Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để Nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện lời căn dặn của Người, ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Mặt trận Việt Minh tổ chức mít tinh trọng thể, nghe công bố thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kêu gọi toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời ghi nhận sự ra đời của “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên. Những năm sau đó, Ngày Thương binh toàn quốc được tổ chức hàng năm. Từ năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực hưởng ứng, tạo sự lan tỏa sâu rộng, có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Trong công tác thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và vẫn có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”. 75 năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua các phong trào, các cuộc vận động: “Xây dựng đời sống mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và hiện nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuối năm 2015, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, các chương trình tình nghĩa, như: Nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giúp đỡ thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng... Cùng với đó, từ năm 2006, để góp phần cùng chính quyền các cấp chăm lo tốt hơn cho gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Theo báo cáo của Cục Người có công, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, tính từ năm 2012, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ gần 7.400 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung ương là gần 45 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 7.320 tỷ đồng; xây dựng gần 85.000 nhà tình nghĩa; sửa chữa hơn 69.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 13.000 tỷ đồng. Đến nay, cả nước có 3.736 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ; 98,6% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân trên cùng địa bàn.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng phần máu xương của các anh hùng, liệt sĩ vẫn còn nằm trên các chiến trường, đây cũng là nỗi đau của thân nhân các gia đình liệt sĩ và của dân tộc. Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã đóng góp vào công tác phát hiện, cất bốc và quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng tu bổ, chăm sóc nghĩa trang, nhà bia, phần mộ các liệt sĩ. Vào các dịp 27/7 hàng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đều tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, đó là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức các đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sĩ…
Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ về nhà ở (bao gồm nhà cần xây mới và nhà cần sửa chữa). Nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước và mục tiêu phấn đấu của Nhà nước về giải quyết chính sách nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công có hoàn cảnh khó khăn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và kêu gọi huy động nhiều nguồn lực để thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đồng thời chăm lo tốt hơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng một cách thiết thực, hiệu quả.
Về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình "Đền ơn đáp nghĩa"1. Phấn đấu đến hết năm 2025 và những năm tiếp theo, bảo đảm 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công.
Thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tri ân, chăm lo người có công với cách mạng. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng; vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tạo thêm nguồn lực cùng Nhà nước chăm lo cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách trên địa bàn cả nước. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có văn bản đề nghị hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ - 2022”. Phấn đấu 100% gia đình chính sách đều được cộng đồng dân cư, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở các thôn, bản, khu phố, xã, phường... quan tâm, chăm lo chu đáo, thực hiện đầy đủ các chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” do Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó, thúc đẩy các tổ chức xã hội thiết thực tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Cụ thể, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hơn 10 năm qua đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động tri ân liệt sĩ, tham gia khám chữa bệnh cho hơn 23.689 lượt đối tượng chính sách; trao tặng trên 795 nhà tình nghĩa (mỗi nhà trị giá 60 triệu đồng), hỗ trợ sửa chữa 40 nhà (mỗi nhà trị giá 40 triệu đồng), tặng 2.377 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng), trao 581 suất học bổng cho các con, cháu liệt sĩ nghèo (mỗi suất 2 triệu đồng) và hơn 36.795 suất quà cho các gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước; Hội đã phối hợp với Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 tổ chức thành công 12 Chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ với tổng số tiền thu về gần 7 tỷ đồng để hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ và xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Kết quả đó không chỉ là ân tình với những đồng đội, đồng chí đã hi sinh thân mình vì nền độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, nghĩa tình thủy chung trong sáng với bạn bè quốc tế, còn là những nghĩa cử cao đẹp và trách nhiệm giữa những người đồng chí, đồng đội còn sống với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh.
“Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tin tưởng rằng, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn khắc sâu những tình cảm và sự tri ân đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với đất nước, tham gia thực hiện tốt nhất các hoạt động trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, tuyên truyền, tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ... Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH 13 ngày 20/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với Người có công; Pháp lệnh Ưu đãi người có công 02/2020/UBTVQH14 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp thăm hỏi thương binh, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh; thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có công với cách mạng. Các ngành, các cấp, tùy điều kiện, tổ chức tổng kết đợt cao điểm ba tháng vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, trao nhà tình nghĩa và biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Ba là, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện công tác ưu đãi người có công với cách mạng… tập trung vào các chương trình như: hỗ trợ cải thiện nhà ở, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công có hoàn cảnh khó khăn. Khuyến khích động viên thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công ý thức tự vươn lên tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.
Bốn là, tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ. Mặt trận và các tổ chức thành viên có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về đời sống cũng như nhà ở. Phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng.
Để tiếp tục thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi: Mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi gia đình không thuộc diện nghèo, hãy bàn bạc và có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, người có công; không để thương binh nào cần xe lăn mà không có xe lăn. Các con liệt sĩ và thương binh nặng chưa có việc làm đều được giúp đỡ phù hợp. Thêm nhiều căn nhà được xây mới hoặc sửa chữa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và gia đình chính sách. Đơn vị tiếp nhận đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" các cấp; đầu mối liên hệ là Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí của cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, làm cho mọi người nhận thức rõ, đây vừa là trách nhiệm thiêng liêng, vừa là vinh dự của mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam đối với quá khứ hào hùng của dân tộc, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước giúp đỡ, chăm lo thiết thực, hiệu quả đối với người có công. Tiếp tục đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lên tầm cao mới cả bề rộng và chiều sâu, phát triển đồng đều và bền vững ở các vùng miền, trong các tầng lớp dân cư, thực hiện chính sách về công tác thương binh, liệt sĩ của Đảng và Nhà nước có hiệu quả.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr.148, 149.
Trương Thị Ngọc Ánh
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam