Tình hình thực hiện thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện

(Mặt trận) - Những năm gần đây, việc thực hiện mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện đã góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ kết quả đạt được, những thuận lợi và khó khăn, hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mô hình này thời gian qua, bài viết đề xuất thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Hội nghị tổng kết công tác dân vận Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 2021. Ảnh: TTXVN

Trong nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, có yêu cầu “thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện...”. Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34-KL/TW ngày 7/8/2018 “về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-KL/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", trong đó “giao cho Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương chủ động thực hiện thí điểm ở cấp huyện. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc và thống nhất với Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy nơi có điều kiện để thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh”. Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện, đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Về tình hình tổ chức triển khai thực hiện

 Sau khi có chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể về thực hiện thí điểm chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quá trình triển khai thực hiện hầu hết các tỉnh, thành phố thực hiện đúng theo Kết luận 34-KL/TW của Bộ Chính trị, phân công đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận cấp ủy, giới thiệu để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Song cũng có trường hợp cấp ủy phân công, bổ nhiệm đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng Ban Dân vận và bầu bổ sung vào Ban Thường vụ.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố về tình hình triển khai thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến tháng 12/2021:

Đối với cấp tỉnh: Có 21/63 tỉnh, thành phố1 thực hiện Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh (tỷ lệ 33,33%), tăng 14 tỉnh (tỷ lệ tăng 22,22%), so với trước khi chưa triển khai thực hiện Nghị quyết 18 -NQ/TW, số lượng là 7/63 tỉnh, thành phố2 (tỷ lệ 11,11%).

Đối với cấp huyện: Có 483/703 đơn vị cấp huyện của 63 tỉnh, thành phố thực hiện Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện (tỷ lệ 68,71%), trong đó có 22 tỉnh, thành phố3 có 100% cấp huyện thực hiện Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện. So với trước khi chưa triển khai thực hiện Nghị quyết 18 -NQ/TW, số lượng đơn vị cấp huyện (năm 2017) thực hiện là 62/713 đơn vị (tỷ lệ 8,69%), tăng 421 huyện.

Theo đánh giá chung, việc thực hiện mô hình thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện chiếm tỷ lệ lớn, tăng nhanh so với trước khi thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, nhiều địa phương đã triển khai ở 100% đơn vị cấp huyện (do giảm được biên chế, cơ cấu được Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tham gia Ban Thường vụ cấp ủy)4.

Thuận lợi và khó khăn khi thực hiện mô hình thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện

Việc thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện đã góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đảm bảo cơ cấu Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là đối với cấp huyện trong điều kiện số lượng Ban Thường vụ hạn chế5.

Ban Dân vận là cơ quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của cấp ủy về công tác tập hợp, vận động quần chúng, hai cơ quan có những điểm tương đồng, do vậy, khi thực hiện Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ thuận lợi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, vừa tham mưu cho cấp ủy Đảng về chủ trương, chính sách công tác dân vận, vừa chỉ đạo tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách dân vận của Đảng.

Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay với số lượng quá lớn ở các địa phương (cấp tỉnh tỷ lệ 33,33%, cấp huyện tỷ lệ 68,51%). Nếu không có thời gian đánh giá, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm trước khi thực hiện đồng loạt như một số địa phương hiện nay (19 tỉnh) có thể sẽ không đạt kết quả như mong muốn.

Do chưa có hướng dẫn cụ thể về “địa phương có điều kiện” để thực hiện thí điểm nên các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện không thống nhất về các tiêu chí lựa chọn, phân công cán bộ đảm nhiệm lãnh đạo đồng thời hai cơ quan và chọn địa phương làm thí điểm. Ở những địa phương, tổ chức bộ máy hai cơ quan (Dân vận và Mặt trận Tổ quốc) chưa tốt, năng lực cán bộ hạn chế thì Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ hoặc hiệu quả công tác không cao.

Hiện nay, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện”, theo đó, số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện giảm (cấp tỉnh 2 - 3 Phó Chủ tịch, cấp huyện 1 Phó Chủ tịch), trong khi đó đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc lại đồng thời là Trưởng Ban Dân vận sẽ dẫn đến rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ (từ việc chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ, dự hội nghị và đi cơ sở để nắm bắt tình hình).

Về công tác lãnh đạo, điều hành của đồng chí Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng gặp nhiều khó khăn do:

+ Quy chế hoạt động của hai cơ quan Dân vận và Mặt trận Tổ quốc chưa được sửa đổi, bổ sung cụ thể, nhất là quy định về trách nhiệm của đồng chí Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Việc tham gia sinh hoạt và lãnh đạo trong các tổ chức đảng giữa hai cơ quan đồng thời có nhiều bất cập. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có thể là Bí thư Đảng đoàn và Bí thư chi bộ (đảng bộ) cơ quan nên không tham gia sinh hoạt cùng chi bộ Ban Dân vận hoặc nếu tham gia sinh hoạt chi bộ Ban Dân vận thì sẽ khó khăn trong việc nắm bắt tư tưởng đảng viên của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Đối với cấp huyện nếu không sáp nhập chi bộ hai cơ quan thì tình trạng cũng sẽ tương tự, khó khăn cho công tác phối hợp lãnh đạo.

+ Đa số trụ sở làm việc của Ban Dân vận và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện ở 2 địa điểm khác nhau, nên việc đi lại khó khăn, không thuận lợi.

Hiện nay, Trung ương chưa ban hành chính sách cụ thể đối với đồng chí Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do vậy chưa tạo điều kiện thu hút cán bộ có năng lực và khuyến khích cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một số giải pháp thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới

Một là, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế của công tác Dân vận và Mặt trận trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng cần có tổng kết về lý luận và các vấn đề thực tiễn đặt ra, để xem xét quyết định những vấn đề về thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện.

Hai là, trong thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm rõ một số vấn đề như: Xác định rõ các điều kiện cần và đủ khi thực hiện; xác định vùng, miền, địa phương để tiến hành thí điểm và tỷ lệ thí điểm.

Ba là, các cấp ủy tiếp tục xem xét bố trí, cơ cấu một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện tham gia cấp ủy cùng cấp đối với những địa phương đang thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thuận lợi trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, tiếp tục khảo sát, đánh giá thực tế việc thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp, tỉnh, huyện để giải quyết các khó khăn, bất cập hiện nay, đồng thời đề xuất phương án thực hiện mô hình này đối với những địa phương chưa thực hiện thí điểm.

Chú thích:

1. Các tỉnh: Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Cao Bằng, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Tháp, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Long An, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Tuyên Quang.

2. Các tỉnh: Bình Dương, Cà Mau, Cao Bằng, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Tuyên Quang.

3. Có 22 tỉnh, thành phố 100% Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp huyện là Trưởng Ban Dân vận: Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre; Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Khánh Hòa; Kon Tum, Lạng Sơn, Long An, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Tuyên Quang; Vĩnh Long, Yên Bái.

4. Sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, ở cấp huyện 703/703 đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tham gia cấp ủy, trong đó có 609/703 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy; có 483/703 đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc đồng thời là Trưởng Ban Dân vận.

5. Số lượng Ban Thường vụ ở cấp tỉnh: Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An không quá 17 đồng chí; Các tỉnh ủy, thành ủy còn lại và các đảng ủy khối trực thuộc Trung ương từ 13 đến 15 đồng chí. Đối với Ban Thường vụ ở cấp huyện: Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ từ 9 đến 11 đồng chí. Đối với những nơi có số lượng đảng viên lớn hoặc tính chất nhiệm vụ, địa bàn phức tạp số lượng Ủy viên Ban Thường vụ không quá 13 đồng chí.

Nguyễn Bắc Bình

ThS, Ban Tổ chức - Cán bộ, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều