Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh văn hoá đọc trong các nhà trường

(Mặt trận) - Lần đầu tiên phòng chuyên môn Sở giao chỉ tiêu về phát triển văn hóa đọc cho học sinh phổ thông vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học (văn bản số 1558 ngày 18/9 về nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao, y tế trường học và công tác quản lý học sinh năm học 2023-2024) đối với các đơn vị, nhà trường; đồng thời ban hành một văn bản riêng (số 1603 ngày 22/9) chỉ đạo triển khai công tác thư viện trường học. 
Tinh thần cốt lõi của các văn bản là yêu cầu các nhà trường, các cấp học bố trí thời gian phù hợp trong tuần để thực hiện các chỉ tiêu nêu trên. Đây là một bước tiến mới trong chỉ đạo nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, phát triển văn hoá đọc của học sinh trong trường học, góp phần quan trọng vào tính hiệu quả trong vận hành và sử dụng thư viện trường học, không gian thư viện mở, thân thiện, đang được tỉnh chỉ đạo và đầu tư cho 100% trường phổ thông của tỉnh từ năm 2022.
Đẩy mạnh văn hoá đọc tại các cấp học của tỉnh Vĩnh Phúc 

Phát biểu tại giao ban các phòng GD&ĐT do Sở GD&ĐT tổ chức vừa qua, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông nhấn mạnh, bám sát mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó cấp tiểu học cần quan tâm hàng đầu là phát triển cân đối, hài hòa về thể chất, tinh thần của học sinh. 

Một trong những điểm nhấn của năm học 2023-2024 là đưa vào triển khai tiết đọc sách ở tất cả đơn vị trường học, chú trọng từ cấp tiểu học để học sinh được tiếp cận nguồn kiến thức, rèn cho các em thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. 

Việc phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần là vế đầu tiên vô cùng quan trọng, tạo nền tảng quyết định việc các em có đủ sức khỏe (thể lực và trí lực) để học tập, rèn luyện, phát triển con người có đủ phẩm chất, năng lực ở các bậc học tiếp theo.

Ngoài việc dành thời lượng đọc sách, tham mưu đầu tư, nâng cấp thư viện theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, thân thiện, hiện đại, tăng cường số lượng đầu sách, Sở GD&ĐT còn yêu cầu các đơn vị, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến đọc như các buổi thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con; lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Tổ chức hiệu quả các hoạt động như: Ngày hội đọc sách; trưng bày, triển lãm sách; phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”, tích cực tham gia Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”…
Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, đóng góp cho thư viện trường, lớp từ chính quyền các cấp, doanh nghiệp, tổ chức, người dân địa phương, cha mẹ học sinh… 

Các đơn vị, nhà trường thực hiện công tác đánh giá thư viện theo quy định tại Thông tư số 16/2022 của Bộ GD&ĐT về quy định tiêu chuẩn tư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Trong đó, các trường phổ thông căn cứ vào các quy định về tiêu chuẩn, danh hiệu thư viện để tự đánh giá và đề nghị cấp trên kiểm tra, công nhận danh hiệu thư viện của trường. Các đơn vị đánh giá, tổng kết hoạt động thư viện vào cuối năm học, gửi kết quả về Sở GD&ĐT trước ngày 31/5 hàng năm.

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều