|
Trao xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
|
Tỉnh Vĩnh Long có 23 DTTS, với 26.596 người DTTS (chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh). Trong đó, có 22.630 người Khmer (chiếm 2,21%); 3.627 người Hoa (chiếm 0,35%); các dân tộc khác 339 người (chiếm 0,03 %). Người Khmer sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, tập trung chủ yếu ở 48 ấp, 10 xã và một thị trấn thuộc ba huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh… Tính đến cuối năm 2022 (theo tiêu chí đa chiều), Vĩnh Long còn 5.906 hộ nghèo (chiếm 2,01%), hộ cận nghèo còn 10.046 hộ (chiếm 3,42%). Trong đó, hộ nghèo DTTS là 936 hộ (chiếm 10,12% so với hộ DTTS), hộ cận nghèo DTTS là 886 hộ (chiếm 9,57% so với hộ DTTS).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình) tỉnh Vĩnh Long được triển khai thực hiện 8 dự án, với tổng kinh phí thực hiện trên 103 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 83,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương là trên 13 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 4 tỷ đồng, vốn huy động khác là 2 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng kinh phí từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh hơn 16 tỷ đồng để thực hiện 8 dự án thuộc Chương trình. Tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt danh sách cho 28 hộ nghèo vay vốn chuyển đổi nghề (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn hai tỷ đồng cho 28 hộ nghèo ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn và thị xã Bình Minh vay vốn chuyển đổi nghề); đầu tư triển khai 8 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS ở hai xã Tân Mỹ và Trà Côn (huyện Trà Ôn), với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 239 hộ DTTS với kinh phí 718 triệu đồng; đầu tư dự án phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với tổng kinh phí thực hiện 5,5 tỷ đồng...; tình hình hoạt động y tế trên địa bàn các huyện, thị xã có đông đồng bào DTTS sinh sống ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được duy trì, tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế hơn 90%… Đặc biệt, MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai xây dựng 307 căn nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc Khmer, trị giá hơn 15 tỷ đồng.
Trên địa bàn các xã đông đồng bào dân tộc của tỉnh có 15 trường mầm non và phổ thông (có ba trường đạt chuẩn quốc gia); các xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trường phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và quản lý, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 đạt 100%, nhiều em đã thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng và học nghề... UBND các huyện Tam Bình, Trà Ôn và thị xã Bình Minh phê duyệt danh sách bổ sung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tổng số người được gia hạn cấp thẻ bảo hiểm y tế là 35.280 người.
Nhiều xã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi đáng kể đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Trong đó, điển hình là xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn - là huyện vùng sâu của tỉnh), xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình).
Xã Loan Mỹ là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất của huyện Tam Bình, với hơn 43% dân số là người dân tộc Khmer. Năm 2022, xã hỗ trợ vay vốn hơn 3,5 tỷ đồng, xây dựng 44 căn nhà giúp đồng bào, kéo nước máy cho 30 hộ khó khăn, giúp bà con ổn định sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững; phối hợp mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế như: Nuôi bò, trồng nấm rơm, trồng sen, đưa cây màu xuống ruộng... Những năm qua, xã vận động chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa không hiệu quả sang phát triển kinh tế vườn, trồng cây màu được 64,3ha, phát triển được nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả khá tốt, tăng giá trị lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa, tăng thu nhập bình quân 43 triệu đồng/năm. Xã Tân Mỹ là xã có đông đồng bào Khmer (chiếm 46%). Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách và dự án đầu tư phát triển, đời sống đồng bào Khmer Tân Mỹ đã thay đổi đáng kể. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, trường, trạm… được quan tâm đầu tư kịp thời; phong trào chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản cũng có bước phát triển đáng kể; nhiều hộ dân biết tận dụng tốt các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đúng hướng, từng bước có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, hộ dân tộc Khmer nông thôn trên địa bàn huyện Trà Ôn sử dụng điện chiếm 99,81%; hộ dân nông thôn sử dụng nước máy tập trung, chiếm 93,3% đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất và sinh hoạt.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngày 05/9/2022, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1812/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2022 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, với mục tiêu nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS...
Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025: mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và đặc thù vùng đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 2% năm; trên 50% số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 37.585 km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của người dân; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho hơn 809 hộ; xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 01 trường Phổ thông Dân tộc nội trú; giải quyết đất ở tối thiểu cho 10 hộ; giải quyết nhà ở tối thiểu cho 179 hộ...
Diễm Hồng