|
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: TL
|
68 năm đã trôi qua, thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh và sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt Đảng, Chính phủ và toàn thể Nhân dân Việt Nam, Bác đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, với quan điểm: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”! “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”1. Lời kêu gọi của Bác là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, kiên cường của Nhân dân Việt Nam, làm cho cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu với tinh thần đoàn kết thống nhất, ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Người khẳng định: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ vào mùa Hè năm 1954”2.
Còn từ phía bên kia, người trực tiếp đề xuất và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Nava cũng phải thừa nhận: “Về mặt chính trị… sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm ở trong tinh thần dân tộc và cả xã hội. Còn phía chúng ta (chỉ Pháp), trong khi phải “đối diện với một kẻ thù rất thống nhất về chính trị, năng động và quyết tâm đạt đến mục tiêu bằng mọi cách, còn chúng ta lại là một mặt trận không đoàn kết, có những khuynh hướng không rõ rệt và phân hoá, không có quyết tâm hoàn thành”3. Lực lượng thực dân Pháp bị tan vỡ. “Chúng phải nhận đình chiến. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình ở Đông Dương được lập lại trên nền tảng công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các dân tộc Đông Dương”4. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của khối đại đoàn kết, các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ý Đảng, lòng Dân đã kết thành một khối thống nhất để làm nên thắng lợi, tiếp nối truyền thống chống giặc ngoại xâm huy hoàng của dân tộc ta, thì truyền thống đó rất cần được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, việc động viên, tổ chức và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có thuận lợi hơn vì khi đó mâu thuẫn dân tộc nổi lên hàng đầu, vấn đề bạn - thù, địch - ta phân biệt rõ ràng; mọi giai tầng trong xã hội đều có mục tiêu chung là khát vòng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc, tự do của Nhân dân. Mâu thuẫn giai cấp ở nước ta khi đó tuy có tồn tại nhưng không gay gắt, một mất một còn như ở nhiều nước khác... Mọi thành phần dân tộc, mọi người dân đều gác lại những bất đồng chính kiến để cùng nhau xả thân vì nghĩa lớn “dân tộc trên hết”! “Tổ quốc trên hết”.
Trong giai đoạn cách mạng mới, Ðảng ta tiếp tục khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy, đổi mới, sáng tạo, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững5.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta yêu cầu: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”6. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, ý chí, quyết tâm và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; “đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”7.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, và chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Do đó, một trong những nhiệm vụ bao trùm, quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp là tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đã được thể hiện rõ trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, khó dự báo; cơ hội và thách thức, đối tượng và đối tác đan xen; trong khi đó các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta thông qua “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, đòi hỏi chúng ta càng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Coi trọng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”8. Đồng thời “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”9. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội. Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, toàn xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt tận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới
Đây là vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp quan trọng mang tính chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân. Tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, bồi đắp niềm tin, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Lịch sử đã chứng minh, sự đoàn kết và kỷ luật là cội nguồn sức mạnh của Đảng và là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, từng tổ chức Đảng và từng đảng viên phải chủ động ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Qua đó, tập hợp lực lượng, tạo xung lực chính trị và tinh thần, phát huy trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải xây dựng niềm tin, niềm tự hào và ý chí khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, vươn lên, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững. Biến quyết tâm thành hành động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng; thực thi pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng, vùng bị thiên tai dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp thực tiễn đất nước và thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và mở rộng hội nhập quốc tế.
Phát huy tinh thần sáng tạo, sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Mặt trận Tổ quốc cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cấp chính quyền động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để Nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động; phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.
Chú trọng phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; tạo mọi điều kiện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của cựu chiến binh, cán bộ công an hưu trí trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình.
Đổi mới, nâng cao trách nhiệm, chất lượng của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội
Đây vừa là giải pháp vừa là yêu cầu đổi mới, nâng cao trách nhiệm, chất lượng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan với hoạt động của Mặt trận. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và các tổ chức thành viên.
Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022), phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chung sức, đồng lòng, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 4, tr.534.
2,4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 12, tr.410.
3. Theo Lê Kim, Tướng Nava với trận Điện Biên, Nxb. Quân đội nhân dân, H.1994, tr.17, 18, 20.
5,6,7,8,9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.110; 34; 109; 157
Bế Xuân Trường
Thượng tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng