|
Di tích khảo cổ hang Phja Thạng
|
Triển khai thực hiện Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), tỉnh Lạng Sơn đang tích cực phát huy tốt nhất nguồn lực từ Chương trình để khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người. Đây được kỳ vọng là lực đẩy để giúp tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS và miền núi.
Khai thác các giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc bản địa văn hóa đa dạng là những lợi thế để ngành du lịch Lạng Sơn phát triển. Tỉnh hiện có 280 lễ hội (247 lễ hội truyền thống, chiếm 88% tổng số lễ hội trên địa bàn, trong các lễ hội truyền thống thì trên 90% là lễ hội xuống đồng); 139 di tích được xếp hạng các cấp (gồm 2 khu di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 108 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu là các di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn và các di tích quốc gia, như: Nhị - Tam Thanh, Núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc, Chùa Tiên - Giếng Tiên, Chùa Thành, Cụm di tích Đoàn Thành - Tứ Trấn, Linh địa cổ Mẫu Sơn...); hơn 100 câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ cơ sở (Câu lạc bộ Điếp Sli Then huyện Cao Lộc, Câu lạc bộ Cẩu Pung huyện Tràng Định, Câu lạc bộ Nộc Khảm Khắc huyện Văn Lãng, …); 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; các tri thức dân gian về y dược học cổ truyền (nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý); các nghề thủ công truyền thống (sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, gốm sứ,...) và nhiều sản phẩm, đặc sản ẩm thực địa phương (hoa hồi, đào Mẫu Sơn, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng, lợn quay, vịt quay, khâu nhục, rượu Mẫu Sơn...). Đặc biệt là một tư liệu lịch sử vô cùng quý giá, có ý nghĩa về nguồn gốc, tên gọi và chủ quyền lãnh thổ của nước ta ở nơi địa đầu Tổ quốc, đó là bảo vật quốc gia Bia Thủy Môn Đình, các biện pháp bảo vệ đối với bảo vật quốc gia này được tiến hành theo chế độ riêng.
Ngày 20/3, tỉnh Lạng Sơn có thêm một di tích được xếp hạng di tích quốc gia, đó là: Di tích khảo cổ hang Phja Thạng (xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Việc hang Phja Thạng được xếp hạng di tích quốc gia đã khẳng định giá trị lịch sử quý giá của di tích này đối với Lạng Sơn nói riêng và nền khảo cổ Việt Nam nói chung.
Với thế mạnh là tỉnh miền núi có nhiều những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đa dạng, nhiều sản vật phong phú, độc đáo đã được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam..., kết hợp việc bảo lưu, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước, cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời kỳ hội nhập quốc tế nên nhiều lễ hội được phục dựng và duy trì tổ chức thường niên, thu hút đông đảo du khách tham gia như: Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng (10 tháng Giêng); lễ hội chùa Bắc Nga (15 tháng Giêng); lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ (22-27 tháng Giêng); lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), lễ hội Trò Ngô xã Thịên Kỵ (Hữu Lũng), lễ hội Báo Slao xã Quốc Khánh (Tràng Định)... Ngày 14/2 Lễ hội truyền thống chùa Bắc Nga của tỉnh (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau hơn 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, năm 2023, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tổ chức trở lại với quy mô lớn hơn, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Một số lễ hội được các địa phương đưa việc biểu diễn tích truyện gắn với nhân vật lịch sử vào ngày khai hội như các lễ hội: Ná Nhèm, chùa Tam Thanh, chùa Tiên, đền Tả Phủ… Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc cho Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ.
Một hoạt động văn hóa và sản phẩm du lịch tiêu biểu, nổi bật, đặc sắc vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về của tỉnh Lạng Sơn là "Lễ hội Hoa đào" nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của cây hoa đào; đồng thời tôn vinh cây hoa đào, người trồng đào Xứ Lạng. Lễ hội Hoa đào xứ Lạng Xuân Quý Mão 2023 (từ ngày 15/1 đến 19/2) với chủ đề “Kỳ hoa Xứ Lạng - Sắc màu biên cương” thu hút gần 10.000 du khách tới tham quan và trải nghiệm và là năm đầu tiên lễ hội tổ chức cuộc thi “Vẽ tranh hoa đào xứ Lạng” dành cho các em học sinh. Với tổng số 1.674 tác phẩm đăng ký tham gia dự thi, tại vòng chung khảo, ban tổ chức đã chấm và chọn ra 60 tác phẩm đẹp, có tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao để trưng bày tại không gian tổ chức của lễ hội. Trong đó, 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải thưởng theo thể lệ cuộc thi. Đồng thời, lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu sôi động, mang đậm nét văn hóa bản địa đặc sắc như: Giao lưu hát Sli, hát lượn, hát then; múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; giao lưu các câu lạc bộ khiêu vũ mở rộng; giao lưu nhảy đường phố cùng các hoạt động triển lãm sách, báo Xuân (hơn 20 ấn phẩm truyền thông); trưng bày 1.500 gốc đào gồm đa dạng giống quý bản địa (đào bích, đào phai, đào chuông, đào Mẫu Sơn…), trao đổi các sản phẩm OCOP, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của tỉnh đã xác lập Kỷ lục món ăn Việt Nam; biểu diễn nhạc nước nghệ thuật (có khả năng tạo cột nước cao đến 32m) quy mô lớn đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn, tạo ra không gian văn hóa - du lịch với những điểm nhấn vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa hiện đại, tạo sức hút mới lạ cho Lễ hội đã góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa, truyền thống của đồng bào DTTS và miền núi, kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch (du lịch biên giới, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái...) nhằm phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh Lạng Sơn tới du khách trong nước và quốc tế; từ đó thúc đẩy các hoạt động giao lưu hợp tác về văn hóa, du lịch, đầu tư, thương mại giữa Lạng Sơn và các tỉnh/thành trong cả nước và nước ngoài. Đặc biệt, ngày 31/3 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Lạng Sơn "Trải nghiệm và cảm nhận" và ký kết đối tác với Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel). Đơn vị này cam kết sẽ xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh dựa trên thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với việc phát huy giá trị của văn hóa truyền thống, chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch của các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao, nhằm cung cấp cho xã hội những sản phẩm văn hóa/loại hàng hóa đặc biệt mang "giá trị kép" - thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về tinh thần ngày càng cao của con người, đồng thời có thể bán cùng một lúc cho nhiều người, bán nhiều lần "giá trị trải nghiệm" văn hóa, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương cư trú xung quanh, nhất là đồng bào DTTS và miền núi, tạo nguồn thu khá lớn đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch của Lạng Sơn ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt, doanh thu ước đạt 2.100 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Lạng Sơn đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt khách, đạt 35,9% kế hoạch, tăng 78,6% so với cùng kỳ. Doanh thu 1.055 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch, tăng 281% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đang triển khai thực hiện 3 dự án nghiên cứu di sản gồm: Nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người Dao Lô Gang (xã Công Sơn, huyện Mẫu Sơn); nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng lễ hội đền Bắc Lệ (xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng); nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người thầy Tào (xã Khánh Khê, huyện Văn Quan). Đồng thời cũng đã xây dựng hoàn thiện 3 đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng giai đoạn 2021 - 2030; Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ.
Diễm Hồng