|
Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu giúp đồng bào thoát nghèo (Ảnh minh họa)
|
Tập trung xóa đói giảm nghèo, tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đặc thù, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và của tỉnh ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn. Tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Tạo cơ hội bình đẳng để đồng bào tiếp cận các nguồn lực phát triển.
Huyện Long Mỹ là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, trong 2 năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc huyện đã phối hợp thực hiện 11 mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, đầu tư vốn ban đầu giúp cho 164 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ vậy, huyện còn vận dụng chính sách, giúp các hộ gia đình đồng bào dân tộc vay vốn để làm ăn buôn bán nhỏ với số tiền là 10 triệu đồng/hộ, trong thời gian là 2 năm, không tính lãi suất. Những hỗ trợ kịp thời, thiết thực đã từng bước giúp các hộ phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo
Về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo tiểu dự án thuộc Chương trình, tính riêng trong năm 2022 vừa qua, tỉnh hỗ trợ chuyển đổi nghề được 20 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 95 hộ thụ hưởng; giải quyết nhà ở cho 25 hộ; đầu tư phát triển tuyến ống cấp nước trên địa bàn xã Xà Phiên và xã Lương Nghĩa thuộc các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng DTTS của tỉnh.
Thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh triển khai nội dung “Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Trong năm qua, tỉnh đã chỉ đạo khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp, khóm vùng đồng bào DTTS, vùng di dân tái định cư; Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống; Xây dựng nội dung, xuất bản phẩm về văn hóa truyền thống đồng bào DTTS. Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS.Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS; Hỗ trợ chống xuống cấp cho mỗi di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS.
|
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Khmer (Ảnh minh họa) |
Để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh tập trung đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ y tế cụm, trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tuyến tỉnh bảo đảm cân bằng, hiệu quả ở vùng DTTS. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho người DTTS theo Luật Bảo hiểm y tế và chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo theo quy định. Đào tạo cán bộ y tế xã, ấp là người DTTS đạt chuẩn; đẩy mạnh công tác y tế dự phòng ở vùng đồng bào DTTS, không để xảy ra dịch bệnh lớn.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, phấn đấu mỗi năm giảm từ 2 -3% tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS. Cùng với đó, 99,72% hộ DTTS trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hậu Giang đặt mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; tăng cường công tác y tế để người DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 98% người DTTS tham gia bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, Hậu Giang phấn đấu có 90% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS trên địa bàn. Tỉnh đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 50% ấp, khu vực, địa bàn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Để giải quyết tốt các vấn đề xã hội của đồng bào dân tộc, tỉnh có chính sách, giải pháp ưu tiên huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu thực hiện công tác dân tộc đã đề ra. Trong đó cần làm tốt công tác tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, kết hợp với ưu tiên bố trí ngân sách của tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn; đồng thời, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân, kể cả các tổ chức quốc tế. Tăng cường hoạt động các ngân hàng, tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn vùng DTTS trong tỉnh.
Đỗ Thụy