Kiên Giang đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc

(Mặt trận) - Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chiến lược công tác dân tộc của tỉnh Kiên Giang. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt với Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2025” (theo Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh), những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang, nơi đào tạo nhiều thế hệ con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn (Nguồn Internet)

Nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long, tỉnh có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với đường biên giới giáp Campuchia dài 49,6km, có vùng biển rộng hơn 63.000km2. Toàn tỉnh có 49 xã/144 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS), dân số là người DTTS có 261.134 người, chiếm tỷ lệ 14,94%, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer có 230.500 người, chiếm 13,19%. 

Đồng bào DTTS ở Kiên Giang chủ yếu cư trú ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo,… Đây là địa bàn khó khăn về giáo dục, đào tạo, do đó luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ban hành các chính sách để phát triển bền vững vùng DTTS.

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền các cấp, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc. Hiện tỉnh Kiên Giang có 06 trường phổ thông dân tộc nội trú với trên 1.600 học sinh, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang dạy nghề cho hơn 600 học sinh là người DTTS.

Học sinh DTTS ở các cấp học là 41.091 học sinh (trong đó, tiểu học 21.761; trung học cơ sở 14.879; trung học phổ thông: 4.451) chiếm tỷ lệ 13,7%. Chất lượng giáo dục vùng DTTS ngày càng được nâng cao. Quy mô trường lớp tiếp tục được đầu tư; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh DTTS theo đúng quy định. Tỷ lệ huy động học sinh DTTS từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 90% mỗi năm.

Hệ thống trường, lớp vùng DTTS tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Kết quả thi tốt nghiệp của học sinh DTTS hàng năm đều đạt kết quả tốt ở cả 3 cấp học phổ thông, trong đó tiểu học đạt từ 98,62% đến 100%; trung học cơ sở đạt từ 98% đến 99%; trung học phổ thông từ 94% đến 98%; riêng trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện thi trung học cơ sở hàng năm đạt tỷ lệ gần 99%; trường phổ thông trung học dân tộc nội trú cấp tỉnh thi tốt nghiệp phổ thông trung học hàng năm đạt 98% - 100%.

 

Lớp học chữ Khmer trong dịp hè (Nguồn: Cổng thông tin Phật giáo)

Việc dạy và học chữ Khmer được các cấp, các ngành và đồng bào Khmer quan tâm hơn. Toàn tỉnh hiện có 43 điểm trường dạy song ngữ với 223 lớp, gần 5.900 học sinh là dân tộc Khmer theo học; 31 chùa dạy chữ Khmer vào dịp hè với 297 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer theo học mỗi năm. Hàng năm, tỉnh hỗ trợ ngân sách để mua sách Khmer ngữ và việc dạy chữ Khmer trong dịp hè.

          Để việc đào tạo giảng dạy chữ Khmer có hệ thống trong các trường học theo Kế hoạch số 47/KH-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang ban hành ngày 2/3/2022 thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030”. Tỉnh triển khai tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Khmer: phối hợp với các trường đại học đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn trình độ theo quy định, thực hiện đào tạo giáo viên tiếng DTTS theo các phương thức phù hợp; bố trí đủ biên chế để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy tiếng Khmer, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về kiến thức dân tộc và quản lý dạy học tiếng DTTS. 

          Cùng với đó, tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Khmer: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai dạy học tiếng Khmer; ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kho học liệu và dạy học tiếng Khmer. Rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng DTTS, nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đối với người dạy và người học tiếng DTTS.

Chăm lo công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ, hàng năm tỉnh cử tuyển hàng trăm học sinh là người dân tộc vào học tại các trường đại học, góp phần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực và nguồn cán bộ là người DTTS trên địa bàn tỉnh; đến nay toàn tỉnh có 1.367 giáo viên là người DTTS.

Với việc tích cực triển khai các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục vùng DTTS, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều