|
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu tỉnh Ninh Thuận tại Hà Nội, tháng 10/2023
|
Tỉnh Ninh Thuận có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 39.326 hộ/173.765 khẩu chiếm 23,71% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các DTTS tỉnh Ninh Thuận có truyền thống đoàn kết, yêu nước, có bản sắc văn hóa, tiếng nói riêng của mỗi dân tộc. Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến người có uy tín trong đồng bào DTTS được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ thăm hỏi, động viên và tặng quà nhân dịp lễ Tết. Người có uy tín là những người am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Trong tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm và tranh thủ người có uy tín để cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho người có uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương; kết quả đã làm chuyển biến nhận thức đời sống của đồng bào DTTS trong sản xuất, kinh doanh, công tác xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, định hướng cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo. Người uy tín đã tích cực phối hợp, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất; vận động đồng bào dân tộc ở các thôn tích cực trong sản xuất. Điển hình có nhiều gia đình người có uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những cho gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo làm giàu.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để Nhân dân tham gia đóng góp vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và cùng chính quyền địa phương vận động, tổ chức thực hiện; trong đó ý kiến người uy tín được quan tâm và đề cao vai trò tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện. Người có uy tín đã tích cực tham gia và vận động Nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền ở cơ sở như thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng các quy ước, hương ước thôn, làng. Bên cạnh đó, người có uy tín vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, đoàn kết tôn trọng giúp đỡ nhau, kết quả tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.
Người uy tín đã tích cực tham gia, vận động người dân trên địa bàn xây dựng, triển khai nhiều mô hình thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, như mô hình: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng, khu vực biên giới”, “Quản lý, giáo dục con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “Tự quản trong dòng họ”, “Đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái pháp luật”, “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc”... Các tổ hoà giải, tự quản thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự tại các thôn, làng tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Năm 2023, đại biểu là người có uy tín của tỉnh tỉnh Ninh Thuận có 124 người, trong đó dân tộc Chăm 35 người, dân tộc Raglai 83 người, dân tộc Churu 01 người, dân tộc Nùng 02 người và dân tộc K’ho 03 người. Đại biểu người có uy tín đi học tập kinh nghiệm năm 2023 có 22 người (18 nam; 04 nữ), trong đó: huyện Bác Ái: 06 đại biểu; huyện Ninh Sơn: 04 đại biểu; huyện Thuận Bắc: 04 đại biểu; huyện Ninh Hải: 01 đại biểu; huyện Ninh Phước: 05 đại biểu; huyện Thuận Nam: 02 đại biểu; trong đó dân tộc Chăm 08 người, dân tộc Raglai 13 người; dân tộc K’h 01 người; đại biểu lớn tuổi nhất 77 tuổi; đại biểu nhỏ tuổi nhất 30 tuổi.
Để tiếp tục phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên động viên, khích lệ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa bàn dân cư; kịp thời biểu dương, khen thưởng khi người có uy tín có thành tích xuất sắc;Phân công nhiệm vụ hàng quý, 6 tháng, 1 năm cần tổ chức họp mặt gặp gỡ và bố trí công việc cho người có uy tín tham gia công tác cùng chính quyền, địa phương, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội ở địa phương nhằm phát huy vai trò, vị trí cao độ của người có uy tín trong khu vực; Quan tâm bố trí đầy đủ và kịp thời kinh phí thực hiện chính sách hàng năm cho việc thực hiện chính sách phát huy vai trò người có uy tín...
Cao Thị Ngọc Thủy