Thiếu niên đội mã la gia tộc Pi Năng (Ninh Thuận) biểu diễn tại hội thi nhạc cụ dân tộc Ra Glai. Ảnh: NGUYỄN TRUNG
Cung trầm…
Khói lam chiều vương vấn trên dãy Pơto Patí, palay (làng) Do nồng ấm, đầy đặn hơi thở của núi rừng. Chúng tôi về đây để tìm "những rừng cây, ngọn núi mang tiếng đàn… chapi", để lạc vào giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của người Ra Glai. Những nếp nhà đã bập bùng bếp lửa. Không khó để tìm nhà Chamaléa Âu, nghệ nhân duy nhất ở Ma Nới biết chế tác và biểu diễn tọ chapi… bởi âm thanh xa xăm len vào gió vọng về, lúc trầm tỉ tê, da diết như con thú hoang gọi bầy về nơi ẩn trú; lúc rạo rực như con chim rừng cùng nhau bay về tổ ấm; lúc khoan nhặt như giọt nắng buông lơi cuối ngày… tiếng đàn chapi.
Miền đất đầy nắng, gió xa xôi ấy vẫn còn đây những mái nhà đơn sơ và những đàn dê nhởn nhơ quanh đồi qua mỗi sớm mai. Nhưng "giấc mơ" năm nào của nhạc sĩ du ca Trần Tiến sắp thành điệp khúc buồn, khi quanh vùng chỉ còn Nghệ nhân Ưu tú Chamaléa Âu cô đơn khảy đàn, níu giữ "giấc mơ chapi"… Nhà Chamaléa Âu ở phía thung lũng, ven dòng Ma Nhôi hiền hòa. Ðã qua gần 70 mùa rẫy, Ama Âu vẫn tinh anh như con nai rừng Ma Nới. Nhà báo hả? Già lên tiếng khi tôi chưa kịp mở lời - Không phải đâu, chỉ là người mê tiếng đàn chapi của đồng bào Ra Glai thôi - Tôi nói và không quên đề tựa mô phỏng âm giai tọ chapi… Ðã bắt đúng nhịp lòng của Ama, người luôn đau đáu níu giữ ước mơ chapi vọng xa của người Ra Glai. Sao chơi đàn một mình? Ama buồn lắm. Bọn thanh niên bây giờ nó không thích chapi nữa, nó thích cái nhạc mới thôi. Theo lời kể của Ama Âu, quả thực giờ đây trong lễ mời Yàng Ngok, Yàng Gru (thiên thần), Yang Chơk (nhiên thần) và Yàng Muk Kay (nhân thần) về dự lễ ăn lúa mới của gia tộc hiếm khi được nghe tiếng chapi. May chăng, thanh âm chapi chỉ thảng hoặc trong lễ hội của buôn làng hay trong những lần xuống núi biểu diễn nhân dịp hội hè.
Cũng giống như bao chàng trai đồng trang lứa dưới chân núi Chơ Prông, Ama Âu từng là chiến sĩ cách mạng, là Bộ đội Cụ Hồ ở vùng chiến khu Anh Dũng, Ðại đội C80. Những năm tháng cầm súng bảo vệ buôn làng, giữa núi rừng lau lách, giữa cận kề sự sống và cái chết, chàng trai trẻ Chamaléa Âu vẫn da diết nhớ tọ chapi. Ông mơ được thấy thằng con trai đầu lòng ôm đàn chapi mừng cha trở về, gái trai Ra Glai buông tiếng chapi trong nhịp xoang mừng lúa mới, buôn làng khảy chapi gọi nhau lên rẫy trong sáng tinh sương… Khi đất nước thanh bình, người con của palay Do trở về xây dựng làng buôn và bắt đầu "gieo ước mơ" lặng thầm, tọ chapi!
Ai dạy Ama làm và chơi chapi? - tôi hỏi. "Cậu ruột mình đó, ông Chamaléa Lư. Ồ, giỏi lắm, ông còn biết thổi cadèt, chơi khèn bầu, đánh mã la nữa đó… Ngập ngừng một lúc, già nói: Nhưng ông theo Yàng rồi, mình chỉ nhớ và làm theo thôi. Làm chapi không khó đâu, kinh nghiệm thôi, nhưng chơi chapi mới khó", Ama Âu nói. Từ khi bắt chước làm theo ông cậu đến khi cưới vợ, sinh tám đứa con, Chamaléa Âu mới chỉ thuộc mấy kiểu khảy chapi căn bản, không thuộc điệu thì không thể thẩm âm để làm đàn. Không ai có thể ký âm để lưu truyền, không mấy người có ước mơ xa lan tỏa chapi, mà chỉ có "vài sợi dây đong đầy hồn người Ra Glai". Ðó là tiếng lòng, là tâm sự được rung lên mỗi ngày, cứ vậy mà nhớ.
Ðàn chapi đơn giản chỉ là ống tre gai già, đường kính khoảng 8 đến 10 cm, phơi khô trong vòng bốn, năm tháng mới đưa ra làm đàn, càng khô thì âm càng hay; dùng cây mác đầu nhọn lẩy cật tre lên thành tám dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm (bốn dây kép). Ðặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây để dây cao hơn thân đàn, khoét thủng hai đầu mắt tre để tạo âm vang và cuối cùng là công đoạn cân chỉnh âm sao cho tiếng đàn có hồn. Không kể thời gian phơi tre, Ama Âu bảo, chỉ mất khoảng một khắc giờ là người Ra Glai đã có một cây đàn chapi, còn chơi hay dở là ở cái lòng của người chơi, giống người Ba Na chơi đàn K’long Put, hay người J’lai chơi đàn Goong vậy. Vừa nói, Ama Âu vừa ngẫu hứng buông những điệu đàn chapi thả từng giọt vào vách núi lớn. Thong dong, bình thản như người Ra Glai lên núi làm nương, khi dặt dìu như tiếng ếch khảy lên vào những đêm mưa đầu mùa, như con chim rừng gọi nhau đi xây tổ; khi tỉ tê như gái trai vào độ yêu đương, khi tĩnh lặng như giọt nước rơi vào chiếc lu đầu hè, khi chênh chao như lưng gùi sơn nữ, khi trầm mặc như dòng suối Ma Nhôi và trầm hùng như mã la mừng hội.
Nếu mã la hầu như có mặt trong các nghi lễ của người Ra Glai và "ai giàu mới có", thì chapi là nhạc cụ phỏng được thang âm của bộ mã la và "ai nghèo cũng có", lúc buồn, lúc vui cũng khảy được. Ðàn chapi đã được giới thiệu với bạn bè quốc tế khi Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến được hát lần đầu trên sân khấu tại Pháp và Hà Lan do chính tác giả trình bày cùng nhóm Du ca Ðồng Nội. Sau đó, khi chàng du ca Tây Nguyên Y Moan đã thổi bùng "giấc mơ" này thì nhiều người đã biết về đàn chapi. Nhưng "tiếng lòng" của người con Ra Glai thì vẫn đơn côi, bởi dưới chân Chơ Prông chẳng "mấy đứa" (lời Ama Âu) còn chịu khảy chapi nữa.
Chapi, mai này
Nơi đó, dãy Chơ Prông tự ngàn đời đã có. Suối Ma Nhôi, Tà Nôi vẫn hiền hòa tuôn chảy. Không biết từ bao giờ, ở xứ xương rồng đơm hoa trên miền đất khô cằn này, người Ra Glai đã quần tụ sinh sống. Nhưng thật đáng buồn, khi già Âu vẫn không biết truyền nghề cho ai. Ðang dở câu chuyện với Ama Âu thì có người vào. Già Âu bảo: "Nó là em trai. Nó cũng đã từng là Bộ đội Cụ Hồ đó". Chamaléa Năng bắt nhịp: "Ông Âu giờ gọi là Chamaléa Chapi, họ gọi vậy mà". Người Ra Glai có nhiều dòng họ, như Pi Năng (cây cau), Ka tơr (bo bo), Pa tâu, Kaya, Tu inb... Mỗi dòng họ đều có một sự tích, một truyền thuyết riêng về nguồn gốc. Riêng họ của già Âu là "chen đất của người ta", theo cách giải thích mộc mạc của ông.
Nghệ nhân Ưu tú Chamaléa Âu biểu diễn đàn chapi.
Người Ra Glai theo tín ngưỡng đa thần: thần núi (Yàng Chớ), thần rừng (Yàng Gla Glai), thần lúa (Yàng Paday)... Trí nhớ đã úa vàng trên cây đàn chapi của Chamaléa Âu, già khó lòng nhớ nổi nền văn hóa dân tộc mình. Ngay tên gọi "Ra Glai", theo ngôn ngữ Malayo - Polinesien có nghĩa là "người ở rừng" hay "người ở núi". Già nhớ mang máng rằng: Chăm với Ra Glai là anh em, Ra Glai là con út của vua. Chăm là anh, Ra Glai là em (Chap ai, Ra Glai adơi). Người Ra Glai ngày nay vẫn giữ y trang của vua Chăm Pô Rô Mê, Pô Klongirai, mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar. Mỗi năm, đến lễ hội Katê, người Chăm cho đoàn người lên rước về để làm lễ. Bởi theo chế độ mẫu hệ thì em út là người thừa kế, nuôi dưỡng cha mẹ và giữ "chiết a tâu" (nơi cất giữ đồ vật quý, gia truyền) của tộc họ, gia đình.
Còn về nhạc cụ? - tôi gợi ý. "Ồ, Ama chơi được nhiều lắm, không riêng cái chapi đâu. Mình chơi được Canhĩ (đàn cò), Sarakel (khèn bầu) và biết thổi Cadèt (như tù và của đồng bào Tây Nguyên) nữa", già Âu nói. Có thể nói, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có một loại nhạc cụ đặc trưng để phục vụ cho các lễ hội dân gian: Người Ê Ðê, Ba Na (Tây Nguyên) có đàn tơrưng, người Chăm có khèn saranai, trống paranưng… Không kể đến loại thông dụng như chiêng (đồng bào Ra Glai gọi là mã la), phần lớn các dân tộc Việt Nam đều có, thì chapi là "hồn người Ra Glai". Cuộc sống ở xứ này không mua bán bằng tiền, người Ra Glai lao động để tạo ra sản phẩm và dùng sản phẩm để đổi lấy những thứ cần cho cuộc sống. Có lẽ thế mà họ "sống không mùa đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa… yêu nhau". Cái "tứ" thật tinh tế của nhạc sĩ họ Trần khi "tung hứng" Giấc mơ Chapi!
Nhạc sĩ Trần Tiến thật có duyên với vùng đất hao hanh, nắng gió. Hơn mười năm sau khi cất lên Tiếng trống Paranưng, ông tiếp tục kể chuyện về giấc mơ gắn với loại nhạc cụ thiêng liêng của người Ra Glai. Trần Tiến kể, trong chuyến điền dã tại miền núi Ninh Thuận năm 1993, khi đến "ở nơi ấy, nơi ngọn núi cao", ông đã gặp bên mái nhà sàn bình yên có đôi vợ chồng trạc tuổi mình và "gặp" nhạc cụ bằng tre, gọi là tọ chapi. Mê mẩn câu chuyện tình và muốn mua bằng được đàn chapi. Khi nhạc sĩ ngỏ ý, người chồng nói: "Nếu anh thích, tôi tặng anh. Mười mấy năm rồi tôi không dùng đến tiền". Cảm xúc trào dâng, Trần Tiến cho ra đời tình khúc phiêu du Giấc mơ Chapi.
Mân mê tọ chapi, già Âu trầm buồn: Ðồng bào mình ít biểu lộ tình cảm bằng lời lắm, bởi thế nên hay mượn cái chapi để cởi tấm lòng. "Người Ra Glai không có chapi thì nhà báo đâu có đến", già Âu dí dỏm. Ama đã "vận động" Tà Yên Bóng (sinh năm 1983), con trai đầu học làm và chơi đàn chapi. Vận động mãi chẳng xong, già Âu đã bắt nó làm, rồi nó cũng có sản phẩm một cách hồn nhiên. Già Âu bảo: Nó làm và chơi được rồi. Ama vui lắm. Tọ chapi mai này sẽ vượt núi Chơ Prông…
Khi cây trên rừng xanh lá, mây trên trời nhiều hơn, suối Tà Nôi đầy đặn như đôi môi sơn nữ… là người Ra Glai dọn rẫy, gieo hạt giống. Mùa mưa bắt đầu. Ðó là quy luật thực tế nơi đây. Còn Chamaléa Âu thì cháy lòng với chapi và thắp lên ngọn lửa nhỏ nhoi với "hậu duệ chapi" Tà Yên Bóng viết tiếp giấc mơ chapi, tự nhiên như mạch nguồn văn hóa dân gian. Ở đây, ẩn chứa dáng dấp sự "bảo tồn hồn nhiên" báu vật của người Ra Glai mà "ai nghèo cũng có…".
Không biết giữa chốn mịt mù núi, ở xứ nắng hao hanh này, nếu người Ra Glai không có tọ chapi, không khảy chapi… e con chim rừng cũng không buồn cất tiếng gáy.
Theo Mai Văn Bảo/Báo Nhân dân