Quy định trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi tham gia bảo vệ và phát triển rừng ở Cao Bằng

(Mặt trận) - Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng và chính sách trợ cấp lương thực cho đồng bào nghèo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, ngày 7/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND quy định trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thuộc Tiểu dự án 1, dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 trên địa bàn (Chương trình).

Trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng (Ảnh minh họa)

Căn cứ Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình, tỉnh Cao Bằng quy định mức trợ cấp và hình thức trợ cấp gạo cho người dân nghèo tham gia công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh như sau:

Đối tượng nhận trợ cấp là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực, được xác định như chuẩn hộ nghèo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Mức trợ cấp là 15 kg gạo/khẩu/tháng. Loại gạo cấp là gạo tẻ thường, không bị sâu mọt, ẩm mốc. Số khẩu của hộ gia đình được hỗ trợ là số khẩu thực tế có mặt sinh sống tại hộ gia đình ở thời điểm được trợ cấp gạo và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, với diện tích tối thiểu từ 0,3 ha trở lên.

Việc trợ cấp được thực hiện thông qua hình thức trợ cấp bằng tiền quy đổi tương ứng với giá trị số lượng gạo được trợ cấp tại thời điểm trợ cấp. Giá gạo tính theo báo cáo giá cả thị trường của Sở Tài chính tại thời điểm trợ cấp. Thời gian trợ cấp gạo là 03 tháng trong 01 năm. Mỗi năm thực hiện trợ cấp 01 lần trong khoảng thời gian tối đa không quá 7 năm.

Để việc tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động và phổ biến chính sách của Nhà nước về trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Hàng năm, xây dựng kế hoạch thực hiện Tiểu Dự án 1 theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chí và tiến độ theo quy định. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã  thống kê hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực theo quy định; lập dự án trợ cấp gạo trình UBND huyện phê duyệt.

Ủy ban nhân dân các xã thống kê và xác nhận hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực được hỗ trợ gạo bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý; xây dựng dự án trợ cấp gạo theo kế hoạch. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin khi xác nhận các hồ sơ liên quan đến hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực được hỗ trợ gạo bảo vệ và phát triển rừng. Công khai danh sách các hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực được trợ cấp gạo.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 8 năm 2023.

Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều