Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó: đồng bào dân tộc thiểu số gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, nhờ được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những tiến bộ vượt bậc về cơ sở hạ tầng, về năng lực tiếp cận các dịch vụ xã hội, về thu nhập, sản xuất và đời sống…
Toàn vùng có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia và 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã và 77% số thôn, bản ấp có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỷ lệ nghèo trong vùng giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 41,65% xuống 25,05%.
|
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị lần thứ 13 (Khóa XII). |
Tuy nhiên, đây vẫn là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nghèo, dễ bị tổn thương, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn khá phổ biến.
Năm 2022, tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ chung của tỉnh (10,44%). Sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; chưa xây dựng được các chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả; chất lượng môi trường thiên nhiên có xu hướng giảm đi kèm với quá trình biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững. Khả năng phát triển bằng nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; một số tập quán văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị xói mòn và một số tệ nạn mới, nhất là ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.
Trong bối cảnh có nhiều thách thức với mục tiêu phát triển bền vững, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng được đón nhận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh Quảng Trị nhận thức rõ rằng, đây là một chương trình lớn của quốc gia, là động lực quan trọng để vừa khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết những vấn đề cả về cấp bách lẫn lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững của vùng miền núi.
Sau khi được phân bổ vốn, trên cơ sở bám sát các Nghị định của Chính phủ, Thông tư và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động và khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
+ Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 2 Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn cho các đơn vị, địa phương và quy định về cơ chế huy động, lồng ghép vốn trong thực hiện Chương trình.
+ Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện đã ban hành các Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 và Quyết định phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
+ Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025.
+ Ban hành 2 Quyết định thành lập, kiện toàn đội ngũ chỉ đạo, quản lý, thực thi Chương trình từ cấp tỉnh đến địa phương.
+ Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung cụ thể trong Chương trình.
Tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung về cơ chế, chính sách, nguồn lực và con người để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, khác với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần đầu tiên được triển khai thực hiện; có nhiều nội dung như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình... Việc triển khai còn nhiều khó khăn, lúng túng, đòi hỏi sự tham gia và sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Chương trình.
Để tổ chức tốt việc triển khai giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
|
Được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tuyến đường liên bản Ka Tăng - Khe Đá, tỉnh Quảng Trị được đổ bê tông hoàn thiện đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyễn Phong
|
Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc chủ trì, cần phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát lại các quy định, hướng dẫn Chương trình hiện hành để hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn đầy đủ, thống nhất và rõ ràng, chi tiết; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai cụ thể cho các địa phương để đảm bảo hệ thống chỉ đạo, điều hành của Chương trình hoạt động thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội dung các văn bản triển khai thực hiện Chương trình; nắm chắc việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư ở địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai; cần lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện chương trình.
Thứ ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp căn cứ các văn bản chỉ đạo, định hướng, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng và điều kiện thực tế tại các địa phương, trong đó chú trọng phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc triển khai thực hiện các dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn; điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo… Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia giám sát đối với việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ vay vốn, chính sách tái định cư…
Thứ tư, việc phát triển toàn diện và bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là yêu cầu quan trọng, vừa cấp bách vừa mang tính lâu dài. Mặc dù Chương trình đã bao quát nhiều nội dung hỗ trợ cho cộng đồng, vẫn còn một số vấn đề khác đặt ra trong quá trình thực tiễn phát triển của địa phương cần có sự hỗ trợ thêm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác kêu gọi hỗ trợ thiên tai, bão lũ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội...
Hà Sỹ Đồng - Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.