Hồi sinh vùng đất bị lũ nhấn chìm

(Mặt trận) - Mấy tháng sau đợt lũ dữ, kể từ cuối tháng 10/2020, chúng tôi có dịp trở lại vùng “rốn lũ” tỉnh Quảng Trị. Đó là những địa phương thấp trũng của các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng thực sự thì “công cuộc tái thiết” ở đây đã thu được nhiều kết quả.
 Cuộc sống hồi sinh ở vùng lũ Tân Long (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Trên cánh đồng ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, ngay từ sáng sớm đã có nhiều người làm việc. Triệu Long nằm ven lưu vực sông Thạch Hãn, mỗi khi nước lên cao người dân lại lo ứng phó, cứu vớt tài sản, nhất là hoa màu trên cánh đồng.
 Những đợt lũ dữ kéo dài từ giữa tháng 10 năm ngoài cho tới hết tháng nhấn chìm đồng ruộng, làng mạc trong nước. Thật đau lòng khi người dân xếp hàng dài nhận từng gói mì, cân gạo, chai dầu ăn trong thời điểm cứu trợ khẩn cấp.
Bà Nguyễn Thị Thật, người thôn Bích Lộc Tiêu, kể rằng đó là những ngày dài lê thê, không ai biết trước rồi sẽ ra sao vì hầu như những gì có được đều đã bị hủy hoại trong mưa lũ. Ấy vậy nhưng chỉ sau 4 tháng, cánh đồng đã lại lên xanh với các loại xà lách, cải ngọt, tăng ô, cải cay. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bà Thật cũng như bà con trong thôn còn có được số tiền kha khá khi bán được lứa heo “nuôi vội” với giá khá cao.
Bà Thật kể rằng, ngay sau khi lũ rút, cả thôn tập trung trồng các loại rau màu ngắn ngày để sớm có thu nhập và vay mượn tiền để mua heo giống về nuôi. Nay, đi trên những con đường trong thôn Bích Lộc Tiêu, dù cho dấu vết trận lũ lịch sử vẫn còn đó nhưng đồng ruộng đã xanh tươi, trên mặt người đã ánh niềm vui thay vì sự đăm chiêu lo lắng.
Rời Triệu Long, chúng tôi đến với người trồng hoa ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà: làng hoa An Lạc. Làng nằm bên bờ sông Hiếu, có vẻ đẹp thơ mộng của một làng đất bãi, càng đẹp hơn với những cánh đồng hoa khi vào vụ. Nhưng cũng như nhiều nơi khác ở Quảng Trị, trận mưa lũ dữ dội trước đây chừng 4 tháng đã đã nhấn chìm hầu hết ruộng hoa, cây cảnh của người làng.
Ông Lê Châu Hoàng, nói rằng “trận đại hồng thủy” năm trước khiến người làng vô cùng khó khăn. Nhưng không chịu bó tay, ngay sau khi nước rút người làng đã bắt tay ngay vào tái sản xuất với việc trồng các loại hoa ngắn ngày. Đã thế, một tháng trước Tết, lại gặp mấy đợt rét đậm, những tưởng thất bất hoàn toàn, nhưng cũng nhờ vào sự quyết tâm, tính chịu thương chịu khó của người dân mà Tết vừa qua hoa ở làng An Hòa vẫn khoe sắc.
May mắn đã mỉm cười không chỉ với gia đình ông Hoàng mà với tất cả dân làng. Hầu hết các hộ đều có hoa để bán phục vụ Tết. Hoa lại được giá, mỗi cặp chậu hoa cúc vàng loại vừa bán được khoảng 1 triệu đồng, loại lớn từ 1,5-2 triệu đồng. Cặp chậu hoa thược dược, vạn thọ cũng bán được từ 500.000-600.000 đồng.
Dịp này, chúng tôi cũng về xã Hải Định, huyện Hải Lăng. Nơi đây nổi tiếng là vùng chăn nuôi gia cầm của tỉnh Quảng Trị. Ông Lê Văn Hàn, người dân trong xã kể rằng, dạo ấy nước lũ tràn về nhanh quá khiến cả 5 người trong gia đình bị mắc kẹt trong nhà, rất may các chiến sỹ Biên phòng kịp thời đến cứu hộ và di dời đến nhà tránh lũ. Tài sản mất hết nhưng giữ được tính mạng là may mắn lắm rồi. Ngay khi lũ rút đi, việc đầu tiên là phải khôi phục lại đàn gà vịt. Ông Hàn cho biết, trước Tết gia đình bán được đàn vịt 100 con và 50 con gà nuôi nhốt, cũng có tiền trang trải.
Chúng tôi cũng đã đến một số xã vùng biên giới dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa. Nơi đây, trong mùa lũ bà con bị cô lập hoàn toàn suốt nhiều ngày. Đây là con đường độc đạo kết nối thị trấn Khe Sanh với các xã khu vực biên giới Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh, Hướng Sơn. Hậu quả những gì trận lũ gây ra vẫn còn đó nhưng công cuộc hồi sinh cũng thật là mạnh mẽ. Tại xã Hướng Việt, nơi bị cô lập hoàn toàn và mất liên lạc dài ngày nhất do lũ quét và sạt lở đất hồi tháng 10/2020, trên 1.700 người phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều đến nay cuộc sống bước đầu cũng đã ổn định.
Già làng Vỗ A Đin, ở bản Tà Rùng, xã Hướng Việt kể lại, chỉ trong vài giờ ngày 17/10/2020, lũ quét kèm theo sạt lở đất đã san phẳng trung tâm xã; nhà cửa, trạm y tế, trường học bị vùi lấp dưới lớp đất đá dày cả mét, 7 cán bộ và người dân trong xã bị thương vong và mất tích.
Già làng Đin nói rằng, những ngày đó bà con không biết sống chết lúc nào, máy bay của quân đội đã hai lần hạ cánh xuống xã Hướng Việt mang theo hàng tấn hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh đến cứu trợ cho bà con. Bộ đội Biên phòng, cán bộ y tế của huyện đi bộ băng rừng mấy chục cây số để tiếp cận, hỗ trợ tối đa bà con. Lũ rút, các tổ chức, đoàn thể và nhà hảo tâm thường xuyên đến thăm hỏi và hỗ trợ bà con.
Nói như Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt Hồ Văn Vọng thì sự hỗ trợ, sẻ chia kịp thời của Bộ đội Biên phòng, chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm đã làm cho bà con thấy không hề “cô đơn”. Tết vừa rồi bà con vẫn có đầy đủ với bánh chưng, bánh tét, bánh kẹo, quần áo mới và những chậu hoa.
Đứng trên đèo Sa Mù, nhìn về hướng xã Hướng Phùng, lại nhớ đên Bản Cợp nơi rạng sáng ngày 18/10/2020 xảy ra vụ sạt lở đất núi kinh hoàng, 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) đã hi sinh khi làm nhiệm vụ. Già làng Vỗ A Hòe ở Bản Cợp nói rằng, Tết vừa qua, nén nhang thắp cho ông bà tổ tiên và cúng các vị thần linh theo phong tục thì người dân trong bản còn thắp lên để tưởng nhớ các anh bộ đội đã hi sinh khi giúp đỡ đồng bào trong thảm họa thiên tai...
Quảng Trị có khoảng 70% số dân sinh sống ở vùng nông thôn, trong đó tập trung đông nhất là ở vùng đồng bằng thấp trũng. Chính vì thế đợt lũ kéo dài tháng 10 năm ngoái khiến cho đại bộ phận người dân tỉnh này gặp khó khăn. Nhiều người cho rằng để khôi phục cuộc sống cũng như sản xuất phải mất rất nhiều thời gian. Điều đó đúng, nhưng những gì đã và đang diễn ra chỉ sau 4 tháng lũ lụt đã cho thấy thời gian khắc phục mất mát có thể được rút ngắn nếu như bà con vùng rốn lũ được giúp đỡ một cách thiết thực.
Được biết, ngay sau lũ, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực đảm bảo nguồn giống, cải tạo đồng ruộng, khôi phục mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất bị bồi lấp. Hệ thống kênh mương thủy lợi được sửa chữa… Trước Tết, nguồn đóng góp của các đơn vị và cá nhân hỗ trợ giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai đã đến tay người dân. Ngay sau lũ lụt, đã chuyển tới người dân 1.000 tấn lúa giống, 80 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau từ nguồn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng đó là gần 500.000 con giống gia cầm nuôi thịt. Những hỗ trợ cụ thể, thiết thực ấy đã giúp người dân vượt lên trong gian khó.

Chia tay người dân vùng rốn lũ tỉnh Quảng Trị, chúng tôi nhớ mãi ánh mắt và câu nói của bà Hồ Thị Lay, người bản Choa, xã Hướng Phùng rằng mưa lũ là do ông Trời, nhưng người dân được bộ đội, được chính quyền giúp đỡ nên mới vượt qua tai họa. Điều đó người dân không bao giờ quên.

HOÀNG AN - NGỌC CHINH

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều