một, phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và các Chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương…
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tặng Đại hội bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn |
Lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, niềm tự hào của cán bộ Mặt trận
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ 2019-2024; đồng thời khẳng định, kết quả đó đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân ổn định, từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả toàn diện. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường.
Đánh giá cao và nhất trí với mục tiêu, phương hướng nhiệm kỳ 2024-2029 cảu MTTQ tỉnh, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Đổi mới - Phát triển”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã gợi mở một số nội dung để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh.
Theo đó, MTTQ các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả 7 nhóm giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết 43-NQ/TW sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Đắk Lắk. Trong đó MTTQ Việt Nam tỉnh phải thực hiện vai trò nòng cốt trong tập hợp rộng rãi các giai cấp, giai tầng xã hội đoàn kết, đồng thuận. Là địa phương hội tụ đông đồng bào dân tộc của cả nước, Mặt trận cần chú trọng phát huy bản sắc văn hóa, lòng tự hào, tự tôn trong mỗi dân tộc, làm trung tâm đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, tạo thành sức mạnh nội sinh, động lực tích cực để tỉnh phát triển.
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám cơ sở, sát nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để tuyên truyền, vận động nhân dân có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn của địa phương.
“Tôi đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về văn hóa, lịch sử, truyền thống đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc anh em, của những người con Tây Nguyên anh hùng, bất khuất. Khơi dậy mạnh mẽ nội lực, tự tin vượt khó vươn lên. Đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng phát triển giàu đẹp”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý và cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu xúi giục, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, MTTQ các cấp cần triển khai thực hiện hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thật tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát; Nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và cơ quan Nhà nước, tập trung vào những vấn đề nhiều người dân quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống của người dân.
Đồng thời chú trọng hướng dẫn người dân phát huy quyền làm chủ, tham gia giám sát tại cộng đồng và tổ chức các đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Căn cứ Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo vai trò là cầu nối của Đảng, Nhà nước với nhân dân, là cơ sở chính trị của nhân dân. Tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; chủ động giám sát việc thực hiện các quy định về tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
|
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trao bức trướng tặng Đại hội.Ảnh:Hoàng Gia. |
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng gợi mở cần nâng cao thực chất các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động, đảm bảo yêu cầu người dân phải là chủ thể từ khâu bàn bạc, thống nhất, đến thời gian thực hiện, giám sát quá trình tổ chức và để người dân được hưởng thụ thật. Tập trung triển khai thực hiện thật tốt Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
Phối hợp với các ngành, cơ quan tổ chức triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Đối với chương trình thứ 6 của hệ thống Mặt trận trong nhiệm kỳ tới, tôi thấy Mặt trận các cấp của tỉnh đồng thuận thông qua các ý kiến tham luận tại Đại hội, tôi đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục rà soát, nhân rộng các mô hình tự quản để triển khai hiệu quả chương trình hành động thứ 6 Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan trong tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân khu vực biên giới trong công tác giữ gìn đường biên, cột mốc, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân của tỉnh Đắk Lắk với Nhân dân của tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và các tỉnh Nam Lào; tuyên truyền, vận động người Đắk Lắk ở nước ngoài hướng về quê hương, hưởng ứng chủ trương xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu mạnh về kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
“Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chú trọng trang bị cho cán bộ Mặt trận, nhất là cán bộ ở cơ sở về trách nhiệm gần dân, lắng nghe dân và tận tụy vì dân; lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, niềm tự hào của cán bộ Mặt trận”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi mở.
|
Các ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt nhận nhiệm vụ.Ảnh:Hoàng Gia. |
Tại diễn đàn Đại hội, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã chuyển đến toàn thể cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp lời nhắn nhủ của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến: MTTQ Việt Nam không trực tiếp làm ra tiền, không trực tiếp làm ra những công trình đồ sộ, hiện đại nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam sẽ là nòng cốt chính trị, làm nên “sức mạnh của lòng dân”, điều đó có khi còn quý hơn tiền. Động lực làm việc của chúng ta là sự tin tưởng của Đảng, sự yêu quý của nhân dân và cuộc sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, làm được gì giúp đỡ họ thì chúng ta cố gắng. Làm tốt công tác Mặt trận, đem lại hạnh phúc cho nhiều người, nhất là người nghèo, người yếu thế, cũng là một vinh dự lớn lao.
Chúc mừng 93 vị đã được Đại hội hiệp thương cử vào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk khóa XV, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn Ủy ban sẽ hiệp thương cử được những vị có năng lực, uy tín, tâm huyết với công tác Mặt trận, trách nhiệm cao với đất nước, với quê hương Đắk Lắk giữ các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam khóa XV. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng các vị, các đồng chí sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch hằng năm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội sẽ đề ra, để MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk thật sự là địa chỉ tin cậy, là mái nhà chung đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tin tưởng, trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục nâng cao vai trò nòng cốt chính trị, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xứng đáng với sự tin tưởng của cấp ủy Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giữ vững vùng “chiến lược của chiến lược” để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
|
Khen thưởng tại Đại hội |
Sau 2 ngày làm việc 27-28/8, Đại hội đã hiệp thương cử ra được 93/95 vị Ủy viên tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (khuyết 2 vị sau Đại hội sẽ bầu bổ sung); hiệp thương cử 7 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk khóa XIV tiếp tục được hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk khóa XV.
Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2019-2024.
Hương Diệp - ảnh Báo Đắk Lắk