|
Lễ hội Hoa Ban thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước
|
Di sản văn hóa vật thể của tỉnh Điện Biên gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào DTTS. Đó là các thửa ruộng bậc thang gắn với hệ thống mương - phai - lái - lín (hệ thống tưới tiêu nổi tiếng của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc); không gian văn hóa của các bản làng nằm ở thung lũng ven núi, những mái nhà sàn cao ráo, thoáng mát được trang trí bởi khau cút (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người dân tộc Thái) đa dạng về kiểu dáng. Ở khu vực rẻo cao của huyện Điện Biên Đông, huyện Tuần Giáo, người H’Mông dựng ngôi nhà có kiến trúc độc đáo bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng rẻo cao. Vùng biên giới giáp Lào, các bản của người Khơ-mú với các ngôi nhà nằm sát cạnh nhau. Trong màu xanh của núi rừng, tất cả hòa quyện thành một bức tranh văn hóa quyến rũ đầy màu sắc.
Điện Biên cũng có một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian…, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân vùng núi rừng, biên cương. Trong đó, nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên, Tết Nào pê chầu của người H’Mông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng), Lễ hội đền Hoàng Công Chất (tại di tích Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), Lễ Tủ cải (lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao quần chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch, ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các dự án thành phần thuộc Chương trình. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biện được phân bổ vốn đầu tư công trung hạn trên 2.530 tỷ đồng và tỉnh đã hoàn thành phân bổ đạt 100% kế hoạch vốn giao. Trong đó, Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” được tỉnh Điện Biên chú trọng thực hiện.
Cùng với việc đầu tư hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ vốn, cây con giống, kỹ thuật, tỉnh đã đầu tư nguồn lực, xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa xã, thôn, bản; bảo tồn các phong tục, tập quán; lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể, đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú… Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được quan tâm bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị, xây dựng thành các sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp con người, mảnh đất Điện Biên.
Cụ thể, tỉnh đã tiến hành bảo tồn một số di sản văn hóa như: “Lễ Nhảy lửa” của dân tộc Dao, ngành Dao đỏ tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; “Lễ cầu mùa” dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo; “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào, tại bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông. Tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật xòe truyền thống của người Thái cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành; các đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố; giáo viên, học sinh một số trường học; lực lượng vũ trang... Bên cạnh đó, thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức bảo tồn hội Hạn khuống của người Thái tại bản Him Lam II, phường Him Lam và bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái tại bản Noong Chứn, phường Nam Thanh. Huyện Điện Biên đã bảo tồn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông; bảo tồn lễ hội truyền thống của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào, Cống; mở lớp truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái và múa Lăm Vông của người Lào. Thị xã Mường Lay đã bảo tồn di sản Nghệ thuật Xòe Thái, Lễ hội đua thuyền đuôi én. Huyện Mường Ảng đã thực hiện bảo tồn Tết Nào pê chầu của người Mông tại các xã tập trung người Mông sinh sống.
Công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Điện Biên đã được các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, các nghệ nhân là người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Họ là những người am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống và trao truyền cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh…
Cùng với đó, các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa, xếp hạng di tích, danh lam thắng cảnh, khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích, phục dựng lễ hội, điều tra khảo cổ, tuyên truyền, phố biến, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa... đều được thực hiện theo kế hoạch đặt ra.
Toàn tỉnh đã kiểm kê 67 di tích, trong đó 27 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng; xác định 45 mốc khoanh vùng bảo tồn cho di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ (thành lũy được Hoàng Công Chất xây dựng ở châu Ninh Biên, phủ An Tây vào giữa thế kỷ XVIII, ngày nay là huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); cắm 191 biển báo, biển chỉ dẫn các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các di tích, như di tích chiến trường Điện Biên Phủ, di tích Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh (huyện Điện Biên Đông), di tích Thành Bản Phủ, động Pa Thơm (huyện Điện Biên), hang động Xá Nhè và Khó Chua La (huyện Tủa Chùa); bổ sung, lưu giữ, quản lý 12.403 hiện vật trong các bảo tàng và ban quản lý di tích.
Công tác dạy tiếng dân tộc, tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật cổ truyền cũng được chú trọng. Những năm gần đây, Điện Biên đã tổ chức cho 265 trường tiểu học dạy học tiếng Thái, với 1.162 lớp và 26.098 học sinh tham gia; 256 trường tiểu học tổ chức dạy học tiếng Hmông, với 1.352 lớp, thu hút 33.483 học sinh tham gia. Ở cấp trung học cơ sở, 122 trường trung học cơ sở tổ chức dạy học tiếng Thái, với 722 lớp, thu hút 23.168 học sinh tham gia; 133 trường tổ chức dạy học tiếng Hmông, với 688 lớp, thu hút 23.654 học sinh tham gia. Di sản văn hóa cũng được giáo dục cho các thế hệ trẻ thông qua việc tổ chức cho học sinh sưu tầm ca dao, dân ca; tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu văn hóa ẩm thực, cách thức tổ chức tết, lễ hội truyền thống; tổ chức hội diễn văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian...
Thông qua việc đầu tư, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa của văn hóa để có ý thức hơn trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của cha ông; thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để từ đó chung tay nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cuộc sống, cùng với giữ vững an ninh trật tự, an ninh chính trị và đảm bảo vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
Từ các lễ hội, ngày hội văn hoá, đồng bào các dân tộc thiểu số có dịp giao lưu văn hoá, từ đó đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Nhiều gia đình đã và đang kinh doanh dịch vụ du lịch như homestay, ẩm thực và trải nghiệm.
Bảo tồn văn hóa các DTTS tỉnh Điện Biên
Hàng năm, tỉnh Điện Biên tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền đuôi én, Tết Té nước (Bun Huột Nặm) dân tộc Lào; Lễ Cúng bản (Tê hrôi cung) của dân tộc Khơ Mú; Lễ Cầu mùa của dân tộc Si La; Lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao; Lễ Cầu mùa của người Khơ Mú; Lễ Cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì... Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh mở lớp truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái; huyện Điện Biên mở lớp truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái và múa lăm vông của dân tộc Lào; các huyện tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đoàn kết các dân tộc…. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 1 câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; 1 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian, văn hóa dân gian, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Toàn tỉnh hiện có 1.273 đội văn nghệ quần chúng, việc duy trì sinh hoạt thường xuyên của các đội văn nghệ đã phát huy những giá trị về nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc, đồng thời tạo ra những hạt nhân để thực hành, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Tỉnh hiện có 2 di sản nghệ thuật then Thái và nghệ thuật xòe Thái được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở đó, tạo ra động lực cho phát triển các loại hình du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch tâm linh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thu Anh