Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hoá phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín tiêu biểu trong công tác Mặt trận các cấp

(Mặt trận) - Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.281 người có uy tín thường xuyên phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương.


Tỉnh Thanh Hoá có tổng diện tích tự nhiên 7.962 km2 với tổng số dân 992.692 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 701.039 người, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh, chủ yếu là đồng bảo các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp các ban, ngành liên quan hướng dẫn cơ sở tổ chức rà soát, bổ sung người có uy tín báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt công nhận; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện các chế độ, chính sách cho người có uy tín theo quy định.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.281 người có uy tín, để phát huy vai trò của đội ngũ này, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Thanh Hoá luôn quân tâm và thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín: thăm hỏi người có uy tín khi bị ốm đau, qua đời; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán kịp thời đúng định mức quy định. Trong 2 năm (2022 - 2023), Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã đi thăm hỏi, tặng quà, động viên 60 lượt người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền hơn 30 triệu đồng. Cùng với đó, tổ chức nhiều hình thức khác nhau giúp cho người có uy tín hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, người có uy tín tiêu biểu của tỉnh đã góp phần tích cực trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong hoà giải, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh, tranh chấp trong thôn, bản, tham gia thực hiện và đóng góp xây dựng Luật Dân chủ ở cơ sở. Trong các buổi sinh hoạt cùng chi bộ, các ngành đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các hội nghị toàn dân, người uy tín đóng góp nhiều ý kiến chuyên đề, đóng góp ý kiến tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền các cấp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên trong chi bộ, xây dựng hệ thống chính trị của thôn bản trong sạch vững mạnh. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, nhiều người có uy tín còn đảm nhận các chức vụ: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu dân cư, trưởng Ban Công tác Mặt trận… là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội thôn, bản; vận động dòng họ và đồng bào tham gia các tổ chức đoàn thể, động viên con, cháu phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng; phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản; tham gia công tác ở cơ sở, nhất là công tác hoà giải và đóng góp thiết thực vào các hoạt động, phong trào ở địa phương; cùng với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thực hiện giám sát ở cộng đồng, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết… góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.

Hơn thế nữa, người có uy tín là những gương điển hình trong việc chủ động sáng tạo, tham mưu cho Chi bộ, Ban quản lý trong công tác vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và quy ước, hương ước của bản, xây dựng nếp sống mới, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, kiên quyết bài trừ, xoá bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, không còn phù hợp với nếp sống văn minh, nhất là trong lễ, hội, ma chay, cưới hỏi và sinh hoạt;… Tuyên truyền Nhân dân tích cực chăm sóc bảo vệ rừng; phòng chống tệ nạn, xã hội; không truyền đạo trái phép; giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2022.     ẢNH: MINH PHƯƠNG 

Đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành tấm gương sáng, mẫu mực đi đầu trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại các địa phương được cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Họ thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, “là “cầu nối” giữa các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh.

Với tinh thần trách nhiệm cao, người có uy tín đã phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho lực lượng công an đấu tranh, ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, các hoạt động tuyên truyền, học đạo trái pháp luật trên địa bàn; vận động Nhân dân các dân tộc tích cực tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, cùng phát triển; các phong trào, mô hình “Tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới”; chấp hành nghiêm túc Quy chế biên giới…

Đồng thời, người có uy tín còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp uỷ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để nắm tình hình trong Nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Những năm qua, người có uy tín luôn tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương để bà con trong thôn, bản noi theo; vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, tạo ra mô hình phát triển kinh tế tổng hợp VAC; đi đầu trong việc tìm những phương pháp, cách làm; khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, áp dụng những công nghệ khoa học hiện đại, tạo ra vùng sản xuất hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế.

Đến nay, nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh, Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc,… đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng trở lên.

Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, người uy tín đã vận động đồng bào hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn ngày công, tiền của cùng với hỗ trợ của Nhà nước, để làm đường bê tông giao thông; kiên cố hoá kênh mương; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hoá nông thôn, phòng học, trạm y tế xã; lắp đặt điện chiếu sáng đường, camera an ninh đường làng, ngõ xóm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Vận động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, đã có 58 xã, 635 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu.

Người uy tín luôn đi đầu và giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, khuyến khích Nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, tang và lễ hội, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu. Người uy tín luôn trăn trở, trao truyền cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, truyền dạy các điệp khặp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy… Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc: các hoạt động văn hoá, thể thao, các trò chơi dân gian được khôi phục và tổ chức trong các lễ hội: múa khèn, thổi khèn, đánh cù, bắn nỏ của dân tộc Mông; giữ gìn chữ viết, trang phục, lễ hội, lễ cấp sắc, lễ tết nhảy, lễ tạ… của dân tộc Dao, được tổ chức trong dịp lễ, tết nguyên đán, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11) hằng năm.

Để phát huy hơn nữa vai trò đối với cộng đồng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:

Một là, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp, thiết thực để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng; các nghị quyết của Quốc hội; chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các văn bản khác liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đến với cán bộ, đảng viên, đoàn viên hội viên và Nhân dân. Trọng tâm là: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025…

Hai là, thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với người có uy tín để tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các dân tộc; vận động Nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đồng thời, thông qua người có uy tín, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, để phản ánh với các cấp uỷ Đảng, chính quyền xem xét giải quyết; phối hợp đề xuất, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín, tham gia rà soát, bình xét, bầu chọn; phát hiện, bồi dưỡng, động viên người có uy tín làm thành viên Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cộng đồng dân cư.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy vai trò chủ trì, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể vận động người có uy tín tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền; nhất là tham gia vào Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện giám sát đối với các kế hoạch, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với chính quyền, các cơ quan có liên quan, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo giúp người có uy tín nắm vững quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân tộc, công tác dân vận, công tác Mặt trận, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; thực sự là chỗ dựa vững chắc của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp.

Năm là, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “xóa đói, giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”.

Sáu là, để tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”; Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”; Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với Ban Dân tộc tỉnh về công tác dân tộc (giai đoạn 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh. 

Vũ Đăng Minh -  Trưởng Ban Tôn giáo,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều