|
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 giúp đồng bào DTTS và miền núi đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
|
Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của cơ quan chủ trì Chương trình với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác, đến nay cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình MTQG 1719.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của Chương trình MTQG 1719 đã được cấp có thẩm quyền thông qua là 50.000 tỷ đồng. Trên cơ sở Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH ngày 22/5/2022 và Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH ngày 14/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao 49.555,593 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện Chương trình. Các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Chương trình.
Năm 2022 đã phân bổ tổng số 14.429 tỷ đồng vốn của chương trình từ ngân sách Trung ương (gồm: 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp); số vốn năm 2023 là 26.433,812 tỷ đồng. Đối với 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, tổng số vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 là 26.536.057 triệu đồng (gồm 14.994.003 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 11.542.054 triệu đồng vốn sự nghiệp), trong đó nguồn vốn từ các tỉnh thực hiện Chương trình bằng ngân sách địa phương là 3.162.153 triệu đồng (chiếm khoảng 11.92%) cụ thể: Năm 2022 (bao gồm cả kinh phí năm 2021) nguồn vốn chương trình được phân bổ 15.898.453 triệu đồng. Năm 2023 là 26.079.399 triệu đồng.
Kết quả thực hiện giải ngân Chương trình MTQG 1719 nguồn vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 đến thời điểm 31/5/2023 của 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc là 5.695.016 triệu đồng, đạt 21.46%; gồm vốn đầu tư phát triển là 4.892.539 triệu đồng vốn sự nghiệp là 802.477 triệu đồng.
Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 19 tỉnh khu vực phía Bắc bình quân đạt 3,61% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, như: Lai Châu (193,3%), Thái Nguyên (168%), Tuyên Quang (166,7%)...; 99,2/100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 90,1/100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 92,3/100 trạm y tế được xây dựng kiên cố; 98,6/99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…
Vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn/1.551 thôn, bản, khu phố.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 (giảm 4,81%), tỷ lệ hộ nghèo DTTS năm 2022 giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2022 đạt 38,12 triệu đồng, thu nhập bình quân của người DTTS và miền núi năm 2022 đạt 34,6 triệu đồng.
Trong năm 2023 Thanh Hóa được phẩn bố nguồn vốn là 984.349 triệu đồng (vốn kế hoạch giao năm 2023 là 759.892 triệu đồng, vốn kế hoạch giao năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 224.457 triệu đồng). Trong đó vốn đã được HĐND tỉnh phân bổ chi tiết là 798.485 triệu đồng, bằng 81% kế hoạch, vốn chưa phân bổ chi tiết là 185.864 triệu đồng, bằng 19% kế hoạch. Tính đến ngày 13/6/2023 Thanh Hóa mới giải ngân được 68.844 triệu đồng, bằng 8,62% kế hoạch.
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Chương trình MTQG 1719 có quyết định triển khai từ năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến giữa năm 2022, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương mới được giao thực hiện các Chương trình MTQG. Vì vậy, việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân năm 2022, nhất là đối với các dự án quy mô lớn. Song song với đó, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình của một số địa phương, đơn vị nhất là một số UBND cấp huyện, cấp xã thời gian đầu ban hành còn chung chung, chưa sát với yêu cầu phát triển của địa phương hoặc do nhiệm vụ và giải pháp chưa gắn với thực tiễn nên phải điều chỉnh, bổ sung.
Có thể nói, Chương trình MTQG 1719 là một Chương trình rất đặc thù, vì nó là tổng hợp của nhiều ngành, cơ quan, lĩnh vực cùng thực hiện. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của Ủy ban Dân tộc đã lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, tham mưu xây dựng đầy đủ các văn bản để quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ kịp thời nắm và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ; việc triển khai các Dự án, Tiểu dự án đã thu được kết quả bước đầu. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng theo báo cáo phục vụ Đoàn Giám sát của Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã giải ngân khá cao (43,76% so với kế hoạch); cơ quan chủ trì Chương trình là Ủy ban Dân tộc đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, cam kết, cố gắng phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra của Chương trình.
Theo Thu Hằng/Tạp chí Tuyên giáo