Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với gần 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Ngoài ra, còn có khoảng 140 tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân với khoảng 1 triệu tín đồ. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề1.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, để đoàn kết các tôn giáo, Ðảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và các giáo hội tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực ngày 1/1/2018 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP đã khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”. Đồng thời, các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân còn được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục…
Đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã ra mắt cuốn “Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” đã công khai cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Với chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đại đa số các chức sắc, tín đồ tôn giáo yên tâm thực hành việc đạo, việc đời với đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo”.
Tuy nhiên, để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và tiến hành các hoạt động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch luôn lợi dụng tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động một bộ phận tín đồ các tôn giáo “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” gây mất ổn định chính trị - xã hội; thâm hiểm hơn nữa là các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng yếu tố dân tộc kết hợp với yếu tố tôn giáo tạo dựng các tổ chức phản động trong các dân tộc thiểu số, các tôn giáo như:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Hội thánh Tin Lành Đề Ga, Nhà nước Đề Ga độc lập, Mặt trận giải phóng Khmer Crôm, Mặt trận Chămpa để tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam, tuyên truyền, gieo rắc tâm lý cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo; công dân theo đạo không được xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam”; cố gắng tạo ra khoảng cách cũng như dùng các thủ đoạn để kích động tôn giáo chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta; phát tán, đăng tải các video, hình ảnh, bài viết truyền bá các tài liệu xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước dưới danh nghĩa các “kỷ yếu hội nghị tôn giáo”, “thông điệp", “lời chứng”… của các tổ chức tôn giáo phản động lưu vong vu cáo “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Một số đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo, giữ thái độ cực đoan, quá khích ra mặt chống đối pháp luật với danh nghĩa tôn giáo để lợi dụng về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo nhằm lôi kéo, tập hợp tín đồ chống đối chính quyền tạo các “điểm nóng”.
|
Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. ẢNH: MINH ĐỨC |
Với những âm mưu thâm hiểm lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã không phủ nhận được quyền đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tính từ thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, trải qua hơn 35 năm dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tôn giáo ở Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng ở khắp mọi miền của đất nước, như: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ... các sinh hoạt tôn giáo hoạt động sôi nổi, đa dạng và phong phú đã góp phần tập hợp và vận động chức sắc, tín đồ trong khối đại đoàn kết dân tộc tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm với quy mô lớn và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi thư chúc mừng, đi thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo như: Lễ Phật đản của Phật giáo; lễ Noel của Công giáo và đạo Tin lành; lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, phật giáo Hoà hảo; tháng ăn chay Ramadan của Islam giáo…
Nhà nước đã tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức tôn giáo tăng cường củng cố tổ chức, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo cho các chức sắc được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện phù hợp với Hiến chương, Điều lệ của các tôn giáo và quy định của pháp luật. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo được phát triển và mở rộng như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Nhà nước tạo điều kiện để Giáo hội xây dựng 4 học viện Phật giáo tại 3 miền đất nước: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với trên 1.000 tăng ni sinh; 8 trường Cao đẳng Phật học với tổng số trên 700 tăng ni sinh theo học; 31 trường Trung cấp Phật học với trên 3.000 tăng ni sinh và 2.500 chư tăng Khmer theo học tại các lớp sơ cấp Phật học ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang.
Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử hàng trăm tăng ni sinh đi du học tại các nước Ấn Độ, Nhật Bản, SriLanka, Trung Quốc, Đài Loan và đã đào tạo được hàng trăm tăng ni có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ Phật học. Giáo hội Công giáo có 7 đại chủng viện với trên 1.000 chủng sinh, hàng năm được tăng số lượng và số lần chiêu sinh mỗi khoá. Đạo Tin lành có Viện thánh kinh thần học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo và bồi dưỡng cho hàng trăm mục sư truyền đạo, chú trọng bồi dưỡng giáo lý cho các mục sư, nhà truyền đạo là người dân tộc thiểu số.
Phật giáo Hoà Hảo đã đào tạo và bồi dưỡng giáo lý, giáo lý hạnh đường cho trên 1.200 chức việc, đạo Cao đài đào tạo cho gần 1.300 chức sắc. Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã tạo điều kiện cho một số tín đồ đi hành hương ở Thánh địa Mecca và thi đọc kinh Côran. Việc in ấn kinh sách và xuất bản phẩm tôn giáo được tăng cường cả số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hoạt động tôn giáo. Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp phép xuất bản hàng nghìn đầu kinh với hàng triệu bản in và các loại xuất bản phẩm khác. Một loạt các bộ kinh sách Phật giáo quan trọng đã được dịch ra tiếng Việt, in ấn, phát hành rộng rãi như Đại Tạng Kinh Việt Nam với 39 tập, trên 200.000 trang…
Số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự các tôn giáo không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Nếu tính thời điểm từ năm 2003, năm đầu khi cả hệ thống chính trị thực hiện Nghị quyết 25/NQ-TW về công tác tôn giáo, khi đó Nhà nước mới công nhận 15 tổ chức của 6 tôn giáo gồm Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa hảo với 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc, 17 triệu tín đồ và khoảng 20.000 cơ sở thờ tự; đến năm 2021, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết, Nhà nước đã công nhận thêm 28 tổ chức tôn giáo, với số tín đồ tăng lên 10 triệu tín đồ. Nhà nước đã tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế và hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường trao đổi thông tin, góp phần hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu về giáo lý của các tôn giáo, thể hiện tình đồng đạo của những người cùng chung đức tin và tinh thần yêu hoà bình, thiện chí hợp tác hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới vì lợi ích của đất nước và của giáo hội các tổ chức tôn giáo, góp phần đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam, tranh thủ sự giúp đỡ đào tạo đội ngũ tu sĩ có trình độ cao.
Các Giáo hội tôn giáo Việt Nam đã liên kết thân hữu với các Giáo hội tôn giáo các nước và vùng lãnh thổ như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Nhật Bản... đã đón tiếp, làm việc với hàng trăm phái đoàn tôn giáo đến thăm hữu nghị Việt Nam để trao đổi, làm việc, đã tổ chức đi thăm hữu nghị một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Tây Âu và Châu Âu; đã tham dự hàng trăm hội nghị, hội thảo quốc tế về chuyên đề tôn giáo đạt kết quả tốt, góp phần tạo uy tín cho các Giáo hội tôn giáo trong nước và trên thế giới. Nhà nước cũng tạo điều kiện để các chức sắc tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trong Quốc hội khóa XV có 5 đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo. Đồng thời, Nhà nước cũng tạo điều kiện giúp đỡ và đã kết nạp hàng ngàn tín đồ của các tôn giáo được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các tổ chức tôn giáo đã tự nguyện tham gia là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và đã tích cực hưởng ứng các phong trào ích nước, lợi dân do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động, nhất là sự tham gia tích cực của các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo với số tiền hàng nghìn tỷ đồng để ủng hộ Nhân dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” đẩy mạnh hoạt động chống đối dưới chiêu bài “đòi tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” phát triển đạo trái pháp luật, gây rối trật tự an toàn xã hội tạo “điểm nóng” về có yếu tố tôn giáo ở một số địa phương, gắn yếu tố tôn giáo với yếu tố dân tộc nhằm lợi dụng xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, kích động chức sắc, tín đồ chống lại đường lối, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc kế thừa, vận dụng và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "lương giáo đoàn kết, tín ngưỡng tự do" để tập hợp đoàn kết các tôn giáo trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế có ý nghĩa chiến lược nhằm vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, tăng cường hợp tác giữa tôn giáo ở Việt Nam với tôn giáo ở các quốc gia khác trên thế giới vì mục tiêu hoà bình, phát triển và tiến bộ xã hội.
Chú thích:
1. Báo cáo Tổng kết của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2021.
Nguyễn Minh Nguyên - Tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam