Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong sự thống nhất của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và thực hiện nguyên tắc: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc này tại Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục được khẳng định và quán triệt. Để cụ thể hóa chủ trương trên, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đổi mới tích cực về nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác dân tộc, với sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương của Mặt trận Tổ quốc với nội dung và phương châm toàn hệ thống Mặt trận và toàn hệ thống chính trị cùng làm công tác dân tộc, đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong công tác dân tộc; nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào các dân tộc trong cả nước, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta thời gian qua.
Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng qua các kỳ Đại hội, được Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể. Để xác lập cơ sở chính trị và cơ chế cụ thể cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 217/QĐ-TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. “Giám sát và phản biện xã hội” là giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Văn Kiện Đại hội XIII với quan điểm tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã nhấn mạnh trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc “Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...”;
Tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đề ra nhiệm vụ: “Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện”; Hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc thông qua các hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; Tổ chức đoàn giám sát; Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
|
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2023. ẢNH: QUANG VINH |
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã nỗ lực xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch giám sát, tập trung các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, trong đó hoạt động giám sát các chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nội dung được Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm triển khai.
Xác định rõ vai trò của mình, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì hoạt động giám sát việc phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước và việc xác định đối tượng thụ hưởng các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025; giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án tại cơ sở.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg, để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giám sát thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 537/KH-MTTW-BTT và Kế hoạch số 595/KH-MTTW-BTT về triển khai thực hiện và giám sát Chương trình năm 2022 với các nội dung, yêu cầu cụ thể để thực hiện từ cấp Trung ương đến các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoạt động giám sát tại các địa phương đóng vai trò quan trọng để có cơ sở nghiên cứu đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng cộng đồng, từ đó thực hiện hiệu quả các Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia. Và trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, làm thế nào để phát huy tốt nhất vai trò này nhằm tạo sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân là vấn đề được đặt ra.
Với việc xác định rõ vai trò quan trọng của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua các hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong xây dựng các công trình, dự án triển khai ở các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong cả nước đã luôn quan tâm kiện toàn tổ chức và hoạt động đẩy mạnh công tác giám sát và phát huy đúng vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở.
Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh đã hướng dẫn công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng triển khai đến Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố, cơ sở và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức tập huấn, củng cố kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác cho đội ngũ thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng, qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong thời gian tiếp theo.
Nhiều địa phương tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thu thập tài liệu, chứng cứ, thông tin có liên quan phục vụ cho hoạt động giám sát hiệu quả, các cuộc họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã liên quan đến cơ cấu, tổ chức hoặc nghiệp vụ giám sát, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đều được mời tham dự. Ban Thanh tra nhân dân đã tham gia góp ý, xây dựng chính quyền thông qua các hình thức như: Tổ chức hội nghị nhân dân, tổ chức hội nghị đối thoại, phát phiếu xin ý kiến và tiếp công dân để thu thập thông tin tổng hợp gửi chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết; trực tiếp giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm khi thực hiện triển khai các dự án ở cộng đồng, giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những sai sót, bất cập, tránh lãng phí trong quá trình thực hiện các dự án, kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả, đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng thật sự phát huy được hiệu quả, nhất là giám sát các công trình, dự án có sự tham gia đóng góp trực tiếp của người dân, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng ở những nơi được thụ hưởng dự án; kịp thời phát hiện và kiến nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục những sai sót, nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng được chú trọng, các thành viên có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong hoạt động giám sát, góp phần ổn định an ninh trật tự và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số nơi còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là: sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban nhân dân trong thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết thi đua, khen thưởng về công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số địa phương còn chưa thường xuyên. Một số Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa bám sát Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, chương trình kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để xây dựng được chương trình, kế hoạch công tác giám sát hàng năm.
Công tác củng cố, kiện toàn, tập huấn nghiệp vụ, trang bị tài liệu cho đội ngũ thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số nơi còn chưa được chú trọng. Việc huy động Nhân dân cùng tham gia giám sát chưa thường xuyên, một số Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn thiếu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, xây dựng chương trình công tác; công tác phát hiện, nắm bắt những vụ việc phát sinh trong Nhân dân có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. Một số địa phương việc bầu Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ theo quy định nên kết quả giám sát còn hạn chế. Công tác tập huấn cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa thường xuyên; kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã còn khó khăn,...
Qua theo dõi thực tế cho thấy, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc rất cần được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm giải quyết. Tính chất hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động giám sát không mang tính quyền lực, không chuyên sâu; không trực tiếp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện và kiến nghị xử lý, do vậy tính hiệu lực không cao mà phụ thuộc vào trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, nội dung giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trải rộng trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở, trong khi đó các thành viên của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hầu hết đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên sâu đối với một số nội dung giám sát, dẫn đến chất lượng, hiệu quả giám sát, kiến nghị nhiều nơi chưa bảo đảm. Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp với chính quyền cùng cấp trong việc tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động ở một số địa phương chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức; những kiến nghị sau giám sát không được xử lý kịp thời...
Ngoài ra, sự chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, lựa chọn nội dung giám sát của một số Ban Thanh tra nhân dân chưa thường xuyên, còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã, dẫn đến còn thụ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng còn hạn chế, chế độ thù lao còn thấp, kinh phí hỗ trợ hoạt động ở nhiều địa phương chưa bảo đảm… đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở.
Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí cũng như từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phối hợp với các ngành chức năng tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục hướng dẫn, triển khai các văn bản về Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng như: Nghị định số 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư và các văn bản ban hành về công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng.
Thứ hai, công tác hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Cần tham gia giám sát việc triển khai các chương trình, dự án ngay từ khi mới triển khai thực hiện; đặc biệt cần chủ động lấy ý kiến của người dân trước khi các chương trình, dự án được thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; đảm bảo số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định mới; thực hiện đúng các tiêu chuẩn lựa chọn thành viên tham gia Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở phải bảo đảm về sức khỏe, có kinh nghiệm về chuyên môn và xử lý tình huống thực tế, phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật; đồng thời, tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; phải hoạt động theo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và kịp thời, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Thứ tư, cần xây dựng kế hoạch hàng năm, phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng; Hướng dẫn cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế; củng cố những nơi hoạt động còn yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tiếp theo.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn chủ động thực hiện quyền giám sát, qua đó phát huy vai trò của Nhân dân tham gia quản lý xã hội, phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Định kỳ tiến hành tổng kết năm, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giám sát. Đặc biệt, cần có khen thưởng nếu các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện được các vụ việc tiêu cực, vi phạm thì cần được khen thưởng.
Thứ sáu, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng bảo đảm điều kiện về kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng bảo đảm mức kinh phí hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần hướng dẫn hoạt động, kiện toàn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên.
Cao Thị Ngọc Thủy - Ban Dân tộc,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam