|
Nhóm DTTS ít người luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm |
Nhóm DTTS rất ít người (dân số dưới 10.000 người) bao gồm 16 dân tộc Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Hiện nay, các dân tộc này hầu hết cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước, tập trung nhiều ở 93 xã của 12 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. Tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc này cao, chiếm trên 35% số hộ và cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ bình quân chung của 53 DTTS; điều kiện sống, khả năng tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường rất khó khăn và thấp hơn so với mức bình quân chung của 53 DTTS và rất thấp so với mức bình quân chung của cả nước.
Hệ lụy của những thách thức nói trên chính là nguy cơ: Suy giảm giống nòi đối với các dân tộc ít người; tái đói nghèo; tái du canh, du cư; mai một văn hóa truyền thống; tái mù chữ; mất thành phần dân tộc, nghiêm trọng hơn là tiềm ẩn sự bất ổn về an ninh chính trị, quốc phòng. Các DTTS ít người cư trú trải dài trên địa bàn rộng lớn ở tuyến biên giới, là những khu vực trọng yếu có vai trò quan trọng giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biên giới quốc gia. Nếu các DTTS rất ít người không được bảo vệ và phát triển, các thế lực thù địch dễ lợi dụng sự thiếu thông tin, nghèo đói về vật chất và tinh thần để lôi kéo, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ví dụ điển hình là dân tộc Mảng, sinh sống tập trung ở một số huyện như Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn… trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Dù giao thông đi lại thuận tiện, nhưng nếu như năm 2010, cả bản có 30 hộ đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo là tuyệt đối với 100%. Sau hơn 10 năm, tới nay số hộ của bản tăng lên 39, song vẫn còn tới 28 hộ nghèo, hằng năm phải thường xuyên nhận trợ cấp gạo cứu đói của Chính phủ.
|
Bảo vệ phát triển nhóm DTTS rất ít người là yêu cầu cấp bách |
Các dân tộc rất ít người với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chất lượng dân số thấp… có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển; mai một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, suy thoái chất lượng dân số... Do đó, việc bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người là yêu cầu cấp bách. Tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, nội dung “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” trở thành một trong 10 dự án thành phần quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong quá trình thực hiện dự án này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng, cụ thể: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nhóm các DTTS rất ít người. Mặt trận các cấp đã tập hợp ý kiến, nguyện vọng của đồng bào thuộc nhóm DTTS rất ít người để phản ánh với Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của đồng bào DTTS.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 2 DTTS rất ít người có khó khăn đặc thù là dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y; dân tộc Rơ Măm ở Làng Le, xã Mô Rai. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Kom Tum đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù.
Trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Măm chỉ có 159 nhân khẩu thuộc 26 hộ. Đến nay, với các chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện của Đảng, Nhà nước, đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le đã có 186 hộ, với 685 nhân khẩu. Cùng với đó, kinh tế, giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển, văn hóa truyền thống đang từng bước được phục dựng, bảo tồn hiệu quả…
|
Tăng cường hỗ trợ giúp đồng bào DTTS thoát nghèo |
Ghi nhận tại cộng đồng dân tộc Cờ Lao thôn Xà Ván, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, nơi có 19 hộ với trên 100 nhân khẩu cho thấy, từ việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao của Chính phủ cùng với nhiều chương trình, chính sách khác, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, 100% hộ dân Cờ Lao ở Phú Lũng có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố và được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; được tiếp cận thông tin, văn hóa… hầu hết các hộ thoát nghèo, dần vươn lên khá, giàu.
Dân tộc Ơ Ðu sinh sống tập trung ở hai bản Xốp Pột và Kim Hoà, xã Kim Ða, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương, đến cuối năm 2020, dân tộc Ơ Đu có 135 hộ gia đình với 383 nhân khẩu. Trong đó, bản Văng Môn tập trung 99 hộ với 273 nhân khẩu, chiếm 73,3% số hộ và 71,3% nhân khẩu Ơ Đu. Phần còn lại cư trú rải rác ở các xã Xá Lượng, Tam Đình, Thạch Giám, Lượng Minh (Tương Dương), Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương).
Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ ở huyện Tương Dương đã được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, được phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập…
Đồng bào Ơ Đu đã có điện lưới về tới các thôn, bản (tỷ lệ hộ có điện dùng đạt 99 -100%), được thụ hưởng các chính sách xã hội nhờ đó đời sống kinh tế và hạ tầng kỹ thuật của người dân có khá hơn.
Để hỗ trợ phát triển tộc người đặc biệt này, năm 2017, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 với kinh phí 120 tỷ đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu...
Thu Giang