|
Các đại biểu tại Hội thảo chuyên đề “Phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
|
Thành phố Hồ Chí Minh có 53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống và làm việc với 468.128 người, chiếm 5,2% tổng dân số Thành phố. Trong đó dân tộc Hoa 382.826 người (81,8% trong số dân tộc thiểu số), người Khmer 50.422 người (10,8%), dân tộc Chăm 10.509 người, còn lại là các dân tộc khác.
Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.396 người có uy tín được bình chọn theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (số liệu đến tháng 6/2022), trong đó: người Hoa 855 người, Kinh 396 người, Chăm 54 người, Khmer 40 người, Mường 13 người, Tày 18 người, Thái 6 người, Nùng 6 người, Dao 1 người, Stiêng 2 người, Êđê 1 người, Sán Chỉ 1 người, Sán Dìu 1 người, H’Mông 2 người với các thành phần: Trưởng thôn và tương đương 498 người, cán bộ nghỉ hưu 109 người, chức sắc tôn giáo 69 người, nhân sĩ trí thức 39 người; doanh nhân, người sản xuất giỏi 93 người.
Vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách dân tộc
Hiện nay, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số việc tuyên truyền trực tiếp thông qua lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, Ban điều hành khu phố, tổ dân phố, nhất là người uy tín, các chức sắc , chức việc của các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo là hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả tốt nhất
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố với kinh nghiệm và uy tín của mình, trên cơ sở cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán hoặc bằng sự am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc của bản thân, họ đã chủ động tuyên truyền giáo dục bắt đầu từ con cháu trong gia đình đến dòng họ rồi tới cộng đồng dân cư. Đối với đồng bào dân tộc thì: “Tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”; vì vậy người có uy tín với sự tự giác, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do Thành phố phát động như: phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chương trình “Xây dựng nông thôn mới”, “Cuộc vận động người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch”,… dễ dàng thuyết phục đồng bào hưởng ứng tham gia, làm theo.
Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Thành phố. Các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số Thành phố đến các cấp lãnh đạo; cũng như tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Nhiều người có uy tín tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể; tham gia Tổ hòa giải, Tổ an ninh tại địa phương; là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội; đã cùng với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thực hiện việc giám sát, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu, giúp đỡ những cán bộ dân cử hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, họ còn động viên, vận động con cháu, dòng họ và cộng đồng tham gia vào các tổ chức đoàn thể, cố gắng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng; khuyến khích gia đình, con cháu, dòng họ và cộng đồng phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.
Có thể nói, người có uy tín tại Thành phố đã góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương ngày một vững mạnh. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện và chấp hành pháp luật; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; là nhân tố đóng góp không nhỏ trong thắng lợi các nhiệm vụ đề ra của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Đồng thời, đây cũng là kênh để chính quyền các cấp nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước.
Người có uy tín trên địa bàn Thành phố tích cực tham gia và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cũng như tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Khu phố văn hóa”; “Ấp văn hóa”; “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Quần chúng tham gia tự bảo quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới”, thực hiện “Vận động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”; phát hiện, tố giác và cung cấp hàng nghìn tin có giá trị cho lực lương công an, quân đội triệt phá các vụ án hình sự, vụ án liên quan ma túy… qua đó đã nâng cao chất lượng hoạt động phong trào ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của các phong trào tại cơ sở, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy, không tham gia vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy; không tin, không nghe, không làm theo những luận điệu lôi kéo, ép buộc, kích động của kẻ xấu; không truyền đạo trái pháp luật, vượt biên trái phép, gây rối trật tự xã hội, nhất là các thủ đoạn tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức phản động… góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự tại cơ sở.
Trong những năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự phát huy vai trò và có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, những người có uy tín đã kịp thời năm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; tham gia giải quyết các vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân; cảm hóa, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật.
Hầu hết người có uy tín tại Thành phố là các vị đứng đầu các tổ chức hội đoàn, tổ dân phố hoặc có vị trí nghề nghiệp được xã hội tôn trọng, có sự gắn bó với nhân dân trong tổ dân phố, có mối liên hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương nơi cư trú; tích cực thực hiện và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nới cư trú. Tham gia đóng góp ý kiến và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Đẩy mạnh lao động sản xuất, phối hợp chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo theo mục tiêu chương trình, tiêu chí của Thành phố, phát huy tính cộng đồng các dân tộc, cùng góp sức giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
|
Người có uy tín TP. Hồ Chí Minh giao lưu, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An, Quảng Bình |
Đồng thời tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tham gia công tác hòa giải, kịp thời khuyên can, ngăn chặn những mâu thuẫn của người dân trong cộng đồng, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng; tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đi đầu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trọng tâm là đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; nắm bắt và cung cấp kịp thời thông tin về dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, nhạy cảm để Ban Dân tộc Thành phố tham mưu có hiệu quả cho Ủy ban nhân dân Thành phố đối với công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.
Một số giải pháp vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo; tăng cường quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nòng cốt là người dân tộc thiểu số về công tác dân tộc, về đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt công tác xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực: công tác giảm nghèo bền vững, tăng độ khá, đảm bảo an sinh xã hội; phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện điều kiện, môi trường sống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; quan tâm những nhân tố tích cực, đủ phẩm chất để tạo nguồn kết nạp Đảng.
Hai là, thường xuyên quan tâm xây dựng củng cố hệ thống Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp làm cơ sở đảm bảo thực hiện công tác vận động, phát huy người có uy tín đạt hiệu quả; xem xét, cơ cấu người có uy tín và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Cần tìm kiếm, phát hiện sớm những nhân tố trẻ, tích cực, có nhiệt huyết, có sự đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp, khả năng dẫn dắt cộng đồng… để đào tạo, bồi dưỡng cả về năng lực, đạo đức, thậm chí hỗ trợ tạo dựng uy tín, nhằm chuẩn bị nguồn nhân sự người có uy tín trong tương lai.
Ba là, tăng cường phổ biến cho người có uy tín chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách liến quan đến dân tộc, tôn giáo…; kiến thức về quốc phòng, an ninh; về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; về âm mưu, phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống chính quyền.
Bốn là, chú trọng vận động và phát huy vai trò người có uy tín ở địa bàn dân cư; tạo điều kiện để người có uy tín tham gia thảo luận đóng góp ý kiến vào các chính sách, dự án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tham gia và sự nghiệp giáo dục và đào tạo; khai thác tiềm năng, nguồn lực để phát triển Thành phố; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong Nhân dân; tham gia tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng các chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc./.
Huỳnh Thị Thanh Hà
Ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh