|
Phát triển chăn nuôi – mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững |
UBND tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Công tác xóa đói giảm nghèo tại tỉnh luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh quan tâm, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đẩy mạnh các phong trào chăm lo giúp đỡ những người nghèo trên địa bàn. MTTQ các cấp đã vận động toàn dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Ủy ban MTTQ đã gắn hoạt động với cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua của MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả. Từ đầu năm 2022 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tại tỉnh Đồng Tháp đã vận động được trên 17,5 tỷ đồng. Qua đó, nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, mô hình hợp tác xã (HTX) ở Đồng Tháp từng bước chủ động mở rộng thêm dịch vụ để phục vụ thành viên; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, chú trọng việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân… từ đó, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.
Theo Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, Đồng Tháp có 178 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chiếm 83,6% với trên 29.000 thành viên. Đặc biệt, đã có 30 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình của trên 29.000 thành viên của các HTX, Tổ hợp tác ngày một phát triển bền vững. Những năm trở lại đây, Đồng Tháp chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp với việc xác định được các sản phẩm có thế mạnh như: cá, trái cây, hoa sen, du lịch… Từ đó, ngày càng bổ sung cho kho sản phẩm OCOP của địa phương.
Nhiều hộ nghèo ở Đồng Tháp giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
Bên cạnh đó, các hộ nghèo tại tỉnh Đồng Tháp còn nhận được hỗ trợ từ nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Nguồn lực tín dụng chính sách xã hội thực sự góp phần tích cực giảm áp lực ngân sách của địa phương trong thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch của tỉnh, đặc biệt chính sách về nông dân, nông thôn và vùng khó khăn, biên giới. Cụ thể, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Điều này đã góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều hộ gia đình tại địa phương nhận được nguồn vốn hỗ trợ này đã vươn lên thoát nghèo bằng nhiều mô hình đa dạng. Điển hình như hộ ông Nguyễn Thành Nam, ngụ ấp An Thạnh, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò. Hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Thành Nam trước kia rất khó khăn do không có đất sản xuất, gia đình ông chủ yếu chỉ làm thuê mướn. Với quyết tâm và ý chí thoát nghèo, ông và gia đình nỗ lực phát triển mô hình chăn nuôi. Được hỗ trợ vốn chăn nuôi từ dự án giảm nghèo của tỉnh và huyện với số tiền ban đầu 30 triệu, qua 3 năm làm ăn, gia đình ông thu được 59 triệu đồng. Hiện nay gia đình đã thoát nghèo bền vững và đã trả vốn lại cho dự án. Đồng thời gia đình ông Nam đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, cuộc sống ổn định hơn. Ông đã được Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào thi đua “ Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2016 -2020.
Nếu như đầu năm 2016, toàn huyện Tam Nông, Đồng Tháp có tới 4.282 hộ nghèo chiếm 14,22% thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 435 hộ nghèo, chiếm 1,54%. Theo ông Nguyễn Hùng Cường – Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, để đạt được kết quả trên, huyện Tam Nông đã tập trung nhiều nguồn lực và triển khai kịp thời với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Cụ thể, huyện Tam Nông đã tập trung vào 3 lĩnh vực chính: tín dụng chính sách, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, nhất là chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm, huyện mở khoảng 35 lớp dạy nghề cho gần 1.000 lượt học viên tham gia. Công tác tín dụng chính sách được huyện triển khai kịp thời, hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, Tam Nông đã triển khai cho vay ưu đãi với số tiền trên 118 tỷ đồng cho gần 6.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Bình quân mỗi năm có hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được thoát nghèo nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Hộ anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ tại ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông là một trong những hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay chính sách hiệu quả. Được biết, gia đình anh Bình không có ruộng đất, vợ chồng anh đi làm thuê nuôi 3 con nhỏ ăn học. Mặc dù rất siêng năng nhưng việc làm thuê bấp bênh nên gia cảnh luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2015, anh Bình được hỗ trợ vay vốn 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã mạnh dạn mua bò về nuôi. Sau hơn 1 năm chăn nuôi hiệu quả, anh tích lũy được hơn 35 triệu đồng. Số tiền tích lũy được từ nuôi bò, anh quyết định thuê 3 công đất để trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ cần cù chăm sóc và chịu khó học hỏi kinh nghiệm, 500 gốc thanh long của anh chuẩn bị cho ra trái đợt 2; đợt 1 trừ chi phí anh lãi được hơn 30 triệu đồng. Theo anh Bình, mỗi năm thanh long cho thu hoạch trái 5 đợt, nếu giá cả ổn định, 500 gốc thanh long của anh sẽ cho lãi trên 150 triệu đồng/năm.
Hồng Nhung