Sơn La chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn giữ vị trí quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong hoạt động của Đảng và Nhà nước ta ở tất cả các cấp, các địa phương. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) là chủ trương lớn được các tỉnh, thành trong cả nước tích cực thực hiện. Là tỉnh miền núi với 84% người dân là đồng bào DTTS, những năm qua, Sơn La đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tăng cường đoàn kết và đồng thuận giữa các dân tộc.

Sơn La chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS

Sơn La là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, trong đó, người Kinh chiếm 18% tổng số dân, 54% dân số tỉnh là người Thái, và các dân tộc khác như H’Mông, La Ha, Mường, Dao… Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 19.570 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS, chiếm 53,3% tổng số CBCCVC toàn tỉnh. Tỷ lệ CBCC là người DTTS ở cấp tỉnh chiếm 20%, cấp huyện 40% và cấp xã là 86%. Thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Từ đó, rà soát, lựa chọn, cử cán bộ người DTTS tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, chuyên môn, các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ theo vị trí việc làm... Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã mở trên 650 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 40.240 lượt CBCCVC là người DTTS. Với nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ DTTS phát triển nhanh về số lượng, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện nay, đội ngũ cán bộ người DTTS trong tỉnh đã tăng lên về số lượng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; trình độ năng lực, nhất là lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, cơ cấu cán bộ DTTS không đều; tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ thấp; năng lực quản lý, tính nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở còn hạn chế; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền; nữ DTTS lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, ngành còn khiêm tốn.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo nghiên cứu thống nhất ban hành Đề án “Xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý đến năm 2030”. Đối tượng của Đề án: gồm cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ), bao gồm: Cán bộ trẻ (tuổi đời không quá 35 tuổi tính đến hết tháng 12 của năm tuyển chọn); Cán bộ nữ, cán bộ người DTTS (tuổi đời không quá 45 tuổi tính đến hết tháng 12 của năm tuyển chọn) được tuyển chọn từ các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đề án đã xây dựng hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn, ưu tiên phù hợp đối với từng đối tượng, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ đào tạo, không vi phạm tiêu chuẩn về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định thì mỗi đối tượng đều có các tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục tiêu của Đề án. Nội dung của Đề án tập trung vào việc xây dựng, tạo nguồn cán bộ, đặc biệt là cán bộ người DTTS xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong tình hình mới và được thực hiện trên nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; góp phần thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. 

Tháng 5 vừa qua, Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức kỳ thi tuyển chọn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Kỳ thi đã thu hút đc 167 thí sinh, chia thành 3 nhóm gồm: Cán bộ trẻ; Cán bộ nữ và Cán bộ người DTTS. Tiếp đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La đã chọn được 20 đồng chí cán bộ là người DTTS. Mặc dù, đây là năm đầu tiên tỉnh Sơn La thực hiện kỳ thi tuyển chọn cán bộ nhưng đã lựa chọn được những ứng viên tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, có triển vọng phát triển để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, đưa vào nguồn quy hoạch phục vụ công tác cán bộ của tỉnh.

 

Giáo viên và học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh Sơn La

Bên cạnh Đề án này, tỉnh Sơn La còn tích cực thực hiện Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, tỉnh tập trung vào tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, chính sách dân tộc cho đội ngũ CBCCVC làm công tác dân tộc, đặc biệt là cán bộ là đồng bào DTTS.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-UBND về việc tổ chức các lớp bồi dưỡng đào tạo nâng cao cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, chính sách dân tộc cho đội ngũ CBCCVC làm công tác dân tộc; Bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ CBCCVC vùng đồng bào DTTS và miền núi; nắm bắt phong tục tập quán từng dân tộc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng…

Chương trình bối dưỡng kiến thức dân tộc được tổ chức cho nhóm 4 ở cấp huyện, xã tiếp xúc làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS: Tài liệu bồi dưỡng: Gồm 06 chuyên đề do Ủy ban Dân tộc biên soạn và ban hành; Giảng viên, báo cáo viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh hiểu biết về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, văn hóa dân tộc đã tham gia lớp bồi dưỡng giảng viên do Học viện Dân tộc tổ chức. Giảng viên các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành giảng dạy.

Thu Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều