Để trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam mãi khoe sắc

(Mặt trận) - Trong quá trình hội nhập quốc tế, sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và khắp mọi miền Tổ quốc từ miền xuôi tới miền núi, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng phải tự mình tìm hướng cải tiến để thích nghi với sự thay đổi mà vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc.
Cần bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS

Để bảo tồn và giữ gìn nét đẹp truyền thống này, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã đặt ra mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, trong đó gìn giữ và bảo tồn trang phục truyền thống cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc được tạo nên và phát triển theo thời gian dựa trên các điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường và xã hội, mỗi dân tộc đã lựa chọn, hình thành các nguyên liệu, chất liệu, quy trình, phương thức dệt, nhuộm, may, thêu, trang trí, màu sắc… cho từng bộ trang phục theo những giá trị riêng, độc đáo của dân tộc mình. Thông qua những trang phục truyền thống này chúng ta thấy được nét đẹp trong thẩm mỹ, tay nghề cũng như sự sáng tạo của đồng bào DTTS, đồng thời các trang phục truyền thống còn phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, thế giới quan, nhân sinh quan, cội nguồn phát triển của các dân tộc.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều trang phục truyền thống của các DTTS đã có sự biến đổi một cách nhanh chóng, mức độ sử dụng trang phục truyền thống của thế hệ trẻ đang dần bị  mai một. Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc ngày càng cấp bách.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan ở các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống nói riêng và những giá trị văn hóa đa sắc màu của mỗi dân tộc nói chung.

Tại tỉnh Cao Bằng, DTTS chiếm 95% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có lịch sử phát triển riêng, có ngôn ngữ riêng, có những hoạt động kinh tế, những nét đặc trưng văn hóa độc đáo riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, ngày nay, phần lớn trang phục truyền thống của các dân tộc ở tỉnh Cao Bằng không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, nhiều bộ trang phục không còn nguyên gốc, thậm chí đã biến mất khỏi cộng đồng đối với những nhóm dân tộc ít người. Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 430/KH-UBND, ngày 3/3/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh năm 2023 với những nội dung: Tổ chức tuyên truyền, dạy các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết liên quan đến trang phục truyền thống (trồng bông, trồng cây lanh, cây chàm, dệt vải, se sợi, nhuộm chàm, nghệ thuật thêu hoa văn, chế tác trang sức…) cho đồng bào các DTTS; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống DTTS cho người uy tín, cán bộ văn hóa vùng đồng bào DTTS. 

 

Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc mang nét đẹp riêng

Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc ở tỉnh Hà Giang. Tại huyện Quang Bình, chính quyền và người dân đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống hôm nay.

Bao đời nay, người Pà Thẻn ở Quang Bình luôn tự hào về trang phục truyền thống của mình. Mặc dù, xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, nhưng phụ nữ Pà Thẻn vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Hiểu được giá trị văn hóa truyền thống chính là di sản của cha ông, nên các bà, các mẹ vẫn hàng ngày miệt mài khôi phục, gìn giữ, truyền thụ những nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.

Để bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống của người Pà Thẻn, xã Tân Bắc đã chỉ đạo thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm tại thôn My Bắc; tổ chức lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, may trang phục cho chị em phụ nữ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm thổ cẩm thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) có giá trị cao.

Để bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống của các dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Mông, Dao tại 63 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện xây dựng 3 cụm pa-nô tuyên truyền; lựa chọn 8 thôn thuộc 8 huyện, thành phố tổ chức tập luyện, trình diễn trang phục truyền thống.

Tỉnh khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống vào các ngày đầu tuần, ngày lễ... Đồng thời tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy nghề cắt, may trang phục truyền thống cho học sinh.

Nhờ đó, đến nay, hầu hết trang phục của các dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn được sử dụng khá thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày, dịp lễ, tết, sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, thậm chí cả khi đi chợ phiên.

Tuệ An

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều