|
Cử tri của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông của tỉnh Nghệ An đã đi bầu cử sớm |
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, người có uy tín đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm qua, Tỉnh uỷ và Ủy ban nhân dân tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ những người có uy tín. Ngày 25/11/2021, tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số lần thứ III. Trong Hội nghị này, có 190 cá nhân tiêu biểu được mời tham dự trên tổng số 3.718 lượt người.
Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá rất cao và hết sức coi trọng, đề cao vai trò đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình lãnh đạo, tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Cụ thể hóa đường lối của Đảng ta về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành một số nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị, quyết định, như: Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ quy định Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 7/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ngày 31/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2561/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Đề án này đã trình bày những nội dung quan trọng về tiêu chí xác định, nguyên tắc lựa chọn và trách nhiệm của người có uy tín, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cho các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện. Ngày 6/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết định này quy định khá cụ thể về tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn, chế độ chính sách, thủ tục công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín và kinh phí thực hiện. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc lựa chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách đối với họ.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ngày 31/12/2016, ngày 9/6/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch số 324/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 2561 của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Khi Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, ngày 29/3/2018, Uỷ ban Dân tộc ban hành Công văn 285/UBDT-DTTS Về việc triển khai Quyết định số 12/2018 - TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban, ngành có liên quan, các huyện, thị xã tham mưu thực hiện theo quy định.
Từ năm 2019 đến năm 2021, số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được bầu chọn là 3.718 lượt người. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để có kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho Ban Dân tộc của tỉnh tham mưu thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín giai đoạn 2019 - 2021 là 17,326 tỷ đồng. Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức được 30 lớp phổ biến, cung cấp thông tin đối với 1.676 lượt người với các chuyên đề, như: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình xoá đói giảm nghèo; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Tăng cường vai trò của người có uy tín trong khối đại đoàn kết dân tộc; Vấn đề giám sát, phản biện xã hội, hoà giải và giải quyết những yêu cầu bức thiết trong Nhân dân; vấn đề giữ vững trật tự xã hội, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh vùng biên giới…
Với mục đích học tập kinh nghiệm của các địa phương khác, Ban Dân tộc đã tham mưu lựa chọn 122 người có uy tín tiêu biểu xuất sắc, tổ chức 3 đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về các mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền, đoàn thể ở các địa phương đã chú trọng tổ chức thăm hỏi nhân dịp Tết nguyên đán và Tết các dân tộc, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình người có uy tín gặp khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, định kỳ 2 năm/lần, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số cấp tỉnh. Lần thứ nhất đã biểu dương khen thưởng 154 cá nhân tiêu biểu; năm 2019 đã biểu dương 200 cá nhân tiêu biểu và năm 2021 biểu dương 190 người có thành tích xuất sắc. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn tổ chức gặp mặt, tặng quà nhiều lượt người. Chính những sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể đã tạo thêm động lực hoạt động cho người có uy tín, nỗ lực phát huy vai trò trên nhiều lĩnh vực.
Trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người có uy tín thực hiện rất hiệu quả vì đồng bào dân tộc thiểu số thường nghe theo họ. Vấn đề khó bao nhiêu nhưng người có uy tín tham gia vận động thì đa số người dân nghe theo. Nhiều chủ trương, chính sách và các nhiệm vụ khác ở địa phương, như: xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình, bản làng văn hoá… đã được người có uy tín tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Họ không chỉ tuyên truyền bằng lời nói mà còn bằng những việc làm trực tiếp nên đưa lại hiệu quả cao. Không chỉ tiên phong trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những người có uy tín còn đi đầu trong xóa đói, giảm nghèo với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng thành công nhiều mô hình như: Phát triển du lịch cộng đồng; trồng dứa, trồng gừng, khoai dong riềng, mận tam hoa hiệu quả... Nhờ vậy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An giảm 3 - 4%/năm.
Ông Lý Nọ Pó, 59 tuổi, người dân tộc Mông ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Với vai trò là người có uy tín được dân bản tín nhiệm bầu lên, ông đã phối hợp cùng Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể trong bản tổ chức tuyên truyền, vận động bà con bỏ trồng cây thuốc phiện, không di dịch cư tự do để ổn định cuộc sống, không đốt rừng làm rẫy, không sử dụng, vận chuyển, buôn bán ma tuý, không để con em bỏ học. Để vận động, thuyết phục có hiệu quả, bản thân ông và gia đình đã luôn nỗ lực cố gắng trong thực hiện mọi chủ trương, chính sách và những quy định khác ở địa phương. Ông coi trọng việc giáo dục con em trong dòng tộc thực hiện tốt mọi quy ước trong bản cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. Đến nay, Nhân dân bản Na Niếng đã ổn định chỗ ở. Bản cũng đã nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất mới, như: mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, khai hoang ruộng nước, tập trung trồng và chăm sóc những loại cây đưa lại hiệu quả kinh tế cao, như: cây đào, chanh leo, khoai sọ, bí đỏ, bí xanh, măng đắng... Các mô hình kinh tế này đã mang lại thu nhập cho nhiều gia đình, giúp người dân trong bản dần ổn định cuộc sống, xoá được đói nghèo.
Người có uy tín ở bản đã tích cực vận động Nhân dân tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể, thực hiện tốt quy chế tự quản và các quy ước đã được xây dựng. Nhiều người có uy tín đã tham gia trong Ban Chấp hành các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Ban Công tác Mặt trận... Có những người có uy tín tuy đã cao tuổi nhưng không quản ngại khó khăn, luôn tích cực đi đầu trong mọi phong trào thi đua, mọi cuộc vận động như xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng bản làng văn hoá, đấu tranh xoá bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Người có uy tín luôn sống gần gũi, hoà đồng với người dân trong bản nên nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tâm tư tình cảm, nguyện vọng mong muốn của Nhân dân. Họ cũng nhận thức khá rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã trực tiếp phản ánh nhiều ý kiến xác đáng và đóng góp nhiều kiến nghị bổ ích, thiết thực. Những hoạt động của họ đã góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được ban hành và thực hiện đến nay đã hơn 10 năm và đã mang lại hiệu quả cao. Từ khi có chủ trương, chính sách về người có uy tín, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các bản làng càng sôi động, hiệu quả hơn. Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là những tấm gương tiêu biểu trong lĩnh vực này. Từ việc tìm ra cách làm kinh tế mới để ổn định cuộc sống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế trang trại, áp dụng mô hình du lịch cộng đồng họ đều không ngại khó khăn, thất bại, gương mẫu đi đầu rồi hướng dẫn Nhân dân làm theo. Từ một nhà thực hiện rồi cứ thế lan toả ra cả bản thi đua nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống. Những việc làm đó đã góp phần đưa mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngày càng gần đích, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân trong bản ngày càng được nâng cao. Về các bản làng miền núi xa xôi sẽ được gặp nhiều hơn những khuôn mặt tươi vui, hứa hẹn tương lai tốt đẹp. Nhiều địa phương đã có những mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cam với giá trị và năng suất cao ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông; phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu; trồng gừng, cây dong riềng, mận tam hoa ở Kỳ Sơn, trồng dứa ở Nghĩa Đàn, nuôi bò lai Sind, cá, gà đen, nhím, ba ba ở nhiều huyện đều có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ người có uy tín.
Để xây dựng nông thôn mới sớm đạt mục tiêu, người có uy tín đã tích cực vận động Nhân dân trong bản hiến đất, cây, hoa màu, ngày công để mở rộng đường xá, vận động Nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng các con đường xanh, sạch, đẹp. Họ sẵn sàng đi đầu trong mọi phong trào để khuyến khích người dân cùng tiếp bước. Tính đến 31/12/2020, trên địa bàn dân tộc, miền núi vùng Tây Nghệ An có 570 thôn, bản, 121/252 xã và 1 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở vùng biên giới, người có uy tín thường được Nhân dân cử làm tổ trưởng tổ hoà giải. Tuy đồng bào dân tộc thiểu số sống hiền lành, chân thật, tốt bụng nhưng cuộc sống thường ngày cũng khó tránh khỏi những va chạm vì những nguyên nhân tưởng như đơn giản giữa các gia đình, giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái, giữa các anh chị em, giữa người dân với chính quyền, nếu không kịp thời giải quyết có thể gây nên mâu thuẫn, bất hoà không đáng có. Người có uy tín cùng tổ hoà giải đã kiên trì gặp gỡ đôi bên, chân tình nói lời hơn lẽ thiệt, thuyết phục các bên bỏ qua sự bất đồng để chung sống hoà thuận, góp phần xây dựng bản làng văn minh, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Họ còn gặp gỡ những gia đình có con em sử dụng ma tuý để vận động thuyết phục đi cai nghiện, xây dựng cuộc đời mới. Họ cũng tích cực vận động người dân tố giác tội phạm, không tự do di cư sang Lào, không trồng cây thuốc phiện. Đặc biệt, ở các bản làng dọc biên giới với quốc gia Lào, người có uy tín phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể để tạo nên sự giao lưu văn hoá, hội chợ, kết nối hoà bình với các dân tộc thiểu số của nước bạn.
Người có uy tín tham gia công tác giám sát trong việc xây dựng các công trình dân sinh một phần vốn do Nhân dân đóng góp, như: xây nhà văn hoá, hệ thống nước sạch, đường làng ngõ xóm. Họ thường được người dân bầu vào Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát mọi hoạt động của cán bộ chính quyền, đoàn thể, cán bộ bản, đảng viên trong bản làng và các hoạt động khác. Người có uy tín còn tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình ban hành các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Dựa trên cơ sở nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào trong dân tộc mình nên đã có nhiều ý kiến xác đáng, góp phần làm cho chính sách ban hành phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc.
Với những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An, đội ngũ người có uy tín xứng đáng là một lực lượng quần chúng đặc biệt mà Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cùng các ban, ngành có liên quan trong thời gian tới cần có những giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ người có uy tín.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo Tuyên dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019 - 2021, tại Hội nghị tuyên dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ III, thành phố Vinh, ngày 25/11/2021.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994, Về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
Nguyễn Thị Lan
TS, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An