|
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (Ảnh minh họa) |
Với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”, Ngày hội là dịp để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và văn hóa truyền thống các dân tộc trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.
Ngày hội là nơi hội tụ của 14 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người, gồm: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái, thuộc 13 tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.
Theo kế hoạch, Ngày hội sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 06-08/10/2023, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn:
Về phần Lễ gồm: Lễ dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu (ngày 06/10); Lễ Khai mạc Ngày hội (ngày 6/10), dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2, VTV5) và tiếp sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh tham gia Ngày hội; Truyền thanh trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV4); Khai mạc chung các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (ngày 06/10); Lễ Bế mạc tổng kết Ngày hội, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu và các tỉnh tham gia Ngày hội tiếp sóng (ngày 08/10).
Phần hội, gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người; Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người; Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người; Trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người đặc trưng ở địa phương; Thi đấu môn thể thao (kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ); Tổ chức chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch tỉnh Lai Châu và tọa đàm đánh giá sản phẩm và khả năng kết nối sản phẩm du lịch tỉnh Lai Châu với các địa phương.
Ngoài ra còn có các hoạt động như: Gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày, giới thiệu trang phục và hoa văn trên trang phục truyền thống của 14 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người; Thiết kế biểu trưng (Logo) Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người; Các hoạt động của tỉnh Lai Châu.
Các chương trình tham gia Ngày hội phải được chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, đảm bảo tính nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh. Các nội dung hoạt động của Ngày hội do các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng... là người dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người thực hiện.
Đỗ Thụy