|
Các đại biểu trong trang phục truyền thống đến dự Đại hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đại hội đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010 - 2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030. Đại hội cũng là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào. Đây cũng là dịp ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Nước ta có 53 DTTS với hơn 14 triệu người, gần ba triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây ven biển miền trung, chiếm ba phần tư diện tích cả nước. Trong nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ, thủy lợi, viễn thông đã phát triển đến tuyến huyện và đang chuyển dần về xã, bản. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ.
Các dân tộc trong đất nước ta vốn gắn bó với nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nay lại càng gắn bó, đoàn kết với nhau hơn trong công cuộc xây dựng đất nước. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng vững chắc hơn. Những thành tựu đạt được nêu trên là cơ sở vững chắc góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống, phát triển các dân tộc.
Cùng với những thành quả quan trọng đạt được, hiện nay đồng bào các DTTS vẫn gặp nhiều khó khăn nhất, đó là: Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trình độ giáo dục cao nhất đạt được ở một số dân tộc ở mức rất thấp và tỷ lệ người DTTS không đọc thông, viết thạo tiếng Việt còn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước. Nhà ở, điều kiện sinh hoạt, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào còn rất khó khăn. Vẫn còn những hộ DTTS chưa được dùng điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi hạ tầng kém phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức cũng như việc tiếp thu kiến thức khoa học - công nghệ còn hạn chế, thiếu tư liệu sản xuất; một bộ phận còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức tự vươn lên; phong tục, tập quán lạc hậu còn diễn ra ở một số nơi. Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân tộc chưa đầy đủ, chưa phát huy được nội lực của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Việc phối hợp giữa một số ban, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ.
Để giải quyết thực trạng nêu trên, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành, thông qua nhiều chính sách, quyết định, nghị định, nghị quyết quan trọng để hướng về đồng bào DTTS. Gần đây nhất, ngày 19-6-2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu trọng tâm là đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác dân tộc, từ đó quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đồng bào DTTS được học tập, phát triển hơn nữa về dân trí, văn hóa, chăm sóc sức khỏe; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cần thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS và khắc phục tình trạng không có tổ chức đảng và đảng viên ở các thôn, bản. Các địa phương, bộ, ngành cần khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS, đồng thời có những hoạt động cụ thể, thiết thực, kịp thời hơn nữa để đồng hành với đồng bào trong lao động, sản xuất và cuộc sống.
Quan trọng hơn cả, đồng bào các DTTS trên cả nước cùng chung sức, đồng lòng xây dựng cộng đồng các dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Theo Báo Nhân dân