|
Trang phục truyền thống của người Mường Hòa Bình (Ảnh minh họa) |
Những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc
Trên địa bàn tỉnh có 5 dân tộc thiểu số là Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Đồng bào dân tộc chiếm tới 74,43% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 145/151 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có tổng số 786 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó: tiếng nói, chữ viết là 10, ngữ văn dân gian là 154, nghệ thuật trình diễn dân gian là 171, tập quán xã hội là 113, nghề thủ công truyền thống là 26, tri thức dân gian là 268. Bảo tàng tỉnh Hòa Bình hiện đang lưu giữ 18.003 hiện vật thuộc di sản văn hóa vật thể. Toàn tỉnh có 101 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 41 di tích cấp Quốc gia.
Đến nay, tỉnh Hòa Bình có 04 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm: Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường ở Hoà Bình; Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) và Lễ hội Khai Hạ của người Mường.
Trong số các đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tộc người Mường là chủ yếu, chiếm tới 64% đồng bào dân tộc, họ là chủ nhân lâu đời nhất của mảnh đất Hòa Bình hôm nay. Ngay từ thời xa xưa, người Mường đã cư trú ở khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh; ở các vùng thấp, vùng thung lũng, nơi có nhiều đồng ruộng, đặc biệt là ở 4 cánh đồng trù phú của Hòa Bình là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động.
Người Mường sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, khai thác ruộng nương để trồng trọt và chăn nuôi. Trong đời sống văn hoá, nhiều giá trị nghệ thuật, văn hoá của dân tộc Mường như Mo Mường (đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét trở thành di sản thế giới), Chiêng Mường (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), dân ca Mường, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước… đang được lưu giữ và đánh giá cao.
Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều mang những sắc thái văn hoá độc đáo, tạo nên nền văn hoá đa dạng, phong phú, đặc sắc… Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, vừa làm cho các giá trị văn hóa các di sản thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mai Châu (Hòa Bình) - điểm đến của bao du khách (Ảnh minh họa)
Phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh đã tích cực xây dựng bộ hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; Tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu nền “Văn hóa Hòa Bình”.
Tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm dân tộc Mường Hòa Bình và Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Phối hợp tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào DTTS tại huyện Mai Châu; Phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tổ chức khai quật khảo cổ tại hang xóm Trại (xã Tân Lập) và khảo sát tại di tích Mái đá Làng Vành (xã Yên Phú) huyện Lạc Sơn.
Thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu và thẩm định, xin ý kiến, thông báo ý kiến một số dự án tu bổ, tôn tạo tại 15 điểm di tích thuộc các huyện: Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn, Lạc Sơn, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 03 di tích cấp tỉnh; lập 02 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia: phục dựng kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và di sản Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường.
Các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, nghiên cứu và đầu tư, phục dựng từng bước phát huy hiệu quả; việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa đã được các địa phương coi trọng... Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị về văn hóa, lịch sử và khoa học, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Dự án 06 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án số 08-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025”.
Phấn đấu đến năm 2025, 50% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình được kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, trong đó lập hồ sơ 10 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa; 80% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được bảo tồn, phát huy; Đầu tư xây dựng 05 mô hình bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; 50% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình được giới thiệu, quảng bá.
Đối với di sản văn hóa vật thể, thực hiện đầu tư cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh; lựa chọn một số điểm di tích tiêu biểu để quảng bá giới thiệu thu hút đầu tư phát triển thành các điểm tham quan du lịch. 70% hiện vật, cổ vật, bảo vật tại Bảo tàng tỉnh được quản lý trên phần mềm, tiến hành số hóa để quảng bá giới thiệu trên môi trường mạng. 50% di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được quảng bá thu hút đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Đỗ Thụy