|
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Báo Dân tộc
|
Tham dự Hội thảo có gần 70 đại biểu đến từ Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang; các sở, ngành, UBND các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang; Hội Văn học nghệ thuật và Hội bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu của tỉnh. Cùng tham dự còn có đại biểu là người có uy tín và nghệ nhân ưu tú trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được những thành tựu trên nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó có ngôn ngữ của các DTTS trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một. Trước thực trạng đó, Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất và được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Để Dự thảo Đề án được hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thảo này nhằm trao đổi, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, những người có chuyên môn, tâm huyết trong việc bảo tồn ngôn ngữ DTTS.
Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” xác định mục tiêu đến năm 2026 nâng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc lên 10% (chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay, Dao); tập trung ở 73 xã vùng đồng bào DTTS thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Báo Bắc Giang
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao việc nhóm biên soạn của Đề án sẽ xây dựng bộ tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm khắc phục khó khăn về thiếu tài liệu, nội dung giảng dạy đơn giản.
Bên cạnh những bài viết, ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, Hội thảo còn tiếp thu ý kiến của những người có uy tín, các giáo viên, các Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, nắm giữ loại hình Tiếng nói, chữ viết DTTS có nhiều tâm huyết xây dựng, duy trì các mô hình truyền dạy tiếng DTTS tại các bản, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi số vào hoạt động giảng dạy; tổ chức hội thi hùng biện bằng tiếng dân tộc; tạo môi trường để người DTTS được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thường xuyên. Cùng với đó, mỗi gia đình phải là lớp truyền dạy tiếng DTTS cho chính con em của mình ngay từ khi còn nhỏ.
Hồng Nhung