|
Đội ngũ cô đỡ thôn bản cần được nhân rộng trên cả nước
|
Để trở thành cô đỡ thôn, bản, đội ngũ này phải trải qua quá trình đào tạo ít nhất 6 tháng theo chương trình và nội dung của Bộ Y tế. Nhờ có cô đỡ thôn, bản, kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe của phụ nữ DTTS đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ biết cách chăm sóc thai nghén, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai, sau sinh đã được cải thiện. Số lượng phụ nữ có thai chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, đi khám thai đủ ba lần, sinh đẻ tại trạm y tế, tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt… tại các cơ sở y tế tăng mạnh.
Thực tế là số cô đỡ thôn, bản được đào tạo 6 tháng trở lên là gần 3.000 người, tuy nhiên chỉ có gần 65% cô đỡ thôn, bản đang hoạt động. Trong số đó khoảng 1/3 cô đỡ thôn, bản chưa được hưởng chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản. Đến thời điểm hiện nay do rất nhiều các quy định chính sách và đặc biệt là chế độ phụ cấp thay đổi nên hiện nay chỉ còn 1.549 cô đỡ còn đang hoạt động và 1.528 cô tuổi cao, không có phụ cấp và cũng không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Trong số 1.549 người đang hoạt động, chỉ có 911 người đang thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ y tế thôn, bản và được hưởng phụ cấp đối với vùng 2 là 0,3 lần lương tối thiểu và vùng 3 là 0,5 lần lương tối thiểu. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chế độ phụ cấp cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP qui định về người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh (Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng ban Công tác Mặt trận) không được hưởng phụ cấp hàng tháng nhưng hiện nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện chính sách này.
Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý và kịp thời cho cô đỡ thôn, bản
Theo báo cáo của các địa phương, kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy, tại 18 tỉnh miền núi khó khăn có tới 4.346 thôn, bản cần có cô đỡ, vì cô đỡ thôn, bản có sự đáp ứng tại chỗ ngay lập tức, liên tục và miễn phí đối với các bà mẹ và trẻ em ở những vùng khó khăn. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi khó khăn, như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai vẫn còn nhiều thôn, bản, có tỉ lệ tự sinh tại nhà vẫn rất cao (trên 60%).
Trong dự thảo Thông tư, quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản, Bộ Y tế đã đề xuất tiêu chuẩn, nhiệm vụ cũng như nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ của cô đỡ thôn, bản. Theo đó, cô đỡ thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em và chuyên môn y tế khác có nhiệm vụ: Tuyên truyền, hướng dẫn về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vận động vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, tiêm phòng uốn ván khi mang thai, đến cơ sở y tế để sinh đẻ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi; Tuyên truyền các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai phải đến ngay cơ sở y tế; tuyên truyền nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, hướng dẫn cách cho trẻ bú và ăn bổ sung hợp lý và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 05 tuổi. Cô đỡ thôn, bản tham gia công tác dân số và thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản… Bên cạnh đó, cô đỡ thôn, bản thực hiện nhiệm vụ tham gia khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi.
Trong các tháng vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) đã phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức khóa tập huấn cập nhật kiến thức cho cô đỡ thôn, bản và hộ sinh ở nhiều địa phương. Mục tiêu của khóa tập huấn là cập nhật những kiến thức bổ ích, giúp cô đỡ thôn, bản phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương. Ban tổ chức khóa tập huấn đã triển khai lượng giá trước và sau lớp học để đánh giá được kiến thức cũng như chất lượng của lớp tập huấn, đồng thời các cô đỡ thôn, bản được chia thành các nhóm thực hành, đóng vai, trả lời câu hỏi của giảng viên sau mỗi bài học, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình thực hiện việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em.
Để “tiếp sức” cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản (thuôc Dự án 07).
Theo đó, chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản đỡ đẻ tại nhà cho bà mẹ không đến đẻ tại cơ sở y tế: 200.000 đồng/ca; chăm sóc sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh: 100.000 đồng/lần (Thông tư số 15/2022 ngày 04/03/2022 của Bộ Tài chính). Đây sẽ là động lực mới cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản phát huy hết vai trò của mình để chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em vùng DTTS và miền núi.
Tại Điều 6 Dự thảo, Bộ Y tế đã đề xuất mức phụ cấp của nhân viên y tế thôn và cô đỡ thôn. Tuỳ vào địa bàn thôn mà nhân viên y tế thôn, cô đỡ thôn sẽ được hưởng mức phụ cấp là 900.000 đồng/tháng hay 540.000 đồng/tháng. Ngoài ra, đối tượng này còn có thể được hỗ trợ thêm tuỳ vào tình hình của địa phương.
Hài Yến