|
Người dân xã Nậm Pung, huyện Bát Xát sử dụng nước sạch từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Chương trình (Nguồn: baodantoc.vn)
|
Tính đến ngày 10/9/2024, tổng kinh phí thực hiện Chương trình tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình) năm 2024 là 1.922.036 triệu đồng trong đó: Vốn đầu tư ngân sách Trung ương: 637.182 triệu đồng (năm 2022, 2023: 29.086 triệu đồng, năm 2024: 608.096 triệu đồng); vốn sự nghiệp: 896.573 triệu đồng, trong đó đã phân bổ 884.095 triệu đồng. Còn 12.478 triệu đồng chưa phân bổ. Vốn vay: 12.500 triệu đồng; Ngân sách tỉnh: 252.900 triệu đồng; Ngân sách huyện: 37.381 triệu đồng; Huy động cộng đồng: 85.500 triệu đồng.
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2024, kết quả giải ngân toàn tỉnh là: Vốn đầu tư: 261.582/637.182 triệu đồng đạt 41% kế hoạch vốn Trung ương giao, trong đó vốn năm 2023 chuyển nguồn năm 2024: đã giải ngân 8.142/29.086 triệu đồng đạt 28% kế hoạch; vốn kế hoạch giao năm 2024: đã giải ngân 253.440/608.096 triệu đồng đạt 42% kế hoạch; vốn sự nghiệp: 59.611/896.573 triệu đồng, đạt 6,6% kế hoạch, trong đó: vốn năm 2023 chuyển nguồn năm 2024: đã giải ngân 37.037/379.250 triệu đồng, đạt 9,8% kế hoạch; vốn kế hoạch giao năm 2024 đã giải ngân 22.304/517.323 triệu đồng, đạt 4,5% kế hoạch. Ngân sách tỉnh: 26.835/252.900 triệu đồng đạt 10,6% kế hoạch; Ngân sách huyện: 300/37.381 triệu đồng đạt 1% kế hoạch.
Triển khai Chương trình, Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai các dự án thành phần của Chương trình, trong đó đặc biệt đẩy mạnh thực hiện Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) và Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết) nhằm từng bước ổn định đời sống của đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Đối với Dự án 1, năm 2023, tỉnh hỗ trợ đầu tư nhà ở cho 119 hộ; đã giải ngân 19.386 triệu đồng để đầu tư 26 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3.560 hộ; hỗ trợ cho 163 hộ mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất; hỗ trợ 4.883 téc nước, bồn chứa nước và 4.825m ống dẫn nước/4.883 hộ; hỗ trợ cho vay: đất ở 2.410 triệu đồng (49 người), nhà ở 9.807 triệu đồng (247 người), chuyển đổi nghề 33.276 triệu đồng (408 người).
Trong năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ theo chương trình, đẩy nhanh tiến độ các nhà đang triển khai xây dựng chưa hoàn thành và đến nay đã thực hiện khởi công được 62 nhà, trong đó xây dựng hoàn thành được 7 nhà trên địa bàn tỉnh. Lũy kế kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến nay xây dựng hoàn thành được 227/351 nhà, dự kiến phấn đấu sẽ xây dựng hoàn thành 124 nhà còn lại trong năm 2024. Tiếp tục đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, thực hiện các thủ tục nghiệm thu công trình hoàn thành và thanh quyết toán các công trình đã giải ngân được 11.066 triệu đồng. Ngân sách địa phương 550 triệu đồng. Lập, trình phê duyệt dự toán và tổ chức mời thầu đã giải ngân 2.673 triệu đồng cho 891 hộ mua téc, lu đựng nước.
Đối với Dự án 2: có 03 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết tập trung, cụ thể:
Dự án sắp xếp dân cư thiên tai thôn Ta Khuấn, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, đã xin ý kiến đồ án xong, đang chờ phê duyệt quy hoạch chung của xã Sơn Thủy.
Dự án sắp xếp dân cư thiên tai thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư; Thông báo thu hồi đất; Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 12 hộ gia đình và 01 tổ chức. Đơn vị thi công đang thi công hạng mục cấp nước. Đã thi công xong đập đầu mối thu nước nguồn 1+2, bể lọc thô, bể cắt áp, bể áp lực và khoảng 2km tuyến ống cấp nước.
Dự án sắp xếp dân cư thiên tai thôn Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư; Thông báo thu hồi đất; Lập phương án Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 01 tổ chức và 28 hộ gia đình. Hiện nay đang thực hiện thi công san gạt mặt bằng, tỉnh Lào Cai tập trung hỗ trợ 04 hộ theo hình thức sắp xếp dân cư xen ghép (huyện Bảo Thắng: 02 hộ, thị xã Sa Pa: 02 hộ); UBND thành phố Lào Cai đang triển khai đầu tư 02 dự án sắp xếp dân cư tại 02 xã (Hợp Thành, Thống Nhất), trong đó sử dụng nguồn vốn Chương trình năm 2022, 2023 để giải phóng mặt bằng dự án. Hiện nay, dự án tại xã Hợp Thành đã giải ngân được 1.260 triệu đồng, dự án tại xã Thống Nhất đã hoàn thiện hồ sơ để trình Quyết định phê duyệt Dự án.
Đặc biệt, ngày 26/10/2024, các địa phương trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã đồng loạt ra quân triển khai phong trào thi đua 75 ngày đêm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3 (bão Yagi), với mục tiêu phấn đấu từ nay đến ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành xây mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 470 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và hộ DTTS trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 470 nhà tạm, nhà dột nát có 51 nhà thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đã khởi công và bàn giao 34 nhà, còn 17 nhà sẽ sớm được bàn giao; 25 nhà bị sập 100% do bão số 3, hiện 2 nhà đã làm xong, 20 nhà đang xây, còn 3 nhà đang làm thủ tục hồ sơ; 394 nhà thực hiện theo Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 03/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, trong đó làm mới 172 nhà, sửa chữa 222 nhà, hiện đã khởi công được 40 nhà. Nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, thị xã Sa Pa đã tập trung huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nguồn bố trí ngân sách tỉnh Lào Cai, nguồn vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn xã hội hóa từ việc vận động doanh nghiệp, các mạnh thường quân để hỗ trợ xây nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, tiểu dự án thành phần còn chậm và kết quả giải ngân thấp; một số nội dung tỉnh đã triển khai thực hiện nhưng chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra (hỗ trợ đất sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư...); nội dung hỗ trợ đất ở chưa thực hiện được; công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm dân cư nông thôn, hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng, rà soát ranh giới, diện tích của các chủ rừng,… để tạo cơ sở thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình. Cùng với đó, có một số nội dung, dự án thành phần thuộc Chương trình trong năm 2024 đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục để thực hiện hoặc đang thực hiện, nhưng do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, làm ngập sâu trên diện rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, khiến nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai hoặc thực hiện theo hồ sơ đã duyệt, mà phải điều chỉnh, bổ sung, thậm chí dừng thực hiện, ảnh hưởng trầm trọng tới tiến độ thực hiện Chương trình. Vì vây, tỉnh đã đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2024 sang đến hết năm 2025; cho phép các địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 nói riêng và thiên tai nói chung được chủ động điều chỉnh, giảm mục tiêu để tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung thuộc từng chương trình có tính chất khắc phục thiệt hại do thiên tai, bảo đảm phù hợp quy định Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội.
Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu tổng hợp các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần, các lĩnh vực thuộc Chương trình ở các cấp, địa phương. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định để thực hiện Chương trình. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của tỉnh và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Bám sát các văn bản của Trung ương về cơ chế đặc thù để tham mưu triển khai tại địa phương; các sở, ngành tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các văn bản hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế ở địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người DTTS nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào DTTS (nhất là người DTTS nghèo). Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Diễm Hồng