(Ảnh minh họa)
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) khẳng định: du lịch phải là hoạt động có lợi nhuận cho quốc gia và cho cộng đồng sở tại. Do đó, cộng đồng địa phương nên tham gia các hoạt động du lịch và chia sẻ quyền bình đẳng trong lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa mà hoạt động du lịch đem lại.
Trên thực tế, vai trò cộng đồng dân cư hết sức quan trọng trong phát triển du lịch, vừa là nền tảng, vừa là động lực và mục tiêu cho phát triển bền vững, nhất là đối với những vùng văn hóa đặc thù như Tây Nguyên.
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nêu rõ: “Phát triển du lịch còn phải quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên du lịch, tạo mọi điều kiện để họ có thể tham gia vào các hoạt động du lịch, san sẻ lợi ích cho họ, có như vậy họ mới trở thành chủ nhân của những nguồn tài nguyên du lịch, có trách nhiệm bảo vệ và tôn tạo nguồn tài nguyên đó. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Tây Nguyên, một vùng sâu, vùng xa, đời sống còn khó khăn, phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tại chỗ - tài nguyên rừng”. Với ý nghĩa như vậy, để phát triển du lịch Tây Nguyên bền vững, trong tương lai cần hướng đến những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với phát triển cộng đồng; phải thực sự xem văn hóa là tài sản của cộng đồng dân cư, là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.
Thực chất của vấn đề là đưa việc phát triển du lịch di sản văn hóa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng cộng đồng Tây Nguyên.Đây là định hướng đặc biệt quan trọng có thể giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong vấn đề phát triển du lịch di sản văn hóa với phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Nói đến Tây Nguyên là nói đến văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa và ngược lại, không thể phát triển kinh tế du lịch ở Tây Nguyên mà không lưu tâm đến di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Vì vậy, muốn giải quyết mối quan hệ giữa phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, thì phải khai thác di sản văn hóa ngay trong chính cuộc sống của đồng bào trong từng buôn làng ở Tây Nguyên.
Chỉ có cộng đồng các dân tộc thiểu số mới nuôi dưỡng một cách chu đáo và phát huy tốt những giá trị văn hóa Tây Nguyên trong quá trình tộc người. Một khi cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhận thức được ý nghĩa nền tảng và động lực của việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa thì chính họ là chủ thể quan trọng có thể giải quyết được những mâu thuẫn do thực tiễn văn hóa đặt ra.
|
Trong xu thế mới, sự chi tiêu dành cho văn hóa du lịch là một thực tế đầy tiềm năng. Văn hóa Tây Nguyênsẽ khó có cơ hội phát triển nếu như thụ động, cố giữ với những hình thức cổ truyền mà không tận dụng được lợi thế trong giao lưu và phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư ở Tây Nguyên, chính quyền địa phương và Trung ương phải nhìn thấy được những lợi thế của văn hóa du lịch và những bất lợi có thể xảy ra khi đẩy mạnh hoạt động du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác những giá trị văn hóa của cộng đồng Tây Nguyênvà các giá trị văn hóa của các dân tộc khác.
Thứ hai, khai thác có hiệu quả các giá trị các di sản văn hóa Tây Nguyên để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch. Thực tế cho thấy, để du lịch phát triển không thể thiếu các sản phẩm văn hóa. Chính vì nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao mà hoạt động kinh tế du lịch ngày càng được thúc đẩy.
Nhận diện bản chất của du lịch trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng thấy rằng sự gắn kết giữa kinh tế và văn hóa không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn chỉ ra tính thực tiễn của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế du lịch. Các chuyên gia du lịch nước ngoài từng tổng kết rằng: có 20% số khách du lịch đến châu Âu vì sự hiểu biết về văn hóa, 60% số du khách quan tâm việc tìm hiểu khám phá sự kiện, hiện tượng văn hóa trong chuyến tham quan. Ở Việt Nam, có 70% số du khách cho rằng họ đến Việt Nam vì sự hấp dẫn của văn hóa Việt Nam, muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa.
Như vậy, dù muốn hay không thì mọi hoạt động du lịch đều phải gắn kết với các sản văn hóa đặc thù và bản địa, đặc biệt là vùng văn hóa đặc thù như Tây Nguyên. Không có một sự chi tiêu trong hoạt động du lịch nào lại không gắn liền với các giá trị văn hóa của từng cộng đồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng quy luật này cũng là vấn đề cần khắc phục và lên án khi một số người, một số công ty chỉ biết tìm kiếm lợi nhuận trên di sản văn hóa dẫn đến một kiểu “tăng trưởng không gốc rễ” mà Liên hợp quốc đã từng cảnh báo năm 1996. Mặt khác, việc vận dụng quy luật này vào trong thực tiễn lại không hoàn toàn dễ dàng bởi lẽ ở mỗi vùng miền địa phương, các tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch lại không hoàn toàn như nhau.
Thứ ba, cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Chính vì vậy, phát triển du lịch di sản không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản và lợi ích có được từ du lịch di sản phải được chia sẻ với cộng đồng Tây Nguyên. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên quê hương của họ.
Tuy có nhiều cách làm khác nhau nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã biết tận dụng và khai thác tốt các di sản văn hóa, biến các di sản văn hóa trở thành tài sản thật sự của mỗi địa phương. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người khi không còn coi văn hóa chỉ là “cái đuôi” của kinh tế, ăn theo kinh tế. Nhiều địa phương Tây Nguyên hiện nay đã có sự lựa chọn mô hình phát triển mà trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư để phát triển bền vững.
Nếu nhìn ở khía cạnh kinh tế, chúng ta chỉ thấy lợi nhuận có được từ hoạt động du lịch. Điều đó là cần thiết trong quá trình nâng cao đời sống vật chất hiện nay. Tuy nhiên, nếu khai thác du lịch chỉ vì lợi nhuận thì sẽ không tránh khỏi những khuyết tật và thiếu bền vững, bởi lẽ lợi nhuận chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Cốt lõi của vấn đề vẫn là ý thức và lợi ích của cộng đồng dân cư đối với giá trị của di sản.
Nếu khai thác du lịch chỉ vì lợi nhuận thì sẽ không tránh khỏi những khuyết tật và thiếu bền vững, bởi lẽ lợi nhuận chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Cốt lõi của vấn đề vẫn là ý thức và lợi ích của cộng đồng dân cư đối với giá trị của di sản.
|
Trong thời gian qua, việc khai thác tốt các di sản văn hóa, các tài nguyên du lịch của nhiều địa phương Tây Nguyên đã làm cho chính quyền và người dân địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, quản lý di sản. Thông qua du lịch, chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư hiểu đúng hơn những giá trị di sản vốn rất khó nhận ra trong đời sống thường nhật. Nhiều thôn, làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên không còn bán rẻ cồng chiêng mà cố giữ lại như là niềm tự hào của dân tộc.
Suy cho cùng, tài nguyên tự nhiên rồi có thể bị cạn kiệt nhưng tài nguyên du lịch (sản phẩm kết tinh từ văn hóa) thì lại được bồi đắp, sinh sôi không ngừng, nó trở thành một tài sản vô giá. Việc khai thác tốt các nguồn tài nguyên văn hóa không chỉ làm tăng thu nhập cho nhiều người dân bản địa mà còn làm giàu có thêm bản sắc cộng đồng. Việc nhận diện giá trị cũng như bản sắc của di sản văn hóa thông qua hoạt động du lịch đã góp phần không nhỏ cho việc đẩy nhanh việc giữ gìn lễ hội truyền thống, trùng tu, tôn tạo di tích, bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường cũng như hồi sinh các làng nghề truyền thống như rượu cần, thổ cẩm, đan lát… Họ xem đó như là vốn quý, là cái riêng của quê hương cần phải được gìn giữ và bồi đắp như một tài sản.
Thứ tư, phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng sẽ còn khai thác được những giá trị văn hoá bản địa góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch.
Các di sản văn hóa là sản phẩm cốt lõi trong khai thác kinh tế du lịch. Điều này cũng có nghĩa là địa phương nào, cộng đồng dân cư nào coi thường di sản văn hóa hoặc hiểu chưa đầy đủ giá trị trong di sản thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, không nên nhìn hoạt động khai thác kinh tế du lịch chỉ thuần túy ở di sản của quá khứ mà phải không ngừng sáng tạo ra di sản mới. Việc khai thác tốt các giá trị di sản, suy cho cùng, sâu xa và bền vững hơn là hình thức bảo vệ bản sắc văn hóa.
Chính bản sắc văn hóa của từng địa phương, vùng, miền đã tạo nên sức hút du lịch và ngược lại kinh tế du lịch đã đánh thức bản sắc văn hóa. Mối quan hệ biện chứng này khẳng định tính gắn kết giữa bản sắc văn hóa với phát triển du lịch.
|
Để phát triển kinh tế du lịch thì việc tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa đa dạng có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ sự chi tiêu cho văn hóa du lịch không chỉ thuần túy là nghỉ dưỡng mà còn là mua sắm, thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền và hiện đại. Thực tế cho thấy khách du lịch đến các tỉnh Tây Nguyên không chi tiêu nhiều cho việc mua sắm các sản phẩm văn hóa. Nguyên nhân sâu xa là do sản phẩm văn hóa ở đây còn đơn điệu và ít. Những sản phẩm văn hóa, đặc biệt là sản phẩm mỹ nghệ còn thiếu tính thẩm mỹ, các biểu tượng văn hóa của từng địa phương Tây Nguyên chưa được xây dựng một cách chu đáo thông qua mỗi sản phẩm văn hóa. Để bản sắc văn hóa của từng địa phương, vùng, miền được lưu giữ thì phải nhanh chóng đưa biểu tượng văn hóa vào các sản phẩm văn hóa.
Các sản phẩm văn hóa không chỉ là những đồ vật, “mặt hàng” vật thể, mà còn có thể là những “sản phẩm” phi vật thể như lễ hội truyền thống và hiện đại, trò chơi dân gian, bí quyết làng nghề hay những sinh hoạt thường ngày của các cộng đồng dân cư thiểu số. Việc cho ra đời những sản phẩm văn hóa đặc thù Tây Nguyên không chỉ phục vụ lợi ích và thị hiếu thẩm mỹ của du khách mà còn thỏa mãn nhu cầu văn hóa của cư dân bản địa, đồng thời kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian.
Thứ năm, phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản ở Tây Nguyên phải gắn với phát triển du lịch quốc gia và khu vực.
Hoạt động kinh tế du lịch luôn gắn với các di sản văn hóa, sinh hoạt văn hóa của từng vùng miền, trong từng cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc hướng đến những điều mới lạ luôn làm cho du lịch không dừng lại duy nhất một điểm đến nào mà tạo ra chuỗi các hoạt động khám phá, chuỗi các hoạt động giá trị. Chính vì vậy, phải có sự gắn kết, phát huy, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên trong chuỗi các hoạt động văn hóa du lịch trên từng phạm vi quốc gia và khu vực.
Du lịch và ngành kinh tế du lịch trong tương lai ở Tây Nguyên không thể không xây dựng một kế hoạch dài hạn, không thể không gắn kết, trong đó có điểm nhấn các hoạt động di sản văn hóa là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, việc 4 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên đang xúc tiến liên kết phát triển du lịch nhằm kết hợp văn hóa rừng với văn hóa biển, với các di sản văn hóa đặc thù như lễ hội cồng chiêng, lễ mừng nhà rông, lễ mừng lúa mới, lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội Đầm Ô Loan, lễ hội Cá Ông… Trong chuỗi các hoạt động đó còn có thể tìm hiểu, trải nghiệm về hát bài chòi, hát bội, võ cổ truyền Bình Định cũng như tổ chức chuỗi các tuyến du lịch tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, thác nước đẹp ở Tây Nguyên với tham quan sinh thái biển, tắm biển tại miền Trung.
Các di sản văn hóa hiện đại hay festival và ngành công nghiệp giải trí là những “mắt xích” không thể thiếu trong kết nối kinh tế du lịch khu vực và cả nước. Hiện nay, hầu hết các thành phố lớn đều phát triển hoạt động này, đặc biệt là ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa đang phát triển. Tuy nhiên, các hoạt động đó sẽ nhanh chóng nhàm chán, lặp lại, sao chép từ nước ngoài và khách du lịch sẽ không muốn quay lại. Trong khi đó, sự khác biệt, điều mà khách du lịch muốn khám phá chính là truyền thống, bản sắc, con người của một vùng đất.
Di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên sẽ thực sự là một trong những “nguồn tài nguyên” quan trọng để “kích cầu” du lịch, nếu như các chủ thể tại đây biết khai thác một cách hợp lý và đưa “nguồn tại nguyên” đó vượt qua khỏi không gian Tây Nguyên. Nghĩa là phải đưa di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên vào chuỗi hoạt động kinh tế du lịch trong cả nước, cả nước ngoài bằng nhiều hình thức.
Ngoài hình thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên tại các buôn làng với đời sống thật của nó thì ngành du lịch có thể đưa các “bản sao” của di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên vào những hoạt động lễ hội, festival hiện đại cũng như ngành công nghiệp giải trí để phục vụ du khách trong khu vực cũng như cả nước và giao lưu với nước ngoài. Như vậy, du khách có thể tiếp cận cả “bản sao”, sự mô phỏng hoặc đời sống thật của các di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên tùy theo yêu cầu, sở thích và túi tiền của họ.
Có thể nói rằng, trong xu hướng phát triển hiện nay, di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên nói riêng và văn hóa nói chung góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế ngành du lịch. Tuy nhiên, nếu không biết khai thác một cách hợp lý, không biết tôn trọng giá trị di sản văn hóa các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên thì không những không tăng thêm giá trị, không đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng dân cư mà có thể làm mất đi hoặc khô kiệt văn hóa Tây Nguyên./.
Theo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa/Tạp chí Tuyên giáo