Đại sứ Lào tại Việt Nam: Thúc đẩy tình đoàn kết - Quy luật tồn tại và phát triển của hai nước

Năm 2022, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (1977-2022).

Nhân dịp này, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đã trao đổi với phóng viên báo chí về tình cảm đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc, cũng như những định hướng hợp tác mới giữa Việt Nam và Lào trong tương lai.

 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt Nam-Lào thời gian qua?


Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em thân thiết gắn bó keo sơn, cùng uống chung dòng nước của nhiều con sông đi qua hai nước, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng cam cộng khổ trong suốt nhiều thập kỷ giai đoạn đấu tranh cứu quốc, cũng như giai đoạn giữ gìn và bảo vệ đất nước của hai nước.

Nhìn lại mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử vừa qua, chúng ta tự hào nhận thấy, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu vun đắp tiếp tục được phát huy. Các lãnh tụ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước đã cùng nhau cống hiến trí tuệ, công sức, sinh mạng và xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng đầy gian nan thử thách. Đến nay, quan hệ giữa Lào và Việt Nam đã trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng, hiếm có, là tài sản vô giá của hai nước, là quy luật tồn tại và phát triển của hai nước, là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước.

Có thể nói, gần như mọi chiến trường trên mảnh đất Lào đều có dấu ấn cùng chung chiến đấu của chiến sĩ Lào - Việt Nam. Phía Lào cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh đi qua lãnh thổ của mình, từ đó chuyển lực lượng, phương tiện, vũ khí quân sự cho miền Nam Việt Nam để giải phóng miền Nam Việt Nam, giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào cũng được thành lập vào ngày 2/12/1975.

Hiện nay, mặc dù tình hình khu vực và quốc tế liên tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng mối quan hệ trong sáng, khăng khít giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam chưa bao giờ phai mờ mà ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, ngoại giao không ngừng được nâng cao, có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc duy trì thành quả cách mạng, đẩy lùi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Hai nước có sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa… đã có những bước phát triển liên tục. Việt Nam là một trong những nước có nguồn đầu tư lớn nhất tại Lào. Số lượng sinh viên Lào học tập tại Việt Nam ngày càng tăng. Các em được học tập tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam từ Bắc đến Nam và nhận được sự quan tâm đào tạo, giảng dạy tốt từ các thầy, cô giáo của Việt Nam. Đây là nguồn lực quý báu dành cho đất nước Lào trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Hợp tác kinh tế là trụ cột trong quan hệ Lào-Việt Nam. Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ kinh tế giữa hai nước thời gian qua? Điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển và ổn định kinh tế Lào như thế nào?

Thời gian qua, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế khá đặc biệt và mật thiết. Sau khi hai nước điều chỉnh các cơ chế và chính sách phù hợp với tình hình thực tế mỗi nước, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương đã và đang ngày càng phát triển.

Ở lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam có vai trò và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Từ năm 1988 đến nay, Việt Nam có 417 dự án đầu tư tại Lào với tổng giá trị phê duyệt 4,6 tỷ USD; trong đó, đầu tư 100% vốn của Việt Nam có 291 dự án, trị giá 4,3 tỷ USD; đầu tư liên doanh có 126 dự án. Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong 54 quốc gia đang đầu tư tại Lào; chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản và ngành dịch vụ...

Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong tháng 5/2022 đạt hơn 132 triệu USD, tăng 16,52% so với cùng kỳ năm 2021; tổng kết 5 tháng đầu năm 2022 đạt 690 triệu USD, tăng 21%. Trong tháng 5/2022, Lào xuất khẩu hơn 69 triệu USD, tăng 35,5%; nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt hơn 62 triệu USD, tăng 0,84%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Việt Nam vẫn là khoáng sản. Hàng hóa nông sản từ Lào sang Việt Nam còn chưa nhiều.

Có thể nói, hợp tác kinh tế Lào – Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lào, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào công tác quốc phòng - an ninh ngày càng chặt chẽ.

Nhằm thích ứng với những bước chuyển của thế giới, hai nước đã hợp tác như thế nào đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, thưa Đại sứ?

Chuyển đổi số được xem là yếu tố quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp - thương mại gắn liền với công nghiệp số và thương mại điện tử. Việc chuyển đổi tự động và liên kết, hội nhập của nhà máy công nghiệp hiện đại sẽ giúp giải quyết vấn đề nguồn vốn, thiếu lao động ở Lào. Chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Lào. Đồng thời, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực quan trọng để có thể nâng cao mức độ tiếp cận thị trường trong nước, kết nối tiếp cận với thị trường khu vực và quốc tế của các doanh nghiệp tại Lào, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về tình hình chuyển đổi số ở Lào, đến nay, Nhà nước đã tích cực xúc tiến chuyển đổi số bằng cách đề ra các chiến lược trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc gia 5 năm (2021 - 2025) như: Chiến lược phát triển kinh tế số Quốc gia giai đoạn 10 năm (2021 - 2030), Tầm nhìn phát triển kinh tế số Quốc gia giai đoạn 20 năm (2021 - 2040). Đảng và Nhà nước Lào cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật cần thiết như: Luật Kinh doanh điện tử, Luật Chữ ký điện tử... Đồng thời, Lào tham gia các hiệp định và hiệp ước quốc tế như Hiệp định thương mại điện tử ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thời gian qua, Lào cũng tranh thủ quan hệ hợp tác với các nước trong các khuôn khổ để phát triển công nghệ số. Tuy vậy, lĩnh vực kinh tế số của Lào hiện nay vẫn có quy mô nhỏ. Vì vậy, Lào rất cần sự đầu tư của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam để hỗ trợ lĩnh vực kinh tế số của Lào bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại sứ có khuyến nghị thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam có ý định đầu tư vào Lào, đặc biệt là với những ngành nghề mới mà Lào đang có nhu cầu?

Chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước dựa theo Luật Xúc tiến đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tôi xin được nêu ra một số chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Lào theo 9 ngành: Xây dựng trung tâm khoa học ứng dụng công nghệ cao và hiện đại; sản xuất nông nghiệp sạch, không hóa chất - sản xuất cây giống, con giống; ngành công nghiệp chế biến hàng nông sản; phát triển công nghiệp du lịch tự nhiên, văn hóa và lịch sử; ngành giáo dục và phát triển tay nghề lao động; ngành y tế, xây dựng bệnh viện hiện đại, nhà máy sản xuất thuốc và thiết bị y tế; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ vận tải hàng hóa và hội nhập giữa các quốc gia; ngân hàng chính sách và tổ chức tài chính vi mô để giải quyết khó khăn của nhân dân và cộng đồng không thể tiếp cận ngân hàng; trung tâm thương mại hiện đại.

Bên cạnh đó, Lào cũng thực hiện chính sách xúc tiến theo 3 vùng: Vùng 1 - vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng không thuận lợi cho việc đầu tư; Vùng 2 - khu vực có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho đầu tư; Vùng 3 - Khu kinh tế đặc biệt.

Nếu đầu tư vào 9 nhóm ngành trên và nằm trong Vùng 1, nhà đầu tư sẽ được nhận chính sách miễn thuế thu nhập và tiền thuê chuyển nhượng đất trong vòng 10 năm. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách thuế, nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chính sách tiếp cận vốn, chính sách sử dụng đất và những chính sách khác theo quy định pháp luật liên quan. Vì vậy, tôi muốn đưa ra thông tin này để các nhà đầu tư Việt Nam xem xét và rót vốn vào Lào ngày càng nhiều hơn. Theo quan điểm cá nhân, tôi mong muốn các nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực trồng trọt - chăn nuôi và chế biến nhằm tạo giá trị gia tăng, làm tăng giá trị xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân Lào.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều