|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trò chuyện với bà con kiều bào tiêu biểu về dự chương trình Xuân Quê hương năm 2022. |
Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Kế thừa các Nghị quyết 36-NQ/TW (ngày 26/3/2004), Chỉ thị số 45-CT/TW (ngày 19/5/2015), ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận 12 là “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tạo những bước tiến lớn trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm cơ bản đó, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng công tác bảo hộ và chăm lo các quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài. Lợi ích của bà con thể hiện trên cả hai mặt là ổn định và phát triển cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội sở tại; đồng thời được tạo thuận lợi để duy trì mối liên hệ gắn bó với quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong phạm vi khả năng của mình. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sửa đổi năm 2013 tại Điều 18 đã quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Bên cạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước ta cũng ban hành nhiều chính sách quan trọng liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các chính sách và pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu nhằm thực thi mục tiêu và chủ trương: Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật1.
Vì thế, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến dài về quan điểm, chính sách và các nỗ lực thực hiện quyền lợi đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam nhằm thu hút, sử dụng và đảm bảo mục tiêu nhất quán, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam. Các chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần triển khai những biện pháp, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước, liên quan tới vấn đề xuất nhập cảnh; vấn đề thôi quốc tịch, nhập quốc tịch. Ban hành chính sách cho bà con Việt kiều như quyền thừa kế, tạo điều kiện thật cởi mở cho họ được sử dụng nhà, về nước đầu tư, kinh doanh, buôn bán… cũng như có những chính sách và biện pháp cởi mở hơn liên quan đến quyền lợi mỗi cá nhân. Khuyến khích các hoạt động giao lưu về văn hóa giữa trong và ngoài nước, làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít có điều kiện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhà nước đã và đang hỗ trợ với nhiều hình thức khác nhau: Hỗ trợ sách giáo khoa, chương trình dạy học; phát sóng trên truyền hình các chương trình dạy tiếng Việt; xây dựng trường dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài…
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, việc bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là về địa vị pháp lý là hết sức quan trọng, để cộng đồng có thể ổn định cuộc sống lâu dài. Trong triển khai chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giờ đây luôn chiếm vị trí quan trọng. Việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước sẽ hỗ trợ tích cực đối với cộng đồng người Việt Nam ở các nước, tạo thuận lợi cho cộng đồng ổn định cuộc sống, phát triển và phát huy vai trò với xã hội sở tại. Đồng thời, cộng đồng người Việt Nam ở các nước phát triển tốt, hội nhập tốt có nhiều đóng góp vào xã hội sở tại sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ của các nước với Việt Nam. Chính vì vậy, khi đón tiếp nguyên thủ, lãnh đạo các nước có đông kiều bào ta sinh sống, cũng như trong các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới các nước đó, chúng ta đều đề nghị chính phủ các nước quan tâm, tạo thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống và ngày càng phát triển. Vì thế, nhiều thỏa thuận, hiệp định hỗ trợ tư pháp được ký kết ở cấp chính phủ với các nước, tạo cơ sở pháp lý cho bà con ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại.
Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến việc chăm lo đáp ứng các nguyện vọng, lợi ích chính đáng của bà con kiều bào với các mối quan hệ trong nước. Nhằm tạo điều kiện cho kiều bào về thăm gia đình, đất nước, tiến hành các hoạt động đầu tư thương mại, hợp tác khoa học, giáo dục đào tạo…, chúng ta đã rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật, như: xem xét miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng đối tượng kiều bào được mua nhà; cho phép kiều bào mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, tiến hành đơn giản hóa các thủ tục hành chính như thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, cư trú, hợp pháp hóa các loại giấy tờ, thực hiện chính sách một giá…
Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, các chính sách của Đảng và Nhà nước thu hút cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, đồng thời luôn thực hiện tốt phương châm hành động: Tổ quốc Việt Nam đến với người Việt Nam trên thế giới; người Việt Nam trên thế giới hướng về Tổ quốc Việt Nam; đất nước chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài; Người Việt Nam ở nước ngoài có bổn phận và trách nhiệm tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam không quên một ai là con dân Việt Nam dù sống ở trong nước hay ở nước ngoài, có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ họ trong khả năng của mình.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin đối ngoại để tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về cội nguồn, phát huy truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước và động viên đồng bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc theo khả năng và điều kiện của mỗi người. Trước đây, do nhiều lý do, trong đó có lý do thông tin trong nước chưa đến kịp thời và đầy đủ nên một bộ phận đồng bào chưa hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, do vậy thiếu sự gắn bó với dân tộc. Vì thế, công tác thông tin đối ngoại đã và đang được thay đổi, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về tổ chức, phương tiện, điều kiện để giúp người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và đường lối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước tăng cường đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của Đài Phát thanh, Truyền hình, vệ tinh và internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này cho phù hợp với nhận thức, tâm lý, tình cảm, hoàn cảnh của bà con đang sinh sống ở nước ngoài.
Thứ ba, chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trực tiếp tuyên truyền, tập hợp, động viên người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước. Vai trò các cơ quan chuyên trách như Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức xã hội trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... được tăng cường. Kết hợp tốt các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần cởi mở, thông thoáng, bình đẳng, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm thân, hợp tác làm ăn lâu dài, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước… thông qua đó từng bước hình thành và phát triển ý thức bảo vệ Tổ quốc cho mọi người.
Thứ năm, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hòa bình hữu nghị với các nước có người Việt Nam đang sinh sống, tạo môi trường thân thiện giữa Chính phủ và Nhân dân nước sở tại đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để kích động, gây chia rẽ, chống phá Việt Nam. Nhà nước cũng chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình và hữu nghị với Việt Nam, các lực lượng tiến bộ yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để ngăn chặn và làm giảm bớt mức độ nguy hiểm của các âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam từ nước ngoài.
Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Trí thức kiều bào Việt Nam có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực mũi nhọn, cư trú ở các nước công nghiệp phát triển. Nét chung của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị. Một số người giữ các vị trí quan trọng trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bệnh viện, công ty kinh doanh và tổ chức quốc tế hàng đầu trên thế giới… một số người đã đạt giải thưởng khoa học quốc tế danh giá, và hơn nữa có người trở thành những chính trị gia, đứng đầu một đảng và tham gia trong chính quyền sở tại. Đội ngũ các nhà khoa học trẻ gốc Việt đang trưởng thành và tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn ở nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin - viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học, các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán… Đây là một nguồn lực tiềm năng có thể đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tiếp thu nhanh chóng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo dựng quan hệ hợp tác với các cơ sở kinh tế, khoa học ở các nước.
Có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài; nhiều người trong đó có trình độ, năng lực cao, có uy tín trong giới khoa học quốc tế. Ngoài ra, một thế hệ trí thức gốc Việt trẻ tài năng đang hình thành và phát triển ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, điện tử, viễn thông, vật liệu mới, chế tạo máy, tự động hoá, sinh học…
Đáng chú ý, số lượng sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài ngày càng tăng, lên đến 170.000 sinh viên, nhiều người trong số đó đã ở lại làm việc cho các tập đoàn, công ty lớn của thế giới. Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, nhiều người mong muốn trở về nước để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn và đóng góp cho quê hương nguồn cội. Số du học sinh này cùng thế hệ kiều bào trẻ thứ 2, thứ 3 được đào tạo bài bản ở các nước phát triển với tư duy mới, được tiếp cận với công nghệ, thông tin hiện đại, đang tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nhìn và quan hệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.
Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đội ngũ trí thức đóng góp xây dựng quê hương đất nước. Đảng và Nhà nước đã khẳng định đội ngũ trí thức góp phần trực tiếp cùng toàn dân đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới đất nước, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và trên thế giới. Nhiều biện pháp và chính sách được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức Việt kiều, các nhà khoa học có điều kiện về nước làm việc, phát triển bằng trí tuệ ở trong nước và giúp đỡ cho đất nước phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trên tinh thần “ích nước, lợi nhà”.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều kiều bào hướng về quê hương, mong muốn góp sức để xây dựng đất nước. Hệ thống mạng lưới chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tăng lên về số lượng, có khoảng 80 hội doanh nhân, chuyên gia, trí thức kiều bào đã triển khai tích cực những hoạt động kết nối với trong nước. Các chuyên gia, trí thức kiều bào đã hưởng ứng và tham gia vào các hoạt động, sự kiện, chương trình do các bộ, ngành khởi xướng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, bà con luôn hưởng ứng tích cực, tham gia ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nạn nhân chất độc da cam dioxin, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước hàng trăm tỷ đồng cùng vật tư, vật phẩm y tế các loại... Nhiều chuyên gia kiều bào đã và đang đóng góp nhiều sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, góp phần tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Mặc dù đã có các chính sách, giải pháp quan tâm tới đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng do những đặc thù riêng, có thể nói chúng ta vẫn chưa có những chính sách cụ thể, phù hợp nhằm tận dụng mọi tiềm năng, mọi lao động tạo ra sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội của đội ngũ doanh nhân tri thức người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh mới, cần có những chủ trương, chính sách, giải pháp mới để phát huy vai trò của đội ngũ này cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cơ chế pháp lý của Đảng và Nhà nước về bảo hộ công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài
Hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Với số lượng người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng, đã và đang đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ mới cho công tác bảo hộ người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Chính vì thế, việc nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và sâu rộng về các vấn đề pháp lý liên quan đến di cư của người Việt Nam ra nước ngoài và bảo hộ công dân là việc làm hết sức cần thiết.
Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho di cư trong nước và di cư quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt nhập cư. Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 17 Hiến pháp năm 2013: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Thực hiện quy định của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài. Hiện có khoảng 53 văn bản luật và dưới luật liên quan đến di cư. Nhìn chung, pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối cụ thể nhằm bảo hộ các quyền về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích chính đáng khác của công dân khi sinh sống, lao động, học tập, kết hôn và nuôi con ở nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư và kiên quyết đấu tranh với nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người với các nước có đường biên giới chung và các nước có số lượng lớn người Việt sinh sống thông qua việc ký kết các Hiệp định hợp tác song phương với các nước láng giềng, như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia…
Trong luật quốc tế, bảo hộ công dân đặt ra khi cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia sở tại có hành vi trái pháp luật quốc tế, qua đó gây phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình ở nước ngoài. Quốc gia mà người đó là công dân có trách nhiệm tiến hành các biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật quốc gia sở tại và pháp luật quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân mình. Đồng thời, trách nhiệm bảo hộ công dân còn bao gồm các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà nhà nước dành cho công dân mình đang ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại nào tới công dân của nước này. Trong trường hợp này, sự bảo hộ bao gồm những hoạt động mang tính công vụ như cấp phát hộ chiếu, giấy tờ hành chính cho công dân; các hoạt động có tính chất trợ giúp như giúp đỡ về tài chính cho công dân khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ công dân trong việc chuyển thông tin, bảo quản giấy tờ, tài sản…; hỏi thăm lãnh sự khi công dân bị bắt, bị giam, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân nước mình trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật quốc gia sở tại hoặc luật pháp quốc tế.
Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý di cư. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã chỉ rõ, việc bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước Việt Nam đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con Việt kiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết phù hợp với pháp luật sở tại, luật pháp và thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (Điều 17 khoản 3), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 ngày 18/6/2009 (Điều 8 và Điều 9)… Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với công tác bảo hộ công dân và nâng cao hiệu quả của công tác này. Ngày 20/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-TTg về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ra nước ngoài trong tình hình hiện nay. Chỉ thị đã quy định nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các địa phương trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trong suốt quá trình di cư ra nước ngoài, nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo hộ giữa các bộ, ngành hữu quan, giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, giáo dục định hướng và cung cấp thông tin cho người di cư trước khi xuất cảnh, công khai, minh bạch thông tin và thị trường tuyển dụng lao động…
Theo các quy định trên, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện) thi hành mọi biện pháp để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó ký kết hoặc tham gia, hoặc theo tập quán quốc tế; khi các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam bị xâm phạm, cơ quan đại diện có nghĩa vụ thi hành mọi biện pháp để khôi phục những quyền và lợi ích chính đáng đó.
Có thể nói rằng, trong thời gian qua và giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, để họ yên tâm học tập, công tác, làm ăn, sinh sống, luôn hướng về xây dựng gia đình, quê hương, Tổ quốc Việt Nam.
Chú thích:
1. Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/Nghi-quyet-36-NQ-TW-cong-tac-nguoi-Viet-Nam-o-nuoc-ngoai-66727.aspx
Nguyễn Thắng Cảnh
TS, Ủy viên HĐTV về Đối ngoại và Kiều bào, UBTW MTTQ Việt Nam