Niềm hạnh phúc được làm nghề giáo trên mảnh đất Vĩnh Phúc

(Mặt trận) - Là một trong hai giáo viên tiêu biểu được Sở GD- ĐT Vĩnh Phúc lựa chọn, đề cử tham dự lễ Tuyên dương Nhà giáo và Cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, cô Trần Thị Điều - giáo viên tiếng Anh trường THCS Lý Tự Trọng, huyện Bình Xuyên đã có những cảm xúc đặc biệt và mong muốn chia sẻ, lan toả năng lượng tích cực đến những người đang làm công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Những hạt mầm hạnh phúc

Tôi thật sự may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dạy học, có bố và các cô chú cùng nhiều bà con họ hàng đều làm nghề giáo. Mặc dù điều kiện sống nghèo khó vất vả, nhưng thời cắp sách đến trường làng là những kí ức đẹp đẽ đối với tôi. 

Hình ảnh người cha đeo dép cao su, ôm chiếc cặp cũ mèm đi bộ cả năm bảy cây số mỗi ngày sang làng bên dạy học mỗi khi chiếc xe đạp cà tàng của ông bị hỏng mà không có tiền để sửa đã in đậm trong tâm trí tôi. Đêm về, bên chiếc đèn dầu lập lòe không đủ sáng, ông vẫn ngồi bên chiếc bàn mộc kê bằng tấm ván cập kênh để soạn bài. Đến cả cây bút ông viết cũng là chú tôi tặng cho. 

Ông chưa một lần có ý định bỏ nghề dù đồng lương thời bao cấp ít ỏi không lo đủ cơm cho con ăn. Sự tận tụy của ông, được mọi người trân trọng, khiến tôi sớm biết yêu nghề dạy học. Thời gian khó ấy, tôi còn được các thầy cô giáo trường làng đầy dung dị mộc mạc đã bảo ban, dạy dỗ, thậm chí chia sẻ chút đồ ăn, cả tấm khăn, manh áo, cái bút, tập giấy... Những kí ức đẹp đẽ đó là khởi nguồn cho tôi sau này chọn sư phạm làm nghiệp của đời mình. 

Sau khi ra trường, tôi được công tác cùng bố. Một lần nữa, tôi lại được ông dắt tay bước đi những bước đầu tiên khởi đầu cho nghiệp dạy người. Những chỉ bảo, căn dặn, khuyên nhủ, thậm chí cả những cái chau mày trách mắng nghiêm khắc... giúp tôi từng bước trưởng thành.

Theo gia đình riêng, tôi chuyển về công tác ở Vĩnh Phúc đến nay đã hơn 20 năm. Tôi gặp hoàn cảnh sống khá đặc biệt bởi những toan lo: con nhỏ, chồng công tác xa nhà, nội ngoại ở xa, nhưng tôi luôn nhận những cuộc gọi từ ông hỏi han, nhắc nhở, động viên, cả những trao đổi chuyện nghề, chuyện đời.  

Tôi coi ông như một điểm tựa để từng ngày bước qua khó khăn mà vững tâm làm nghề. Với những cố gắng tận tụy của mình, tôi nhận lại trân trọng từ phía lãnh đạo ngành cũng như các địa phương mà tôi từng công tác, sự tin yêu của đồng nghiệp, của nhiều lớp học trò và phụ huynh học sinh. Tôi nghĩ mình đã có môi trường công tác tốt; sự dung hòa giữa đất và người Vĩnh Phúc khiến tôi vững tin với nghề mà không ngừng cố gắng.

Thêm yêu mảnh đất hiền hoà

Các nhà giáo tiêu biểu chụp ảnh kỷ niệm cùng Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Được hòa mình vào 200 nhà giáo tiêu biểu trên cả nước, tôi thật xúc động khi lần đầu được gặp Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục. Sự ân cần thăm hỏi, lời căn dặn động viên của họ khiến chúng tôi rất xúc động, thấy yêu hơn nghiệp dạy. Lòng tôi thầm nhủ sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với phần thưởng cao quý này. Nhưng có lẽ, cảm xúc khâm phục xin được dành cho các thầy cô tiêu biểu có mặt ngày hôm đó. 

Qua những câu chuyện kể, tôi thêm cảm mến những tấm gương đang hiện hữu bên mình. Những cô giáo tuổi nghề còn rất trẻ hướng dẫn học sinh thiết kế robot dự thi quốc tế đạt giải cao. Thầy hiệu trưởng ở Tiền Giang chặt cây dựng nhà cho các em học sinh ở trọ, khỏi phải chống xuồng đẩy ghe đi học mùa nước nổi; những cô giáo từ chối lời mời công tác ở Đông Anh - Hà Nội mà ở lại dạy học tận huyện Đồng Văn - Hà Giang, cô phải đi tới 2 ngày mới xuống đến Hà Nội để dự Tuyên dương. 

Những thầy giáo mầm non chải đầu tết tóc cho trẻ mới chỉ vài tuổi, những giáo viên nam ấy còn rất trẻ, ngoài kia nhiều cơ hội việc làm mời gọi, sao họ chọn giáo dục mầm non? Nhiều thầy cô chọn ở lại những vùng đặc biệt khó khăn, đến tận thôn bản dạy 5,6 học sinh trong một lớp ghép 2,3 trình độ vì số học sinh không đủ một điểm trường... So với họ, những gì tôi đã làm được cho học trò, cho ngành Giáo dục suốt hơn 30 năm qua có lẽ còn rất nhỏ bé. 

Chỉ chưa đầy 50 giờ quý báu bên những nhà giáo tiêu biểu ấy, tôi đã đủ lắng lại và suy ngẫm. Tôi nhận thấy bản thân mình đã rất may mắn khi được sống và làm việc tại Vĩnh Phúc. Với cái nhìn tổng thể, Vĩnh Phúc có đủ ba yếu tố: Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa để phát triển Giáo dục. Chúng ta có thiên nhiên ưu đãi, ít khi gặp thiên tai. Chúng ta được sống trong điều kiện khá an toàn, đó là Thiên thời. Chúng ta có vị trí địa lí tốt cho giáo dục khi có rất ít yếu tố vùng miền sâu xa hay đi lại rất khó khăn, giao thông và cơ sở hạ tầng và kinh tế ngày càng phát triển khá vững vàng. Con người Vĩnh Phúc năng động, nhạy bén với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, văn minh, tinh tế trong ứng xử, đặc biệt quan tâm đến giáo dục và luôn có ý thức nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong học tập và rèn luyện.

Cô Trần Thị Điều và cô Lê Thị Hải Yến

Tôi đã phải thốt lên với cô Lê Thị Hải Yến (giáo viên môn Địa lý, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, cũng là một trong hai đại diện của tỉnh Vĩnh Phúc tham dự sự kiện): “Được nghe kể mới thấy, chị em mình rất may mắn được công tác ở vùng thuận lợi so với bao nhiêu thầy cô có mặt ở đây. Họ là những thầy cô tiêu biểu đáng cảm phục nhất trong số những nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh lần này”.

Với những chia sẻ này, tôi mong được lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến tất cả những ai đang làm công tác giáo dục, đó là sự tận tụy với nghề, sự cố gắng vượt khó vươn lên, tình yêu thương và sự lương thiện với người, với đời để nhận lại niềm vui mỗi ngày ta đang sống. Chúng ta hãy là điểm tựa vững chãi cho học trò, là những người truyền cảm hứng, khơi dậy nơi con trẻ những luồng sinh khí mới, hãy đi cùng nhau trong vai trò của người dẫn đường cho các em, cùng nỗ lực vượt qua những thách thức trong suốt hành trình mà mình chọn lựa, rồi niềm hạnh phúc sẽ đến với chúng ta.

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều