|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài. |
PV: Thưa ông, hơn một tháng qua, trong vòng xoáy khủng hoảng ở Ukraine, hàng ngàn người Việt đã được Đảng, Nhà nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Đông, Trung Âu và cộng đồng người Việt tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) dành tình cảm và nỗ lực không ngừng nghỉ để cứu trợ thoát khỏi vùng bom đạn, về nước an toàn hoặc tạm thời lánh nạn ở nước thứ ba. Trong lúc này, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhìn lại hành trình đó?
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài: Ngay từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra (ngày 24/2/2022), Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời. Từ chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước đã làm việc với các cơ quan liên quan để chỉ đạo thực hiện tốt nhất công tác bảo hộ công dân; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phối hợp lên phương án sơ tán, giải cứu bà con ra khỏi vùng nguy hiểm; Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Có thể khẳng định rằng, đến nay công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến sự đã đạt được những kết quả quan trọng và thành công bước đầu.
Người Việt hiện đang sống và làm việc tại Ukraine có khoảng 7.000 người. Sau 6 chuyến bay, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam đã đón về nước gần 1.700 người. Các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt ở các nước lân cận cũng đã đón hơn 4.000 người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự, tạm thời ổn định cuộc sống.
Để công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ đồng bào gặp nạn tại Ukraine đạt được những kết quả như trên phải kể đến vai trò rất quan trọng của cộng đồng người Việt, các hội đoàn tại Ukraine và các nước lân cận đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, khắc phục rất nhiều khó khăn, đồng hành sớm khuya cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh bà con khẩn trương chuẩn bị đồ cứu trợ, dầm mình trong trong tuyết ở cửa khẩu biên giới, tại các nhà ga, bến tàu để đón đồng bào sơ tán từ Ukraine sang. Máu chảy ruột mềm. Đồng bào gặp nạn, không ai có thể yên lòng. Người thì ủng hộ vật chất, quyên góp tiền, ủng hộ đồ dùng thiết yếu như đệm, chăn, ga, thức ăn, đồ uống, bỉm sữa. Có người dành đến 3 căn nhà cho 30-40 người ở. Người thì dành cả tầng nhà cho 20 người ở. Còn có người đang cho khách du lịch thuê đã tạm dừng để ủng hộ 4-5 phòng. Lại có người đóng cửa hàng, xin nghỉ phép, dành thời gian để đưa đón bà con, nấu cơm phát tâm thiện nguyện...
Không chỉ hỗ trợ về vật chất, tinh thần, nhiều hội đoàn và cá nhân người Việt còn nhiệt tình hỗ trợ bà con về thủ tục, vì trong đó nhiều trường hợp không có đủ giấy tờ; đảm bảo danh sách đăng ký cho những người có nguyện vọng về Việt Nam trên các chuyến bay cứu trợ.
Các Đại sứ quán đã cùng với các hội, đoàn tại Ba Lan, Slovakia, Séc, Hungary… kêu gọi quyên góp ủng hộ những người Việt sơ tán. Phong trào quyên góp, ủng hộ diễn ra rộng khắp, được nhiều người hưởng ứng.
Có thể nói trong những ngày vừa qua, người Việt sinh sống tại các nước lân cận Ukraine đã thể hiện tình đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái sâu sắc với những đồng bào mình. Các hội đoàn còn phân công các hội đồng hương theo tỉnh, thành đón tiếp người đồng hương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các bà con ở nơi đất khách quê người. Đây cũng chính là biểu tượng đẹp đẽ về tình đồng hương, tình đồng bào của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu. Những ân tình đó đã làm ấm lòng bà con trong cơn hoạn nạn.
|
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài (giữa) cùng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam đón những công dân Việt Nam đầu tiên trở về từ Ukraine. |
Tôi đã tham gia đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam ra sân bay Nội Bài, Hà Nội để đón bà con trở về trên chuyến bay đầu tiên. Trong giọt nước mắt vỡ oà vì vui mừng, bà con đều bày tỏ xúc động và biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan đại diện Việt Nam, cùng bà con người Việt ở nước ngoài cũng như người dân trong nước dành cho mình trong lúc khó khăn.
Điều đó đã nói lên những ân tình, những nỗ lực chăm lo không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người trong công tác bảo hộ, cứu trợ công dân. Bảo hộ công dân không chỉ là trách nhiệm, là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta mà còn vì ở bất cứ đâu trên trái đất này, đã là người Việt thì luôn sẵn sàng xả thân, hết lòng hết sức vì đồng bào trong cơn hoạn nạn. Nghĩa cử ấy chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, như những bàn tay nắm chặt bàn tay, vững vàng vượt qua gian khó.
Chính vì vậy, với sự chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ trách nhiệm và đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, hội đoàn, việc bảo hộ công dân đang được triển khai tích cực càng khẳng định cho tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam như yêu cầu tại Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
|
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang lắng nghe những ý kiến, chia sẻ của kiều bào trở về từ Ukraine. |
Được biết, sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời liên hệ, trao đổi thông tin với các Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam ở các khu vực lân cận Ukraine. Đến thời điểm hiện tại việc nắm tình hình, động viên tinh thần cộng đồng người Việt tại Ukraine đã và đang được các hội đoàn người Việt triển khai như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
- Ngay sau khi chiến sự xảy ra tại Ukraine, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cho người Việt Nam tại Ukraine sơ tán tới các nước lân cận, đảm bảo sắp xếp ổn định cuộc sống cho bà con trong lúc chờ các chuyến bay sơ tán.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng kịp thời có văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi nắm thông tin về tình hình người Việt Nam của địa phương mình đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ukraine; phối hợp với UBND cùng cấp theo chức năng, nhiệm vụ trong việc bảo hộ công dân và các lợi ích liên quan đến công dân là người địa phương hoặc quê quán ở địa phương mình; nắm tình hình người Việt Nam và thân nhân tại Ukraine về nước trên các chuyến bay sơ tán công dân để phối hợp đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ, tạo các điều kiện thuận lợi cho bà con sớm ổn định cuộc sống.
Hiện Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh có đông kiều bào sinh sống tại Ukraine như Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Tĩnh… đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tại địa phương chủ động rà soát tổng hợp danh sách và các thông tin liên quan công dân của địa phương ở Ukraine; nắm bắt nguyện vọng, cung cấp đầu mối hỗ trợ và hướng dẫn các gia đình có người thân đang sinh sống tại Ukraine chủ động đăng ký nguyện vọng theo đường link do Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cung cấp; đăng tải đường link trên cổng thông tin điện tử; thường xuyên phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận để nắm bắt tình hình, thực hiện bảo hộ công dân địa phương ở nước ngoài.
Mặt trận các địa phương cũng kịp thời nắm thông tin khi có công dân của tỉnh, thành về nước trên các chuyến bay để kịp thời đề xuất biện pháp hỗ trợ, cũng như thông báo cho các gia đình có kế hoạch tiếp nhận người thân về quê thuận lợi nhất, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã có các hoạt động cụ thể như thăm hỏi động viên, tặng quà, hỗ trợ tiền mặt đối với những bà con trở về từ Ukraine. Hiện Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Mặt trận các địa phương tập hợp và nắm số lượng người dân trên địa bàn trở về từ Ukraine. Thông qua việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất với cấp ủy, chính quyền có những giải pháp hỗ trợ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện về công ăn việc làm đối với những người có nhu cầu, bố trí học hành cho các cháu nhỏ theo nguyện vọng của gia đình.
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương, MTTQ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Tuyên Quang, Hải Dương, Nghệ An và nhiều địa phương khác cũng đã phối hợp với chính quyền nắm tình hình người Việt Nam và thân nhân tại Ukraine về nước, đồng thời đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sớm ổn định tại quê nhà.
Trước đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động liên hệ, trao đổi thông tin với các kiều bào là ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam ở các khu vực lân cận Ukraine như ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu; ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga; ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan; bà Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary và Chủ tịch Hội người Việt Nam một số nước tại châu Âu… để nắm tình hình cộng đồng, động viên tinh thần và đề nghị hỗ trợ tích cực công tác sơ tán cộng đồng người Việt tại Ukraine.
Phải nói rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, cộng đồng người Việt, các hội đoàn tại Ukraine và các nước lân cận đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, chủ động, tích cực và có nhiều hoạt động giúp đỡ người Việt Nam từ Ukraine sang lánh nạn. Trong đó, các vị uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là kiều bào tại các nước lân cận đều là những nhân tố tích cực trong cộng đồng, đóng vai trò kết nối, tổ chức, phối hợp với các cơ quan đại diện, các Hội đoàn hỗ trợ bà con sang lánh nạn với tất cả tình cảm và trách nhiệm.
|
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cùng chính quyền địa phương, thăm hỏi và tặng quà động viên gia đình chị Tạ Thị Vân trở về quê hương từ chuyến bay cứu trợ của Chính phủ. |
Thông qua việc nắm thông tin từ các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài và những hội đoàn người Việt, theo ông, đâu là những vấn đề mà bà con kiều bào ở Ukraine đang quan tâm, lo lắng?
- Qua thông tin từ các vị ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là người Việt Nam nước ngoài, và các thành viên của các hội đoàn người Việt thì nguyện vọng tha thiết nhất của bà con lúc này là Nhà nước tiếp tục quan tâm bố trí các chuyến bay để đưa bà con có nhu cầu về nước. Bên cạnh đó, bà con mong muốn được hỗ trợ bảo vệ tài sản bao gồm nhà cửa, hàng hoá ở Ukraine. Do chiến sự xảy ra bất ngờ, bà con phải bỏ lại nhà cửa, tài sản mà mình đã gây dựng để đi lánh nạn. Nhiều người trở về nước với hai bàn tay trắng. Đây là những điều mà bà con đang rất day dứt.
Đặc biệt, bà con cũng mong được tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp các giấy tờ cần thiết để trở về Việt Nam hoặc được hỗ trợ, tư vấn về thủ tục pháp lý phù hợp với quy định của mỗi nước để xin quy chế cư trú trong thời gian chiến tranh hoặc di chuyển sang nước thứ ba.
Từ việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào ở Ukraine, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những phương án hỗ trợ bà con như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
- Trước những khó khăn và nguyện vọng nêu trên của bà con, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục trao đổi, kiến nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ triển khai tốt công tác sơ tán bà con ra khỏi khu vực chiến sự và đưa công dân về nước.
Trong đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết thuận lợi, nhanh chóng nhu cầu cấp phát giấy tờ để bà con có thể về nước hoặc di chuyển tiếp sang các nước khác. Đặc biệt với những bà con đã tạm thời ổn định tại các nước thứ ba thì nguyện vọng lúc này là cần có các giấy tờ để làm thủ tục cư trú, xin việc…
Trong lúc này, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cần tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để có phương án bảo đảm an toàn tài sản cho bà con.
Với trách nhiệm của mình, Mặt trận sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tổ chức thành viên trong nước để vận động nguồn lực cùng với Đảng, Nhà nước hỗ trợ bà con đang còn ở lại Ukraine và bà con đang tạm trú tại các nước lân cận. Ban Thường trực UBMTTQ các tỉnh, thành phố cần tiếp tục bám sát tình hình, nắm thông tin, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con đã trở về nước để phối hợp cùng chính quyền địa phương động viên tinh thần, hỗ trợ, chia sẻ để bà con sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời chăm lo, giúp đỡ hết sức cụ thể, thiết thực đối với những bà con có nguyện vọng ổn định cuộc sống lâu dài ở quê nhà.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Trần Đắc Lợi - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Đối ngoại và Kiều bào, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Hỗ trợ bà con ổn định tâm lý và cuộc sống
Phần lớn người Việt sống tại Ukraine có hoạt động kinh tế. Khi sơ tán khỏi các vùng có xung đột, mọi người đều phải bỏ lại nhà cửa và tài sản tích cóp được qua nhiều năm. Vì vậy, làm sao để bảo đảm cho tài sản được an toàn và có thể tiếp nhận lại nguyên vẹn sau khi tình hình ổn định là mối quan tâm lớn của đông đảo bà con người Việt tại Ukraine.
Nguyện vọng của hầu hết bà con là được trở lại Ukraine để tiếp tục sinh sống, làm ăn và học tập khi hoà bình được lập lại. Đây cũng là nhu cầu rất chính đáng và cần được quan tâm hỗ trợ.
Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần có những biện pháp nhằm hỗ trợ bà con ổn định tâm lý và cuộc sống. Trước hết, chúng ta cần tiếp tục rà soát và nỗ lực để đưa bà con ta đang còn ở các vùng xung đột đi sơ tán đến các vùng an toàn. Đối với những người có nguyện vọng về Việt Nam, Chính phủ cần tiếp tục bố trí các chuyến bay đưa bà con về nước.
Đối với bà con đã về nước, chính quyền và MTTQ các địa phương cần quan tâm thăm hỏi và có biện pháp thiết thực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện về công ăn việc làm đối với những người có nhu cầu, bố trí học hành cho các cháu có nguyện vọng.
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước liên quan cần tiếp tục huy động cộng đồng người Việt tại nước sở tại quan tâm giúp đỡ bà con người Việt đang sơ tán tại nước đó. Đồng thời, chúng ta cần có kế hoạch và biện pháp để sẵn sàng đưa bà con sớm trở về lại Ukraine khi hoà bình được lập lại tại đây.
Ông Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài: Cần mở rộng mạng lưới hội đoàn người Việt tại tất cả các địa bàn
Thực tế cho thấy, các Hội đoàn người Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận đóng vai trò hết sức quan trọng trong suốt quá trình triển khai công tác bảo hộ công dân.
Với một cộng đồng người Việt Nam lên đến 5,3 triệu người, sinh sống, làm việc và học tập tại trên 100 quốc gia, trong đó nhiều nơi tình hình còn nhiều nhân tố bất ổn, việc mở rộng, phủ kín và củng cố mạng lưới Hội đoàn người Việt tại tất cả các địa bàn là vấn đề cấp bách đối với cộng đồng cũng như đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.
Thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao ta, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang ra sức vận động cộng đồng người Việt Nam tại các nước xúc tiến tổ chức các hội đoàn người Việt ở mỗi nước cũng như ở các địa phương.
Với kinh nghiệm thu hút nhiều người lãnh đạo các hội người Việt Nam tại các nước tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận là một kênh rất quan trọng kết nối đồng bào trong nước với các tổ chức người Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam tại các nước. Là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài xin tích cực đóng góp cho sự gắn kết đại đoàn kết dân tộc đó.
Theo HOÀNG YẾN - VŨ MẠNH / Đại đoàn kết