Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc nhờ vốn tín dụng chính sách

(Mặt trận) - Nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ trong việc xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cải thiện đời sống nhân dân tại vùng sâu, vùng xa và ổn định trật tự an toàn xã hội.

Đồng bào DTTS được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng chính sách (Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất đối với đồng bào DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, giải ngân hiệu quả vốn tín dụng chính sách cho vay thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình). Qua đó, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn có thêm kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình là 1 trong 5 chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm hỗ trợ vốn vay làm nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối tượng thụ hưởng theo Nghị định này là hộ nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS cũng thuộc đối tượng được vay vốn. Các chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi; đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, trong 5 năm đầu khách hàng chưa cần trả nợ gốc; thời hạn vay từ 10 năm đến 15 năm tùy từng chương trình.

Vốn vay thuộc Chương trình được tập trung ở một số dự án, tiểu dự án như: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 3): Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi… Qua đó, kịp thời giải quyết nhu cầu vay vốn của đồng bào DTTS.

Tại tỉnh Hà Giang, sau hơn một năm triển khai, đến tháng 5/2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân được 47,4 tỷ đồng cho 969 khách hàng thuộc Chương trình. Mèo Vạc - một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Hà Giang, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ, đầu tư, đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân của huyện đạt trên 13,3%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,95 triệu đồng/người/năm (năm 2002) lên 28 triệu đồng/người/năm (năm 2022). 

 

Nhờ vốn tín dụng chính sách đời sống đồng bào DTTS ngày một nâng cao (Ảnh: Báo Hà Giang)

Kết quả này khẳng định giá trị, hiệu quả giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn.

Ngay khi Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình được ban hành, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan triển khai. Năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho vay 45,7 tỷ đồng, với 868 hộ vay vốn. Nghị định 28 của Chính phủ đã đáp ứng mong mỏi của nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS sống ở vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.

Từ nguồn vốn các chương trình cho vay theo Nghị định 28, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cũng được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ xây nhà ở và chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp cho các hộ đồng bào DTTS có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng rừng, xây dựng các công trình nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Cùng với các chính sách ưu đãi khác của Đảng, Nhà nước giúp trên 3.100 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, chính trị tại địa phương. Bên cạnh đó còn làm giảm tình trạng tín dụng “đen” ở vùng đồng bào DTTS. 

Ngân hàng CSXH huyện Si Ma Cai đã triển khai cho 4.791 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vay vốn, với tổng nguồn vốn là trên 308 tỷ đồng, chiếm gần 97% tổng dư nợ toàn huyện, các chương trình tín dụng CSXH huyện, luôn gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách dân tộc của Nhà nước. 
Theo Ngân hàng CSXH huyện Si Ma Cai, Các thôn, tổ dân phố trên địa bàn đều có các tổ tiết kiệm, vay vốn do các tổ chức chính trị, xã hội quản lý. Các tổ này đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện, triển khai có hiệu quả 15 chương trình tín dụng CSXH để đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi vay qua Ngân hàng CSXH được bà con DTTS ở tỉnh Yên Bái đầu tư vào phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên thoát nghèo, tự chủ ổn định cuộc sống. Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái đã thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình đạt 4.591,5 tỉ đồng với 84.106 khách hàng còn dư nợ (102.983 món vay). Trong đó, số khách hàng hộ DTTS là 54.381 hộ, chiếm 64% số hộ vay vốn, dư nợ 3.148,2 tỉ đồng, chiếm 68,6% tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn. Vốn vay ưu đãi đã giúp hộ đồng bào DTTS có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên thoát nghèo, tự chủ ổn định cuộc sống, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Đối với chương trình cho vay vùng DTTS và miền núi theo Nghị định 28, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Kon Tum đã thực hiện cho vay được 119 tỷ đồng với 2.388 hộ vay vốn, đạt 89,4% kế hoạch được giao. Mục đích vay vốn của các hộ dân chủ yếu là hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà, hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Các chính sách tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS của Chính phủ đã tiếp sức cho bà con là người DTTS có vốn để đầu tư, ổn định chỗ ở. Đồng thời, còn giúp tạo việc làm, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế gia đình, góp phần ngăn chặn tín dụng đen ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi…

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều