|
Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN |
Thực tế đặt ra yêu cầu công tác phòng, chống dịch trong cả nước phải nâng lên mức cao nhất. Trước tình hình ấy, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngày 30/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài chung sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Có thể nói, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh vào đầu năm 2020, nước ta đã có những cách làm bài bản, khống chế thành công các đợt dịch bùng phát, được thế giới ghi nhận là một quốc gia an toàn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ðó là vì Ðảng, Nhà nước đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội. Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước đã có rất nhiều cuộc họp cho ý kiến về nhiệm vụ phòng, chống dịch; Thường trực Ban Bí thư có sáu công điện chỉ đạo… Nhờ đó, nhiều chính sách đã được ban hành kịp thời để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch được tăng cường từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của toàn xã hội vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra chủ trương mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân dân. Việc mua, sử dụng vắc-xin được tiến hành khẩn cấp, áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật và tổ chức tiêm phòng nhanh, an toàn. Ðồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2… Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, các địa phương, nhất là các ngành y tế, quân đội, công an đã chủ động, nhạy bén, nỗ lực hết sức với nhiều biện pháp kịp thời, sáng tạo, hiệu quả, kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh. Toàn dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, chấp hành thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch do Chính phủ chỉ đạo và các quy định của địa phương, khắc phục những khó khăn trước mắt, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống trong trạng thái bình thường mới…
Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát lần thứ tư diễn ra từ đầu tháng 5 đến nay có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước tới nay với diễn biến rất khó lường ở nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đe dọa đời sống, sức khỏe của nhân dân. Gần nửa tháng qua, 19 tỉnh, thành phố phía nam áp dụng Chỉ thị 16 kết hợp với nhiều biện pháp tăng cường, nhưng số ca nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng; nhất là tại TP Hồ Chí Minh, dịch lây lan rất rộng và sâu. Nhiều giải pháp mới đã được triển khai, nhưng để kiểm soát tình hình, thời gian sẽ lâu hơn dự kiến, có thể kéo dài hằng tháng. Yêu cầu đặt ra là phải chăm lo cho sức khỏe của nhân dân là trên hết, hạn chế đến mức thấp nhất số người chết, giảm bệnh nhân có diễn biến nặng, không để dịch lây lan rộng các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Mới đây, Thường trực Ban Bí thư có công điện nêu rõ, trong tình hình cấp bách hiện nay, yêu cầu toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận của Bộ Chính trị, ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội tán thành để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện một số giải pháp cấp bách để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Hơn lúc nào hết, vai trò lãnh đạo của Ðảng cần phải được hiện diện rõ nét trong thực tiễn đời sống thông qua hoạt động của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu và các đảng viên. Ðó là tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, là phong cách nêu gương để tập hợp lực lượng, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp theo phương châm "bốn tại chỗ" sao cho phù hợp, bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân hay hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu phải bảo đảm tính đồng bộ mà linh hoạt và sáng tạo để người dân có thể tiếp nhận được kịp thời, hạn chế những khó khăn trong sinh hoạt. Thực tế cho thấy, tùy vào đặc điểm địa bàn, tình hình dân cư, công tác tổ chức phòng, chống dịch và các hoạt động liên quan ở mỗi nơi đều rất khác nhau, đòi hỏi người lãnh đạo, chỉ huy tại chỗ phải nắm chắc tình hình, dự báo được tình hình, chủ động ứng phó nhanh và sáng tạo trên cơ sở các quy định, nguyên tắc; không được để bị động, bất ngờ trước diễn biến mới; không trông chờ cấp trên chỉ đạo vì việc lây nhiễm diễn ra rất nhanh với biến chủng Delta. Lãnh đạo chính quyền các địa phương cần tập trung cao nhất công sức, thời gian và ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Từng người dân cần thấy rằng phòng, chống dịch không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền, của các lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm của chính bản thân. Mỗi gia đình, mỗi ngõ phố, mỗi cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp phải thực sự là "pháo đài" phòng, chống dịch bệnh.
Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cố gắng khắc phục khó khăn, thiếu thốn, hướng tới mục tiêu chung. Trên khắp cả nước, tinh thần xung phong, tình nguyện, sự đoàn kết, tấm lòng tương thân, tương ái được phát huy cao độ, góp phần củng cố niềm tin và sức mạnh trong cuộc chiến cam go này. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Ðảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng" thêm một lần hiệu triệu toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khó khăn, gian khổ nào cũng vượt qua, quyết tâm chiến thắng cho bằng được dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đưa đất nước tiến lên trên con đường đổi mới.
Theo Báo Nhân dân