Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tọa đàm "Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc vận động, đoàn kết các tôn giáo hiện nay” là một trong những nội dung phục vụ cho việc xây dựng đề án của Bộ Chính trị về "Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay", được UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ban ngành Trung ương triển khai xây dựng.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc vận động đoàn kết các tôn giáo hiện nay, như: MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo; MTTQ Việt Nam vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; MTTQ Việt Nam với việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo...
Các đại biểu cũng tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được trong công tác tôn giáo của MTTQ Việt Nam thời gian qua. Trên nhiều lĩnh vực và đối với nhiều tôn giáo, Mặt trận luôn thể hiện vai trò cầu nối giữa tôn giáo với Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân; góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào các tôn giáo, tăng cường vận động, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Mặt trận nên tăng cường đối thoại, qua đó nắm bắt tình cảm, nguyện vọng của giáo dân và sau khi Luật Tôn giáo có hiệu lực đầu năm 2018, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành; cần phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, từ thiện nhân đạo...
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao và tiếp thu những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự Tòa đàm. Đồng chí cũng nhấn mạnh, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác tôn giáo và khắc phục những hạn chế như: Việc tham gia nghiên cứu, phát triển lý luận về tôn giáo, công tác tôn giáo, việc đề xuất và tham gia cùng các cơ quan chức năng nhà nước trong việc thể chế hoá các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước còn chậm; việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước, sống "tốt đời, đẹp đạo" có mặt còn hạn chế và chưa kịp thời; Mặt trận còn ít tiếp xúc, đối thoại với các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành để góp phần tăng cường hiểu biết pháp luật, giải tỏa bức xúc và tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết xã hội... Với chức năng đặc biệt của mình, Mặt trận được xem là diễn đàn rộng rãi để giữa các tôn giáo và giữa Nhà nước với các tôn giáo cùng đối thoại. Đây là điều kiện thuận lợi để thực thi các chính sách về tôn giáo, một trong những vấn đề trọng tâm trong chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay tại Việt Nam.
Phương Hà - Ảnh Hà Xuyên