Sự cần thiết phải có đồng thuận xã hội
Nếu mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, hay nói cách khác là một xã hội thu nhỏ, thì ngay xã hội thu nhỏ ấy cũng cần sự đồng thuận. Có câu: “Thuận vợ thuận chống tát biển Đông cũng cạn” để nói về sức mạnh to lớn của sự đồng thuận. Vậy, một cộng đồng xã hội, một quốc gia dân tộc có sự đồng thuận thì sức mạnh to lớn đến nhường nào. Lịch sử Việt Nam đã nhiều lần chứng minh sức mạnh to lớn ấy. Nhờ có sự đồng thuận mà ông cha ta đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đế quốc mạnh vào bậc nhất thế giới thời trung cổ. Về sức mạnh, đế quốc Mông Cổ đã chinh phục hầu hết các nước châu Âu hùng mạnh, thu phục toàn bộ Trung Hoa rồi sáp nhập vào Mông Cổ mà lập đế quốc Nguyên Mông sừng sững ngay trên đầu nước Việt. Về dã tâm, đế quốc Nguyên Mông muốn chiếm nước ta bằng mọi giá để khơi thông con đường chinh phục phía Nam. Với dã tâm ấy đế quốc Nguyên Mông 3 lần tiến đánh nước ta nhưng cả 3 lần đều thất bại cay đắng. Vì sao một nước Việt nhỏ bé lại có thể chặn đứng vó ngựa xâm lăng của một đế quốc to lớn và hùng mạnh đến như vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm là đồng thuận, là “Tướng sĩ một lòng phụ tử/Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Sau hội nghị Diên Hồng, với tinh thần “sát thát” toàn quân, toàn dân Đại Việt, muôn người như một, đã kết lại thành “làn sóng vô cùng mạnh mẽ, cuốn phăng mọi trở ngại, nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược”. Có thể nói trong đấu tranh giữ nước, dân tộc ta đã nhiều lần lập nên những kỳ tích, và những chiến công vang dội ấy chỉ có thể giải thích là sức mạnh của sự đồng thuận. Sức mạnh ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết! Thành công, Thành công, Đại thành công!”. Đó là trong đấu tranh giữ nước. Trong hòa bình, xây dựng đất nước có cần sự đồng thuận? Khẳng định ngay: Rất cần! Đồng thuận không chỉ là sức mạnh mà còn là lẽ sống, phong cách sống, chất lượng sống. Vẫn nghe “trong ấm, ngoài êm”, chuẩn mực văn hóa hết sức giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Trong không ấm thì ngoài cũng không thể êm được. Xã hội không đồng thuận thì không thể có cảnh thái bình thịnh trị được. Có nghĩa là khắp hang cùng, ngõ hẻm không những không có tiếng vui ca mà còn có tiếng khóc ai oán, tủi hờn, phẫn uất! Khi ấy “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quân hồi vô phèng”, “binh kiêu, tướng thoái”… xã hội bất an, loạn lạc… thì làm sao xây dựng được đất nước.
Trong giữ nước cũng như xây dựng đất nước, đồng thuận xã hội có ý nghĩa quyết định sự sống còn của dân tộc chúng ta. Vị trí địa lý, vai trò lịch sử và tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực đã chỉ cho dân tộc ta con đường tồn tại và phát triển, đó là cố kết cộng đồng. Thậm chí, phải cố kết đến mức “chết đống còn hơn sống mình!”. Bài học lịch sử ấy mách bảo chúng ta ngày nay phải xây dựng đồng thuận xã hội để phát triển bền vững, để thoát nghèo đói, tụt hậu mà vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thực trạng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay
Việt Nam vừa trải qua một thử thách giàu ý nghĩa về sự đồng thuận xã hội, đó là việc chúng ta chống dịch Covid - 19 thành công được cả thế giới khâm phục và ca ngợi. Nguyên nhân có nhiều, nhưng suy cho cùng cũng từ đồng thuận mà làm nên kỳ tích. Nếu so sánh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… chúng ta còn khó khăn hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta thành công chính nhờ sự đoàn kết xã hội mà vai trò hệ thống chính trị được thể hiện rất rõ nét. Hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộ, nhịp nhàng, đáp ứng yêu cầu “bất thường” của việc "chống dịch như chống giặc" ngay giữa thời bình. Nếu so sánh, chống dịch Covid - 19 còn có phần cam go hơn chống giặc là vì kẻ thù vô hình nhưng lan truyền hết sức nhanh trên phạm vi toàn thế giới, khó có sự hỗ trợ từ các nước khác, mọi việc phải tự giải quyết. Trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng và Nhà nước cùng hệ thống chính trị đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội ngay từ chủ trương đến các giải pháp, biện pháp cụ thể trong phòng chống dịch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chống dịch Covid - 19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh "chống dịch như chống giặc"; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn kêu gọi các tổ chức thành viên và toàn dân ủng hộ chủ trương của Chính phủ; Tất cả các địa phương có dịch cũng như chưa có dịch đều vào cuộc hết sức khẩn trương, nghiêm túc ngăn chặn kịp thời sự bùng phát của dịch bệnh. Vấn đề đặt ra là, nếu để dịch bệnh bùng phát không kiểm soát được, với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của chúng ta hiện có, chúng ta sẽ gặp khó khăn đến mức nào. Có đặt vấn đề như thế mới hiểu được các biện pháp quyết liệt ngay từ đầu của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn có lý. Phương châm 'bốn tại chỗ" thật sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Với các biện pháp quyết liệt đó, toàn xã hội từ trẻ em đến các cụ già,… đặc biệt là các y, bác sĩ - những người trên tuyến đầu chống dịch đã vào cuộc, tạo nên sức mạnh to lớn trong cuộc chiến chống dịch đưa đến thành công mà thế giới khâm phục. Một lần nữa cái tên Việt Nam lại được vang lên trong cộng đồng quốc tế. Phải chăng, chúng ta lại chứng minh cho thế giới sức mạnh vô địch của sự đoàn kết Việt Nam.
Trong chống dịch, tinh thần đồng thuận xã hội được thể hiện một cách rõ nét, nổi trội dễ nhận biết. Đường lối của Đảng, chính sách và các biện pháp cụ thể của Chính phủ được cả cộng đồng nhận thức đúng đắn và được hiện thực hóa trong cuộc sống một cách sinh động, cụ thể và hiệu quả. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh tế - xã hội không phải khi nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Có những chính sách không thể có hiệu quả ngay trước mắt để có thể nhận biết ngay. Có những chính sách khi triển khai thực hiện bị sai lệch, không có hiệu quả, thậm chí làm tổn hại kinh tế - xã hội, mất niềm tin của nhân dân, gây bức xúc xã hội. “Bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, suy đồi về đạo đức, buông thả về lối sống, kết bè kết phái để chia chác lợi ích đã làm mất niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến khối đại đoàn kết toàn dân.
Hãy bắt đầu từ sự nghiệp đổi mới. Đảng nhận thức phải đổi mới tư duy, trước tiên là tư duy kinh tế. Thế là bắt đầu thử nghiệm kinh tế thị trường. Kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp dần dần nhường chỗ cho kinh tế thị trường. Đảng có chủ trương đúng, đồng thời nhân dân hăng hái vào cuộc, mặc dù còn muôn vàn khó khăn. Cái mới chỉ là tư duy và cách làm mà thôi. Cơ sở vật chất và sự giúp đỡ quốc tế hầu như không có gì, thậm chí còn khó khăn hơn thời chiến tranh, vì Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng đang khủng hoảng, phương Tây vẫn đang cấm vận, lạm phát phi mã… Có thể nói, những năm đầu đổi mới đất nước ta gặp khó khăn chồng chất, nhưng chúng ta vẫn vượt qua bằng sự đồng thuận toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Để rồi sau đó thoát ra khỏi cấm vận, bình thường hóa với Hoa Kỳ… bắt đầu một thời kỳ ngoạn mục xóa đói, giảm nghèo. Càng đổi mới, đồng thuận xã hội càng thể hiện rõ, hiệu quả ngày càng cao và đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng cao, là thành viên có trách nhiệm và có đóng góp ngày càng thiết thực cho khu vực và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong phát triển không tránh khỏi những mâu thuẫn xã hội như là quy luật của quá trình vận động chuyển đổi từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường. Đặc biệt “bộ phận không nhỏ” suy thoái tư tưởng chính trị, tha hóa đạo đức, lối sống, tham ô, nhũng nhiễu làm cho niềm tin của nhân dân suy giảm, bức xúc xã hội gia tăng… bức tranh đồng thuận xã hội có phần bị lu mờ. Thế lực thù địch và một bộ phận vốn tích cực trong xã hội nay nản lòng và không giữ được sự kiên nhẫn chấp nhận quy luật khắc nghiệt của vận động xã hội đã có cái nhìn phủ định về đồng thuận xã hội, làm cho tình hình tự nó trở thành nghiêm trọng hơn. Vấn đề là: Các cấp ủy và chính quyền phải nghiêm túc quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, tích cực, vận động sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, làm cho lớp bụi che lấp bức tranh đồng thuận vốn là nền tảng trong xã hội ta được hiện rõ, phản ánh đúng thực trạng về đồng thuận xã hội hiện nay ở nước ta.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng và củng cố đồng thuận xã hội hiện nay
Với việc phân tích, đánh giá một cách khách quan bức tranh tổng thể về đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay, để phát huy yếu tố tích cực và hạn chế tiêu cực thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng cần nâng cao. Với chức năng giám sát và phản biện xã hội. Với lực lượng hùng hậu các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu của mọi thành phần xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là lực lượng mạnh nhất trong công tác này. Vấn đề không chỉ là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có lực lượng đến thôn, bản, tổ dân phố mà còn là lực lượng “không thể so sánh” về năng lực vận động, tiếng nói uy tín, đáng tin cậy trong cộng đồng. Để vận động, có thể nói không lực lượng nào có thế mạnh như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt trong tình hình tệ tham những, thoái hóa chủ yếu rơi vào những người có chức, có quyền. Những người làm công tác Mặt trận thường trong sáng, thẳng thắn và ít vướng những “tệ nạn thời @”, bởi thế tiếng nói còn được dân chúng lắng nghe. Vận động xây dựng và củng cố đồng thuận xã hội không có gì mạnh hơn là sự thuyết phục, là sự tự nguyện của cộng đồng. Nhìn nhận như vậy sẽ thấy vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự cần thiết phát huy vai trò này trong vận động xã hội đồng thuận.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị. Giải pháp này không mới, nhưng vẫn hết sức cần thiết vì trong hoạt động thực tiễn, vì nhiều lý do khác nhau, không phải nơi nào các cấp ủy và chính quyền cũng nhận thức đúng. Có những nơi chính những người làm công tác trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình nên thiếu chủ động trong công tác, không phát huy được sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và của các tổ chức thành viên.
Hai là, tranh thủ tốt sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chính quyền và các tổ chức khác, nhất là các tổ chức thành viên nhằm tạo thế trận rộng khắp, phát huy thế mạnh của từng tổ chức, cơ quan trong từng công việc cụ thể để linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết mọi vấn đề trong cộng đồng một cách đồng thuận, hiệu quả.
Ba là, trong hoạt động lấy vận động làm cách thức chủ yếu bởi thế phương châm là lắng nghe để thấu hiểu, gương mẫu để thuyết phục, kiên nhẫn theo bám đến cùng để giải quyết công việc. Mọi sự đều vì lợi ích cộng đồng thì việc dù khó mấy cũng có thể thành công.
Bốn là, tạo điều kiện tốt nhất để các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu trong lao động, sản xuất và trong sinh hoạt. Xây dựng những tấm gương thực sự vì cộng đồng, đồng thời lao động có hiệu quả, gia đình ấm êm, hạnh phúc, hăng hái tham gia công tác Mặt trận. Đặc biệt tránh xảy ra tình trạng những nhân tố tích cực lại bị đối xử không công bằng, đến mức trở thành đối tượng trực tiếp đối đầu với chính quyền, châm ngòi cho bất đồng trong cộng đồng. Khi có những dấu hiệu trên, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận phải phối hợp giải quyết ngay, không để kéo dài, ủ bệnh âm ỉ trong cộng đồng làm rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân ngay từ mắt xích trọng yếu.
Thứ năm, trong việc xây dựng đồng thuận xã hội cần đặc biệt chú ý yếu tố vùng miền, yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng, từng địa phương. Tránh áp đặt, tránh các lỗi về văn hóa có thể làm phức tạp tình hình, khó khắc phục trong hoạt động vận động cộng đồng.
Hiệu quả của công tác này được đánh giá một cách dễ dàng, nhất là không có khiếu kiện, không có cán bộ, đảng viên trong “bộ phận không nhỏ” suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa về đạo đức, lối sống, không có tham nhũng, cửa quyền, mất dân chủ.
Nguyễn Viết Chức
TS, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội, UBTW MTTQ Việt Nam