Tiến sĩ Ruvislei González nhận định Đảng Cộng sản Việt Nam, tấm gương về sức mạnh của đại đoàn kết. Ảnh: Lê Hà/Phóng viên TTXVN tại Cuba
Tiến sĩ Ruvislei González được coi như một đại diện của thế hệ mới, tiếp nối truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc. Ông hiện là Phó Trưởng ban châu Á của Viện Nghiên cứu Chính trị quốc tế Cuba (CIPI) và Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam - đã có cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN thường trú tại Cuba.
Tiến sĩ Ruvislei González đánh giá bài học lớn nhất mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã để lại trong quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước suốt 9 thập kỷ qua chính là sức mạnh vô song của đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo ông, bản thân việc thành lập Đảng vào ngày 3/2/1930 từ sự hợp nhất của 3 tổ chức cộng sản chính là minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất của tinh thần đoàn kết đó, vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại chính sách “chia để trị” của chính quyền thực dân Pháp, khi họ chia cắt Việt Nam thành 3 miền với 3 chế độ cai trị khác nhau. Việc hợp nhất 3 tổ chức cộng sản và thành lập Đảng còn lôi cuốn và tập hợp những lực lượng yêu nước khác đã có những bước phát triển khá mạnh trong những năm 1920, như của thanh niên, giới trí thức, nông dân hay thợ thủ công, cùng đứng chung dưới một ngọn cờ giải phóng dân tộc. Chính vì thế, ngày 3/2/1930 đã đánh dấu bước ngoặt quyết định cho cuộc đấu tranh giành độc lập đầy gian khổ và là điểm khởi đầu cho một tiến trình cách mạng vinh quang của Việt Nam.
Để trở thành động cơ thúc đẩy mối đại đoàn kết vì mục tiêu chung, Đảng Cộng sản Việt Nam phải có và đã có sách lược đúng đắn và cùng lúc trên nhiều mặt trận, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc đấu tranh cách mạng, mà còn chuẩn bị cho những chuyển biến tư tưởng của xã hội Việt Nam. Có thể lấy ví dụ như quyết định xóa nạn mù chữ bằng cách sử dụng chữ Quốc ngữ trong giáo dục.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Cuba, một điểm nổi bật nữa trong hành trình vinh quang gần 1 thế kỷ của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là việc đưa ra những chính sách nhất quán lên tới cấp độ toàn quốc, theo những mục tiêu được đề ra cho từng giai đoạn lịch sử. Tiến sĩ Ruvislei González cho rằng các kỳ đại hội Đảng có vai trò then chốt trong việc xác định giai đoạn lịch sử của đất nước và đề ra chiến lược phù hợp, điển hình như Đại hội Đảng toàn quốc lần I năm 1935 đã xác định đường lối đấu tranh Mác-xít để giải phóng dân tộc; Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960 quyết định tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đề ra đường lối Đổi mới, không chỉ trong khía cạnh giải phóng sức sản xuất kinh tế, mà còn cả trong lĩnh vực chính trị với xu hướng dân chủ hóa thể chế chính trị, cũng như định hướng hội nhập quốc tế; hay Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 đã xác định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ mới theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Rõ ràng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản là yếu tố quyết định cho những thành tựu to lớn của Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, cả trong công cuộc giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng thắng lợi của Cách mạng Việt Nam
Nhìn lại chặng đường đấu tranh và phát triển 90 năm qua của Đảng ta, nhà nghiên cứu Cuba khẳng định nền tảng lý luận cho những quyết sách đúng đắn và thành công của Cách mạng Việt Nam chính là Tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với Chủ nghĩa Marx - Lenin. Về mặt lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có đóng góp quan trọng đối với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của các nước thuộc địa kém phát triển. Nhưng không chỉ có lý thuyết, Cách mạng Việt Nam đã cung cấp những kinh nghiệm thực tế quý báu trên con đường phát triển của mình, khi vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và giải phóng dân tộc triệt để trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.
Tiến sĩ González đặc biệt nhấn mạnh tới những ý tưởng về xây dựng đoàn kết, lãnh đạo tập thể, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế và sức mạnh thời đại trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông cho rằng trong cuộc kháng chiến cứu nước, những đặc điểm sáng tạo đó được thể hiện qua việc phát triển và vận dụng học thuyết chiến tranh nhân dân, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích và vận động quần chúng; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, qua đó phát huy tối đa được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.
Còn trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, theo quan điểm của ông González, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được vận dụng rõ nét nhất trong quá trình Đổi mới, với việc dân chủ hóa các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, công nhận và tạo điều kiện hoạt động cho mọi thành phần kinh tế để phát huy tối đa sức sáng tạo và sản xuất của nhân dân, cũng như áp dụng chính sách hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, sẵn sàng vượt qua những khác biệt để hợp tác với các nước cùng chia sẻ những nguyên tắc rõ ràng.
Tiến sĩ Ruvislei González khẳng định những kinh nghiệm đấu tranh và phát triển nêu trên của Đảng Cộng sản Việt Nam và những sáng tạo trong Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn rất hữu ích đối với các phong trào tiến bộ tại Mỹ Latinh, đặc biệt trong bối cảnh các cơ chế hội nhập của khu vực này đang lâm vào khủng hoảng và bế tắc khi không thể giúp các nước thành viên vượt qua được những khác biệt về chính trị và tư tưởng để cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Còn với Việt Nam, dù những thách thức trước mắt là không hề nhỏ, nhưng ông tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ cơ sở, bản lĩnh và trí tuệ để tiếp tục dẫn dắt đất nước đến với những thành công mới trên con đường phát triển.
Theo Lê Hà (TTXVN tại Cuba)