|
Lễ hội “Mợi” của đồng bào dân tộc Mường được tổ chức vào dịp đầu Xuân với mong ước mùa màng bội thu. (Ảnh minh họa)
|
Phục dựng lễ hội kết hợp quản lý chặt chẽ
Sơn La có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, nơi cư trú lâu đời của 12 dân tộc anh em. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La không chỉ hình thành văn hóa truyền thống đặc sắc, mà còn có cả một hệ thống tri thức dân gian đồ sộ, vô cùng phong phú và đa dạng. Đó chính là những kiến thức, kinh nghiệm được đúc kết qua hàng nghìn năm lao động, sản xuất mang giá trị thực tiễn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc.
Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng cường, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Nhiều lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc được sưu tầm, phục dựng và tổ chức biểu diễn thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và du khách. Trong tổ chức các Lễ hội, kết hợp tổ chức nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn nghệ càng làm tăng thêm sự phong phú của kho tàng văn học dân gian của dân tộc. Việc sưu tầm, khai thác và tổ chức lễ hội dân gian truyền thống của tỉnh Sơn La càng làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của người dân, đồng thời thu hút phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Thực hiện chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã phục dựng 17 lễ hội văn hóa điển hình cho phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nổi bật là huyện Yên Châu có các lễ hội “Cầu mùa” của dân tộc Khơ Mú; “Cầu mưa” của dân tộc Thái và “Ksai sà típ” của dân tộc Sinh Mun. Huyện Mộc Châu với lễ hội “Hoa ban”, “Hết Chá” hay còn gọi là “Chá nó” của dân tộc Thái, “Lập tịnh” của dân tộc Dao và “Gầu tào” của dân tộc Mông. Huyện Thuận Châu với lễ hội “Xên lẩu nó” và “Hạn khuống” của dân tộc Thái. Huyện Quỳnh Nhai có lễ hội “Gội đầu” và “Kin Pang Then”, của dân tộc Thái trắng; Lễ hội “đua thuyền”. Huyện Phù Yên có lễ hội “Xíp xí” của dân tộc Thái trắng và “Mợi” của dân tộc Mường. Mai Sơn có lễ hội “Tê cung” dân tộc Khơ Mú. Mường La có lễ hội “Páng a nụ bản” của dân tộc La Ha. Sông Mã có lễ hội “Xên bản xên mường” của dân tộc Thái và Thành phố với lễ hội “Xên mường” dân tộc Thái đen. Các loại hình văn hóa truyền thống được bảo tồn trong không gian văn hóa phù hợp. Gắn việc bảo tồn với việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có sự gắn kết giữa các cấp chính quyền với người dân địa phương, đặc biệt được gắn với phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua việc đưa các quy định bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống vào quy ước, hương ước để mọi người dân cùng thực hiện.
Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc, song thực tế hiện nay, một số lễ hội dần bị mai một, thất truyền. Các nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm và hiểu biết đang dần ít đi... Bên cạnh đó, một nguy cơ nữa mà văn hóa truyền thống đang phải đối diện đó là sự xâm lấn bởi văn hoá ngoại lai, dẫn đến hình thức, nội dung của nhiều lễ hội lộ ra tính chất thương mại hóa, không còn giữ nguyên được giá trị vốn có. Do vậy, vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa, kích thích, khơi nguồn văn hóa dân gian, phát huy tính chủ động, tính cộng đồng của các dân tộc, người dân phải là chủ thể, người dân được khơi nguồn sẽ chủ động, tự giác tham gia gìn giữ, phát huy di sản văn hóa.
Lễ hội “Hoa Ban” (Mộc Châu) là một trong những lễ hội quan trọng của người dân tộc Thái, được tổ chức vào dịp tháng 3 hàng năm. (Ảnh minh họa)
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện”; đồng thời “lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 335-KL/TU ngày 26/7/2021 về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.
Tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển văn hóa Sơn La, đặc biệt là lồng ghép các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển hoạt động văn hóa như: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025...
Để phát triển văn hóa tỉnh Sơn La, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của kinh tế số để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc. Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương.
Đỗ Thụy