Những chiêu trò xuyên tạc, chia rẽ
Một thủ đoạn gần đây được họ “dựng chuyện” thông qua luận điểm kích động: “Ai làm thoái hóa quân đội Việt Nam?” để chỉ trích việc quân đội tham gia phối hợp với công an bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH là không đúng chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Họ còn xuyên tạc rằng, thông qua Nghị định số 77/2010/NĐ-CP về Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH và nhiệm vụ quốc phòng, “quân đội đã chính thức được phép tham gia bảo vệ an ninh, trật tự xã hội… một việc mà trước đây chỉ có bên công an làm”, qua đó tạo thế lực riêng cho mình, “can thiệp quá sâu vào các hoạt động dân sự dưới sự chỉ đạo của Đảng”.
Thậm chí, họ còn trắng trợn bịa đặt, xuyên tạc quân đội tham gia vào các vụ án chống tiêu cực, tham nhũng là “lấn sân”, qua đó hạ thấp uy tín, vai trò lực lượng CAND... Cách đây ít lâu, họ còn kích động, tạo ra mâu thuẫn giữa hai lực lượng thông qua việc so sánh vấn đề phong quân hàm cấp tướng... Họ cũng không ngừng kêu gọi “phi chính trị” quân đội và công an, cho rằng hai lực lượng này phải tách rời sự lãnh đạo của Đảng, không được “trung với Đảng”, “còn Đảng còn mình” mà phải quay về là lực lượng thuần túy phục vụ nhân dân. QĐND và CAND sẽ chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái, lực lượng chính trị nào”. Họ yêu cầu phải bỏ nội dung LLVT tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, được ghi trong Điều 65 Hiến pháp năm 2013...
Lực lượng Công an và Quân đội phối hợp tuần tra, canh gác bảo vệ vùng biển. Nguồn: quochoi.org
Có thể nói, đó là những chiêu trò hết sức thâm độc, phá hoại mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa QĐND và CAND. Mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp này không phải sự ngẫu nhiên hay ý muốn chủ quan của ai đó mà bắt nguồn từ chính bản chất, chức năng, nhiệm vụ của LLVT nhân dân.
Từ lời dạy của Bác Hồ...
Sinh thời, Bác Hồ từng nhiều lần căn dặn hai lực lượng quân đội và công an về sự đoàn kết, phối hợp công tác. Ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, lúc đó là Giám đốc Công an khu 12. Bức thư với những lời căn dặn về tư cách người công an cách mệnh đã nhắc đến việc công an phải phối hợp chặt chẽ với quân đội. Bác viết: “Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian…”.
Hơn 10 năm sau, tại buổi lễ thành lập lực lượng CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), ngày 3-3-1959, Bác Hồ đến dự, giao nhiệm vụ và khẳng định: “Thành lập được lực lượng Công an nhân dân vũ trang là một thành công về đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa bộ đội và công an”. Tại buổi lễ này, Bác còn có phát biểu bất hủ về truyền thống gắn bó giữa hai lực lượng: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng... Công an nhân dân vũ trang hay là quân đội cũng thế, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới. Nhất định phải như thế”.
Đến thực tiễn sát cánh cả thời chiến và thời bình
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, QĐND và CAND suốt hơn 70 năm qua luôn kề vai sát cánh, đoàn kết gắn bó vì nhiệm vụ chung, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng.
Ngay từ khi lực lượng CAND mới ra đời (19-8-1945), CAND đã phối hợp chặt chẽ với QĐND chống thù trong, giặc ngoài, chống phản cách mạng, bảo vệ thành công thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Sự phối hợp giữa công an với lực lượng quân sự và dân quân tự vệ phá vụ án phố Ôn Như Hầu (1946), bóc gỡ 40 trụ sở của Quốc dân đảng, đập tan âm mưu gây bạo loạn, lật đổ chính quyền ở Thủ đô Hà Nội những ngày đầu chính quyền non trẻ là một minh chứng cho sự phối hợp tất yếu và hiệu quả ấy. Sau này, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự phối hợp đoàn kết chiến đấu giữa hai lực lượng càng thêm chặt chẽ, nhất là cùng tham gia phá tan âm mưu của địch cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam; tiến công truy quét, tiêu diệt các toán thổ phỉ, biệt kích, thám báo trên các vùng Đông Bắc, Tây Bắc Tổ quốc... Trong các chiến dịch lớn, lực lượng an ninh cùng lực lượng quân đội bảo vệ tuyệt đối an toàn các sở chỉ huy, làm thất bại hoàn toàn các hoạt động gián điệp, các chiêu trò chiến tranh tâm lý, chiêu hồi của địch...
Trong giai đoạn hòa bình, xây dựng đất nước, quan hệ đoàn kết, phối hợp công tác giữa hai lực lượng tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, được thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng lên một tầm cao mới. Từ năm 2003, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/QĐ-TTg, ngày 2-6-2003 về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH trong tình hình mới”. Sau đó, hai bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2010/NĐ-CP về Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH và nhiệm vụ quốc phòng; Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ, quy định gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân...
Mối quan hệ phối hợp đó được chỉ đạo và thể chế hóa rất rõ trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 2008) về "Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về "Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia... Trong đó, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI nhấn mạnh: “Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật Quốc phòng năm 2005 xác định: “Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, TTATXH có trách nhiệm phối hợp với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Luật Công an nhân dân năm 2014 quy định: “Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH và xây dựng Công an nhân dân”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: “Bố trí thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình mới. Gắn kết quốc phòng với an ninh. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “...phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
Trên cơ sở đó, hai lực lượng đã chủ động phối hợp ở tất cả các cấp trong trao đổi thông tin, nhất là thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới; hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, xâm nhập của các tổ chức phản động lưu vong, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận định, đánh giá để đề xuất và tham mưu cho Đảng, Nhà nước; đồng thời, triển khai các biện pháp đấu tranh nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Có thể dẫn chứng qua việc cách đây ít lâu, có dịp làm việc với Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-người từng tham gia chỉ đạo trực tiếp giải quyết vụ gây rối ở Tây Nguyên (tháng 4-2004) và Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên-người trực tiếp tham gia chỉ huy giải quyết vụ tụ tập gây rối ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (tháng 5-2011), chúng tôi được biết, sự phối hợp giữa quân đội và công an trong những sự việc phức tạp này cực kỳ cần thiết, khăng khít và hiệu quả...
Không gì có thể chia rẽ
Ngày nay, khái niệm về an ninh quốc gia có sự phát triển mới. Đó là an ninh toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao; cả an ninh sinh tồn và an ninh phát triển; cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Do đó, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới phải là nhiệm vụ của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, trong đó QĐND và CAND là lực lượng nòng cốt. Quân đội và công an đều là công cụ bạo lực, là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tuy nhiệm vụ cụ thể có đặc trưng khác nhau nhưng đều chung mục tiêu, lý tưởng; không thể có chuyện “lấn sân” nhau trong thực hiện nhiệm vụ mà chỉ có chia sẻ, phối hợp, cùng nhau hoàn thiện nhiệm vụ tốt nhất.
Cùng với đó, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng thay đổi thủ đoạn, phương thức chống phá cách mạng Việt Nam với những thủ đoạn phi vũ trang là chủ yếu với xây dựng LLVT, khủng bố từ nước ngoài, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong... Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày nay đặt ra nhiều đòi hỏi cấp thiết phải bảo vệ từ xa, tác chiến không chỉ trên các lĩnh vực trên bộ, trên không, trên biển mà cả trên không gian mạng và đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa. Các thủ đoạn lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tạo ra những “điểm nóng” kinh tế-xã hội để biến thành những sự kiện chính trị nhạy cảm... càng đòi hỏi QĐND và CAND phải kề vai sát cánh hơn nữa. Việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH cũng như công an giúp đỡ quân đội trong các mặt công tác là đòi hỏi tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp và không gì có thể tách rời, chia rẽ hai cánh tay, hai người anh em của LLVT nhân dân...
Theo CÔNG MINH - NGUYÊN MINH/Tạp chí Tuyên giáo