Ứng dụng công nghệ số trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Hiện nay, tại tỉnh Tuyên Quang đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng các phần mềm ứng dụng, sàn giao dịch thương mại điện tử... các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có nhiều cơ hội để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
Các hợp tác xã hoạt động theo mô hình mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, tiêu biểu là mô hình liên kết chuỗi sản xuất gạo sạch đặc sản hữu cơ Tân Trào; chè hữu cơ Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương); Hợp tác xã chè 168, Hợp tác xã chè Làng Bát (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên); Hợp tác xã chè đặc sản hữu cơ Ngọc Thúy (phường Phú Lâm, thành phố Tuyên Quang); Hợp tác xã chè Shan Tuyết Hồng Thái (huyện Na Hang); Hợp tác xã sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh (huyện Hàm Yên)... Những mô hình liên kết này đã ngày càng phát huy hiệu quả bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất.
Hợp tác xã rau quả an toàn Đức Ninh (xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên) là một trong những hợp tác xã đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Hiện diện tích sản xuất của hợp tác xã có trên 30 ha, trong đó có 15 ha được trồng theo quy trình VietGap với các loại cây như bưởi, cam, thanh long. Năm 2019, doanh thu của hợp tác xã đạt trên 6 tỷ đồng. Doanh thu của các thành viên trong hợp tác xã đạt từ 300 - 500 triệu đồng. Trong năm 2019, hợp tác xã rau quả an toàn Đức Ninh được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng sản xuất sản phẩm bưởi liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó đã mở ra cơ hội xây dựng phát triển thương hiệu bưởi Đức Ninh, giúp cho người nông dân yên tâm lao động sản xuất.
|
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. ẢNH: HẢI YẾN |
Để chủ động trong việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, Hợp tác xã Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) đã tích cực chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Tận dụng tối đa các công cụ trên mạng xã hội, website để quảng bá, các sản phẩm chè của hợp tác xã tới đông đảo người tiêu dùng. Với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp huyện, các sản phẩm của hợp tác xã đưa lên các sàn giao dịch, sàn thương mại điện tử như ocop.snntuyenquang.gov.vn, postmart.vn hay voso.vn, giúp quảng bá sản phẩm của hợp tác xã đến với người tiêu dùng khắp cả nước.
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang) là doanh nghiệp chuyên sản xuất chè rất tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, hợp tác xã có 60 ha chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là giống chè Ngọc Thúy, Bát Tiên và LDP1. Hàng năm, hợp tác xã sản xuất trên 50 tấn chè khô thành phẩm, sản phẩm có quanh năm, đòi hỏi thị trường tiêu thụ phải ổn định.
Từ thực tế đó, hợp tác xã đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid - 19, các sản phẩm của hợp tác xã vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Smartgap, Postmart… Hợp tác xã đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu, chính vì vậy thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được. Hiện nay, sản phẩm chè xanh của hợp tác xã đã có mặt tại các thị trường như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bình Phước, Vũng Tàu…
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều hợp tác xã gặp khó trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Để nhanh chóng thích nghi, Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ (xã An Khang, thành phố Tuyên Quang) đã chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Với cách làm này đã giúp doanh thu của hợp tác xã tăng khoảng 30% so với trước đây. Thông qua các sàn thương mại điện tử, hợp tác xã đã mở rộng đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, gia tăng sản lượng hàng hóa tiêu thụ, đảm bảo thu nhập cho các thành viên.
Trong mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, tỉnh Tuyên Quang nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số…
Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay toàn tỉnh đã hình thành 76 mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể, 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý… Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tối ưu hóa chuỗi liên kết giá trị, phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.
Gần đây, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho trên 250 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Các học viên đã được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương đến với đông đảo người tiêu dùng. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thiết lập 93 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc ứng dụng công nghệ thông tin
Việc quan tâm, tăng cường chuyển đổi số tới vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số đang từng ngày được các đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm thực hiện. Để chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND về thiết lập điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Tuyên Quang thiết lập 93 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã đặc biệt khó khăn (xã thuộc khu vực III) và xã không thuộc khu vực III nhưng có thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hoàn thiện, hướng dẫn duy trì vận hành, khai thác điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin. Tổ chức tập huấn quản lý, vận hành, khai thác điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin cho các đối tượng theo quy định.
Mỗi xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ một điểm. Điểm hỗ trợ phải đáp ứng các yêu cầu như: Có sẵn nhà kiên cố và hạ tầng công trình xây dựng; Thuận tiện cho người dân đến tiếp cận, sử dụng dịch vụ; Bảo đảm an toàn, an ninh về con người và tài sản, thiết bị; Có nguồn điện ổn định. Số lượng thiết bị cơ bản được lắp đặt tại các điểm hỗ trợ gồm: Internet TV 93 cái, micro phone 18 cái, amply 93 cái, bàn phím máy tính kết nối với internet TV 93 cái, loa phục vụ hội trường 186 cái, vật tư thiết bị phụ trợ phục vụ công tác lắp đặt 93 bộ. Số lượng, địa điểm hỗ trợ cụ thể: Huyện Sơn Dương 15 điểm, huyện Hàm Yên 15 điểm, huyện Chiêm Hóa 17 điểm, huyện Yên Sơn 24 điểm, huyện Lâm Bình 10 điểm, huyện Na Hang 12 điểm.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, sẽ lắp đặt xong các điểm tại huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa; 11/12 điểm tại huyện Na Hang, 9/10 điểm tại huyện Lâm Bình, 16/24 điểm tại huyện Yên Sơn. Năm 2024, sẽ lắp đặt các điểm còn lại tại Na Hang, Lâm Bình và Yên Sơn.
Năm 2025, tổ chức tập huấn cho các đối tượng quản lý, vận hành, khai thác điểm hỗ trợ. Tổ chức lựa chọn nền tảng số có sẵn và đang phát triển thuộc phạm vi quản lý của địa phương, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn để triển khai phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Tổ chức sản xuất, cung ứng các sản phẩm thông tin điện tử để khai thác, sử dụng chung cho các điểm hỗ trợ.
Với những giải pháp đồng bộ, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chương trình trên địa bàn, tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm của địa phương. Phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặng Hồng Vân - Tạp chí Mặt trận,
cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam