Sau khẳng định của Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường trước Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, một căn liền kề tại dự án Xuân Phương Residence vẫn được xây dựng, nâng chiều cao công trình không đúng quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với sự quyết liệt “trên giấy” của các cấp chính quyền quận Nam Từ Liêm, thì rất nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm tồn tại khắp nơi trên địa bàn các phường, đáng chú ý hoạt động xây dựng diễn ra ngang nhiên, công khai, không cần giấu giếm, che đậy nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nào đến kiểm tra, xử lý.
Liên quan đến các công trình vi phạm tại phường Xuân Phương, ngày 07/8/2018, tại Báo cáo số 374/BC-UBND ngày 07/8/2018 của UBND quận Nam Từ Liêm gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm ký có đoạn khẳng định, “UBND Quận sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND phường Xuân Phương, Đội Thanh tra xây dựng quận xử lý triệt để đối với các công trình vi phạm xây dựng tại phường Xuân Phương theo quy định của pháp luật”.
Ấy vậy, văn bản của ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm còn chưa “ráo mực”, ngay sau đó chỉ vài ngày, tại dự án Xuân Phương Residence do Công ty Cổ phần TASCO làm chủ đầu tư, sự triệt để của quận, của phường còn chưa thấy đâu thì đã lại xuất hiện thêm công trình có dấu hiệu sai phạm phát sinh mới như tự ý xây tum, nâng chiều cao mà không được xử lý, ngăn chặn.
Cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, ngày 05/10/2018, Tạp chí Mặt trận có bài viết “Sau loạt chỉ đạo của thành phố, quy hoạch Nam Từ Liêm “loạn vẫn loạn”: Bài học nhận diện từ phường Trung Văn”, phản ánh tình trạng sai phạm về trật tự xây dựng ngày càng nở rộ, trở thành “điểm nóng”, đặc biệt là dự án khu biệt thự - liền kề Bắc Hà-C37 phường Trung Văn.
Tới ngày 15/10/2018, Văn phòng Quận ủy Nam Từ Liêm cho biết, đã chuyển nội dung phản ánh của cơ quan báo chí đến Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm xem xét, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết theo quy định, thông báo kết quả giải quyết, có thông tin phản hồi tới cơ quan báo chí theo quy định.
Ghi nhận tại thực địa dự án cho thấy, một số công trình nằm trong dự án khu biệt thự - liền kề Bắc Hà-C37 không những không được khắc phục sai phạm kịp thời, đến hiện tại đã hoàn công đưa vào sử dụng, có công trình đã hoàn thiện xong phần thô, đặc biệt có cả công trình xây dựng, sửa chữa phát sinh mới có dấu hiệu sai phạm.
Căn biệt thự số 24 dự án C37 Trung Văn bình an vô sự từ lúc xây dựng đến khi hoàn công.
Cụ thể, tại biệt thự số 25 đang được chủ sở hữu quây bạt kín mít để tiến hành xây dựng sửa chữa lớn, đập phần mái. Biệt thự số 24 đã hoàn công chờ ngày đưa vào sử dụng bất chấp phản ánh của báo chí và đề nghị của Quận ủy Nam Từ Liêm.
Cách đó không xa, tại biệt thự số 14, biệt thự số 3, các chủ hộ không ngần ngại phá đi phần mái cũ, thay đổi kiến trúc mặt ngoài của công trình, đến nay đã xong phần thô.
Căn biệt thự số 3, số 14 bị phá dỡ phần mái, đã xây dựng xong phần thô.
Nổi cộm hơn, theo quan sát của phóng viên, cả một dãy nhà liền kề hầu hết đều cơi nới mở rộng diện tích phần sân của căn hộ, đáng chú ý, nhiều chủ sở hữu còn cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường, xây dựng vượt tầng, không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Suốt thời gian dài, công trình này thi công nhưng không hề bị chính quyền phường, quận “sờ gáy” và đến nay đã nhiều công trình đã thi công xong, hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Hạng mục thi công sai phép có thể ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu, khả năng chịu lực của tòa nhà cũng như sự an toàn các hộ dân xung quanh, thế nhưng các tốp công nhân vẫn đang thi công thoải mái, còn các công trình không hiểu sao vẫn được “lờ đi” để hoàn thiện tiếp.
Bằng mắt thường ai ai cũng có thể nhận thấy sai phạm nghiêm trọng tại các công trình, vậy tại sao UBND phường Trung Văn dễ dàng bị “qua mặt”? Liệu có hay không việc “bảo kê”, “chống lưng” cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan mà không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý “trên giấy”?
Căn biệt thự số 25 cũng đang được cấp tập phá dỡ, sữa chữa.
Dãy nhà liền kề bị các chủ sở hữu lần chiếm toàn bộ phần, xe cộ để ngổn ngang trên vỉa hè.
Để rộng đường dư luận, PV đã rất nhiều lần cố gắng để liên hệ làm việc với UBND phường Trung Văn để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên sau rất nhiều ngày chờ đợi UBND phường vẫn né tránh việc làm việc với báo chí.
Thực trạng quản lý trật tự xây dựng, đô thị, quy hoạch - kiến trúc tại quận Nam Từ Liêm hiện nay đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, yếu kém. Để xảy ra tình cảnh bi đát nêu trên không thể tách rời trách nhiệm chính của các lãnh đạo quận Nam Từ Liêm.
Cụ thể là trách nhiệm của ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm nhiệm kỳ 2016-2021 (trước đó, ông Nguyễn Huy Cường nguyên là Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm).
Thay vì phải chịu trách nhiệm khi để bộ mặt đô thị quận Nam Từ Liêm bị băm nát như hiện nay thì tại kỳ họp thứ 5 HĐND quận Nam Từ Liêm khoá II, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày 14/11/2017, đã tiến hành kỳ họp bất thường bầu ông Nguyễn Huy Cường “chễm trệ” ngồi chức Phó Chủ tịch UBND quận.
Trong khi đó, rõ ràng ông Trần Đức Hoạt - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm mới về nhận công tác lại tỏ ra “hụt hơi”, “đuối sức” trước lời tuyên bố mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo thành phố khi để xảy ra hàng loạt các vụ vi phạm trật tự xây dựng nhan nhản khắp các phường trên địa bàn quận.
Ngoài ra, cần truy đến trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Quận ủy, nguyên Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm.
Cũng tại kỳ họp thứ 5 HĐND quận Nam Từ Liêm khoá II, ông Nguyễn Văn Hải được Thành ủy Hà Nội đồng ý cho thôi giữ chức Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm nhiệm kỳ 2016-2021 để tập trung cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị quận, HĐND quận miễn nhiệm Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Hải - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đó là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật.
Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng"; “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.
Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng gian dối, thiếu trung thực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, vụ lợi.
Tiếp đó là do cấp trên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị “mắc bệnh” hám thành tích; thiếu sát sao cơ sở; buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát…
Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng, vậy những khẳng định trọng Báo cáo số 374/BC-UBND ngày 07/8/2018 của UBND quận Nam Từ Liêm gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội như đã nêu ở trên đã phải là nói đi đôi với làm chưa hay nói một đằng làm một nẻo?
Thứ nữa, đây đều là những vụ việc Quận ủy Nam Từ Liêm nắm được, khi tiến hành đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, Quận ủy Nam Từ Liêm có nhìn thẳng vào sự thật hay không? Có đấu tranh đến cùng để làm rõ bản chất không, hay nể nang, né tránh, ngại va chạm để rồi cuối năm dịp Tết đến Xuân về bình bầu, bình xét thi đua cán bộ, đảng viên nào cũng hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cuối cùng, tại các công trình sai phạm như đã nêu ở trên, có bao nhiêu công trình là của các cán bộ, đảng viên? Tại sao những người này lại có thể “trơ trẽn” đứng trên pháp luật, phớt lờ dư luận được như vậy hay chỉ cần có quyền, có tiền thì họ muốn làm gì thì làm?
Những công trình sở hữu chiều cao bất thường nhưng tại dự án C37 nhưng không hề bị xử lý hay cưỡng chế phá dỡ.
Trước những bất thường trong quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, quy hoạch -kiến trúc trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, đã đến lúc Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội … cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm, cá nhân để xảy ra vi phạm, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
(Mặt trận) - Ai cũng có quyền sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh; tuy nhiên, từ nhiều năm nay, các hộ dân tại...
(Mặt trận) - Không có nơi ở ổn định, nhiều thế hệ, nhiều gia đình phải sống chung trong cảnh lay lắt suốt 8 năm...
(Mặt trận) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã chuyển Hà Nội xem xét, giải quyết vụ việc sau hơn 8 năm, nhiều hộ...
(Mặt trận) - Liên quan đến thông tin hàng loạt biệt thự “khủng” biến tướng, phá vỡ quy hoạch khu đô thị Xuân Phương Viglacera,...
Phan Anh Tuấn