MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới

(Mặt trận) - Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tập trung triển khai nhiều chính sách, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người Khmer, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào Khmer đối với Đảng, Nhà nước; xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng bào dân tộc Khmer ở nước ta sinh sống lâu đời trên vùng đất miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Dân tộc về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019, tổng số người dân tộc Khmer nước ta có 1.319,652 người, với khoảng 330 nghìn hộ gia đình, sinh sống tập trung chủ yếu ở 488/691 xã, phường, thị trấn vùng miền Đông và miền Tây Nam Bộ1.

Miền Đông Nam Bộ có 172.477 người Khmer sinh sống. Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tập trung nhiều nhất tại các tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ gồm: Kiên Giang (230.500 người, chiếm 13,19% DTTS), An Giang (90.714 người, chiếm 4,2% DTTS), Bà Rịa - Vũng Tàu (4.015 người, chiếm 15,7% DTTS), Bạc Liêu (74.743 người, chiếm 7,57% DTTS), Bình Phước (21.239 người, chiếm 10,43% DTTS), Sóc Trăng (361.016 người, chiếm 30,19% DTTS), Cà Mau (39.000 người), Long An (9.976 người, chiếm 0,59% DTTS), Bình Dương (sống tập trung tại xã An Bình, huyện Phú Giáo hiện có 291 hộ, với 1.089 khẩu), thành phố Cần Thơ (có 19.683 người); Trà Vinh (318.231 người, chiếm 31,53%).

Đồng bào dân tộc Khmer ở các tỉnh sinh sống xen kẽ với các đồng bào dân tộc thiểu số khác, đa số sống bằng nghề nông hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp và phân bố khắp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Sự phát triển về dân số và việc cư trú ở khắp mọi vùng miền trên cả nước cho thấy, đồng bào dân tộc Khmer là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết của 54 dân tộc trên đất nước ta.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer2. Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư (khoá XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Khmer; tham mưu các cấp ủy Đảng ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Định kỳ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc Khmer đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn triển khai thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với Ban Dân tộc ký kết và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác; tổ chức thực hiện rà soát, bổ sung danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; vận động, gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, già làng vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà dẫn đầu đoàn công tác của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm và chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2023 đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng. ẢNH: QUỐC TRUNG

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tích cực vận động đồng bào, phật tử, sư sãi Khmer thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái lao động sản xuất, giữ gìn văn hóa truyền thống, góp phần tham gia xây dựng khối đoàn kết tôn giáo và dân tộc. Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước nhiều tỉnh, thành phố đã phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; phát huy tinh thần hòa hợp nội bộ, đoàn kết tôn giáo, để hoàn thành các hoạt động Phật sự. Các cấp Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước cũng đã tích cực động viên sư sãi, đồng bào phật tử tham gia công tác từ thiện xã hội, vận động đóng góp xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đoàn kết, quỹ khuyến học, khuyến tài...

Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chức sắc, chức việc phát huy vai trò nòng cốt của mình trong tổ chức tôn giáo, góp phần cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nâng cao tinh thần cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer cũng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện. Do đó, tỷ lệ đảng viên người dân tộc Khmer so với tổng số đảng viên trong từng đảng bộ huyện, thị xã, thành phố ngày càng tăng; tỷ lệ cán bộ là người dân tộc Khmer tham gia ban chấp hành, ban thường vụ cấp uỷ và giữ các chức danh chủ chốt ở vùng đồng bào dân tộc Khmer tương xứng với các dân tộc khác.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn thực hiện tốt công tác hiệp thương, giới thiệu người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tiêu biểu tỉnh Sóc Trăng có 611 vị trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; trong 4 đại biểu Quốc hội có 2 đại biểu là người dân tộc Khmer; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 15 đại biểu (Khmer 13, Hoa 2); Hội đồng nhân dân cấp huyện 54 đại biểu (Khmer 42, Hoa 12) và Hội đồng nhân dân cấp xã 538 đại biểu (Khmer 452, Hoa 86).

Tỉnh Trà Vinh tổng số cán bộ, công chức, viên chức người Khmer toàn tỉnh 4.706/22.584 người, chiếm tỷ lệ 20,84%; Cán bộ dân tộc Khmer tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 726/3.225 người, chiếm 22,51% (cấp xã 663/2.879 người, chiếm 23,03%; cấp huyện 47/297 người, chiếm 15,82%; cấp tỉnh 16/49 người, chiếm 32,65%); cán bộ dân tộc Khmer tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là 2/6 người, chiếm 33,33%; cán bộ, công chức, viên chức người Khmer làm công tác Mặt trận 32 người (cấp tỉnh 5 người, cấp huyện 9 người, cấp xã 18 người).

Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng đổi mới. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã gắn việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với việc xây dựng mô hình tự quản, triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước, như Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình “Đồng bào dân tộc tham gia bảo vệ cột mốc đường biên và an ninh biên giới”; “Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho các cấp ủy Đảng, phối hợp các cấp chính quyền tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số để trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước, địa phương. Đồng thời, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của người dân để tổng hợp gửi các ngành nghiên cứu, trả lời.

Phối hợp tổ chức rà soát, bổ sung, thay thế, danh sách người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống luôn giữ được mối quan hệ thân thiện, hợp tác, tin cậy, gắn bó với lực lượng cốt cán trong tôn giáo và uy tín trong dân tộc; phối hợp với Trụ trì, Ban Quản trị chùa Phật giáo Nam tông Khmer để tuyên truyền, vận động Phật tử trong các ngày thọ giới; in tài liệu bằng tiếng Khmer để tạo điều kiện thuận lợi cho sư sãi và đồng bào Khmer tiếp cận thông tin và các chủ trương, chính sách của địa phương. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức Đoàn thăm hỏi, động viên tặng quà cho các tổ chức đồng bào dân tộc Khmer và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp lễ, tết quan trọng hằng năm như Tết Nguyên đán, Tết Chôl Chnăm Thmây và Lễ Sene ĐôlTa.

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - giáo dục - y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong lĩnh vực kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc Khmer đã tích cực phối hợp triển khai, thực hiện, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030; phối hợp tổ chức rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng, phạm vi thụ hưởng thuộc các Dự án, tiểu Dự án thành phần; rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân tộc từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo báo cáo đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện và giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã gắn việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; vận động xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo, nghèo đa chiều người dân tộc Khmer; phối hợp xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; khôi phục và mở rộng các ngành nghề truyền thống, thủ công mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều hộ gia đình người Khmer đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; xây dựng nhiều mô hình có giá trị kinh tế; nhiều tập thể, cá nhân sản xuất giỏi, làm kinh tế hiệu quả được biểu dương, khen thưởng. Nhờ đó, kinh tế ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có nhiều chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rõ rệt; diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, công tác dân tộc vùng đồng bào Khmer vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư có lúc, có nơi còn chậm; công tác nắm bắt tâm tư và phản ánh tình hình Nhân dân còn chưa kịp thời. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về công tác vận động trong đồng bào dân tộc Khmer có nơi chậm được đổi mới; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer còn hạn chế.

Công tác thăm hỏi, động viên, gặp gỡ với đồng bào dân tộc Khmer mặc dù được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố quan tâm nhưng quá trình thực hiện vẫn gặp khó khăn, mới chỉ thực hiện theo định kỳ, ngày lễ, tết. Việc xây dựng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín đã được quan tâm lãnh đạo thực hiện, nhưng chưa thực sự phát huy hết vai trò của người có uy tín tiêu biểu. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa sâu rộng dẫn đến tình hình khiếu kiện còn xảy ra.

Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo. Việc triển khai lồng ghép một số chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer hiệu quả chưa cao, chưa tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc vùng đồng bào Khmer, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tập trung đẩy mạnh thực hiện các nội dung, giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư (khoá XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; quán triệt và thực hiện có hiệu quả kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, tiếp tực triển khai thực hiện và giám sát có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2030; trọng tâm là lồng ghép, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Ba là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ động phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh để tổ chức có hiệu quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại lắng nghe ý kiến của người có uy tín tiêu biểu; chủ động nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong Nhân dân. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer; tích cực vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận và đoàn thể các cấp phát động.

Bốn là, chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; chủ động nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc Khmer phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục nắm tình hình, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp, biện pháp xử lý những vụ việc phức tạp, phát sinh trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm là, tăng cường công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Quan tâm phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer; thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ đối với đảng viên là người dân tộc Khmer.

Chú trọng công tác xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Khmer có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sắp xếp, bố trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã với số lượng phù hợp theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan phụ trách công tác dân tộc và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp.

Sáu là, tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer; tích cực vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và đoàn thể các cấp phát động. Tăng cường phối hợp vận động, tuyên truyền đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành cho phù hợp với đồng bào dân tộc Khmer; phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc tăng cường công tác giám sát đối với các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc.

Chú thích:

1.  Ngoài ra, Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 còn cho thấy, đồng bào Khmer còn cư trú tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc (642 người); vùng đồng bằng sông Hồng (479 người); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.851 người); các tỉnh Tây Nguyên (2.962 người).

2.  Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer” và Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới...

*Vũ Đăng Minh - Trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

**Nguyễn Quỳnh Trâm -  Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều