Dấu ấn nhiệm kỳ VII - Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

(Mặt trận) - Trong những năm qua, Ban Đoàn kết Công giáo các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã phối hợp triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, gắn với phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”. Đồng bào Công giáo Thủ đô góp phần quan trọng trong các phong trào thi đua yêu nước, theo đường hướng chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
ẢNH: MẠNH CƯỜNG 
Ngày 22/11/2022, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Nhìn lại nhiệm kỳ VII (2017 - 2022), dù trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 với bao nhiêu khó khăn, thách thức, vẫn phải thừa nhận rằng: Đây là nhiệm kỳ để lại nhiều dấu ấn.

Dấu ấn đầu tiên là sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các quận, huyện, thị xã nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Kinh phí hỗ trợ đảm bảo tốt cho hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố và các Ban Đoàn kết Công giáo. Đồng bào Công giáo Thủ đô thuộc 3 giáo phận: Hà Nội, Hưng Hóa và Bắc Ninh với 413 nhà thờ, nhà nguyện; hiện sinh sống và làm việc ở 326/579 xã, phường, thị trấn với 207.902 nhân danh, chiếm gần 3% dân số toàn thành phố. Thời gian qua, các phong trào thi đua được triển khai sáng tạo, với nhiều mô hình, điển hình như: Phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”; phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt; mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” tại các thôn toàn tòng Công giáo; “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn toàn tòng Công giáo; “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn lương - giáo chung sống.

Hàng trăm cơ sở thờ tự Công giáo được tu sửa, xây mới. Năm 2000, huyện Đông Anh hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây dựng nhà giáo lý họ Mai Lâm. Năm 2018, huyện tiếp tục hỗ trợ tới 13 tỷ đồng xây nhà thờ Đại Bằng, xã Nguyên Khê và nhà mục vụ. Do dịch Covid-19 nên tiến độ xây dựng bị chậm trễ đến tháng 11/2022 mới khánh thành.

Dấu ấn thứ hai là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã trở thành cây cầu gắn kết Đạo và Đời. Trong các dịp lễ lớn như ngày 3/2, ngày 15/10, ngày 18/11, Ủy ban đều tổ chức đoàn đến chúc mừng Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được các cơ quan đón tiếp trọng thị. Ngược lại, ngày lễ Noel hay Tết cổ truyền dân tộc, các cơ quan lại đến chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo và bà con giáo dân Thủ đô. Các ngày lễ quan thày của các Đức Giám mục, các linh mục trên địa bàn hay các dịp lễ khánh thành nhà thờ, nhà mục vụ, chầu lễ của nhiều giáo xứ, giáo họ, Ủy ban cũng luôn tổ chức các hoạt động gặp gỡ chúc mừng, tạo sự gắn kết giữa các Đấng bậc với Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Linh mục Phêrô Bùi Ngọc Tuấn (ở xứ Sơn Miêng), dịp Tết cổ truyền khi đi chúc Tết các cơ quan của thành phố cũng ghé vào chúc Tết Ủy ban. Ủy ban còn đi thăm nhiều Giám mục các giáo phận khác như Lạng Sơn, Cao Bằng, Vinh, Hà Tĩnh, Thái Bình. Một số linh mục ở địa bàn thành phố khi được chuyển đi nơi khác như Hà Nam, Yên Bái, Ủy ban vẫn đến chào thăm khi có dịp như Linh mục Antôn Trần Quang Tiến trước đây ở Bằng Sở, hiện nay về coi sóc Sở Kiện có dịp đại lễ ở Sở Kiện đều mời đại diện Ủy ban tham dự.

Nhiều vị trong Ban Đoàn kết Công giáo cũng là nhịp cầu kết nối Đạo và Đời. Ông Nguyễn Văn Liệu, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo Bắc Từ Liêm được cha xứ Cổ Nhuế giao toàn quyền trong quan hệ với xã hội. Ông lo thủ tục để xin phép xây dựng nhà thờ, tổ chức ngày giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội. Ông Lê Thành Minh, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo Tây Hồ đã giải quyết được những việc khó như vụ dựng tượng chưa có phép ở An Thái hay xây dựng nhà thờ giáo họ Kitô. Bà Nguyễn Thị Bích Ban Đoàn kết Công giáo Hoàn Kiếm vào Tòa Giám mục Hà Nội, dòng Mến Thánh giá để hướng dẫn kê khai người từ 80 tuổi được hưởng chế độ. Ông Bùi Bá Thắng, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo Sơn Tây là người kết nối giữa Tòa Giám mục với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc hay Ủy ban Đoàn kết Công giáo trong các dịp quan trọng đều có các hoạt động phối hợp giữa các bên.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội từ năm 2010 đã tổ chức đi giao lưu với các tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm công tác. Trừ hai năm bị dịch Covid-19, chương trình bị dừng lại, còn lại Ủy ban đã có nhiều hoạt động thăm hỏi gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam với các tỉnh từ Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đến tận Cà Mau, Bạc Liêu… Mỗi nơi khi đến, Ủy ban cũng học được nhiều điều hay và cũng trao đổi với đơn vị bạn những kinh nghiệm tốt của mình. Nhiều Ban Đoàn kết Công giáo với sự giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc quận, huyện cũng tổ chức được chương trình giao lưu hàng năm với huyện, tỉnh khác. So với phong trào chung của tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thì Hà Nội vẫn còn phải phấn đấu nhiều nữa, nhất là sự tham gia của các linh mục, tu sĩ trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Nhưng bù lại, Ủy ban lại có nhiều gương mặt trí thức khoa học trong các sinh hoạt của tổ chức nhiều hơn như nâng cao chất lượng nội dung các buổi tọa đàm, ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật, nghị định.

Dấu ấn thứ ba là phong trào thi đua yêu nước của gần 200 ngàn người Công giáo Thủ đô nhiệm kỳ này phát triển mạnh. Các phong trào thi đua được làm bài bản từ phát động, ký giao ước thi đua đến triển khai ở cơ sở và sơ, tổng kết hàng quý, hàng năm. Nếu nhiệm kỳ VI (2012-2017), người Công giáo có thu nhập cao nhất ở Thủ đô là 500 triệu đồng/năm thì cao nhiệm kỳ VII (2017-2022) rất nhiều hộ có thu nhập như hộ ông Nguyễn Đình Phương ở xứ Gò Cáo, Chương Mỹ; Công ty cổ phần công nghiệp SESS của anh Nguyễn Nam (Bắc Từ Liêm); công ty “Xôi Nhung” ở Phú Thượng, Tây Hồ… Mỗi hộ kinh doanh sản xuất giỏi ở địa phương đã tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động ở địa phương. Phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu được lan tỏa ra các địa phương. Quận, huyện, thị xã nào cũng có một điểm. 95% các gia đình Công giáo đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Nhiều làng Công giáo còn đạt danh hiệu “làng văn hóa” cấp thành phố, cấp quốc gia như Tân Độ, Chuôn Thượng, Văn Minh… Mô hình xây dựng “Xứ họ đạo tự quản về an ninh trật tự” cũng đạt được nhiều kết quả. Không chỉ ở họ Xuân Khanh (Sơn Tây) được Bộ Công an tặng Bằng khen, mà nhiều họ giáo toàn tòng trên thành phố cũng được Sở Công an Hà Nội tặng giấy khen về thành tích này. Trong phong trào xây dựng “Nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà con Công giáo đã hiến hàng chục ngàn m2 đất để làm đường, lắp đặt hàng trăm camera để bảo vệ an ninh trật tự địa phương.

Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, các xứ, họ đạo trên toàn thành phố đã thực hiện không tổ chức lễ trực tiếp mà dùng hình thức trực tuyến. Ngay từ ngày đầu dịch bùng phát, Caritas Hà Nội đã chở 3, 5 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm xuống vùng bị cách ly ở xứ Đạo Lý. Nhiều giáo xứ như Hà Đông, Nhà Thờ lớn Hà Nội, Cửa Bắc, Phùng Khoang đã tổ chức các điểm cấp phát lương thực, thực phẩm cho người bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Riêng giáo xứ Thái Hà đã cấp phát 40 tấn gạo, hàng trăm triệu đồng nhu yếu phẩm cho các lao động bị mất việc vì dịch bệnh. Khi Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên trao 3 tỷ đồng cho quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thì các giáo xứ cũng thi đua đóng góp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này. Trong những ngày dịch bệnh, người Công giáo vẫn tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đông đủ, đúng giờ, đúng luật.

Nhiều người Công giáo đã nêu cao tinh thần bác ái giúp đỡ những người nghèo. Xứ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), mỗi dịp Tết lại gói 3.000 - 4.000 chiếc bánh chưng tặng người nghèo. Riêng chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng gói hàng ngàn chiếc bánh chưng, quyên góp được hàng tỷ đồng đi giúp đỡ các vùng khó khăn bị lũ lụt, dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Vân, một người khuyết tật đã vươn lên mở công ty xã hội giúp cho cả ngàn người khuyết tật có việc làm. Chị được bình chọn là một trong 100 phụ nữ truyền cảm hứng trên thế giới năm 2019 và là một trong 50 phụ nữ xuất sắc ở Việt Nam năm 2020. Năm 2017, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố đã huy động Quỹ Vì người nghèo của Hà Nội tặng 40 ngôi nhà cho người nghèo. Mỗi nhà trị giá 40 triệu đồng. Năm 2022, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố cũng ủng hộ xây 1 nhà cho người nghèo trị giá 50 triệu đồng.

Với thành tích trên, riêng năm 2022, thành phố đã tặng bằng khen và giấy khen cho 47 tập thể, 106 cá nhân. Các quận, huyện, thị xã đã tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Ngay trong Đại hội VIII (nhiệm kỳ 2022-2027) ghi nhận và biểu dương thành tích, sự đóng góp của đồng bào Công giáo Thủ đô nhiệm kỳ qua, có 10 tập thể và 15 cá nhân được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Khắc phục những hạn chế của các nhiệm kỳ trước, trong 300 vị tham gia 29 Ban Đoàn kết Công giáo nhiệm kỳ 2022 - 2027 có 141 vị trong Hội đồng mục vụ các xứ, họ. Tại Đại hội đại biểu người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, đã hiệp thương suy cử 72 đại biểu tham gia Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trong đó, linh mục Dương Phú Oanh tiếp tục được tín nhiệm suy cử làm Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2022 - 2027. Với sự đổi mới này, hy vọng nhiệm kỳ khóa VIII của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ còn có nhiều dấu ấn hơn nữa. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để đồng bào Công giáo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đông đảo đồng bào Công giáo thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, sống tốt đời đẹp đạo”, phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của bà con giáo dân, kịp thời phản ánh tới cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ngành hữu quan để xem xét, giải quyết. Cùng với đó là phát huy hơn nữa trách nhiệm của Ủy ban Đoàn kết Công giáo trong việc tham gia xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo, tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, phòng, chống các tệ nạn xã hội, phòng, chống dịch bệnh, tích cực tham gia đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng niềm tin chân chính và sống đạo theo tinh thần phúc âm.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở; tăng cường mối quan hệ giữa Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố với tòa tổng giám mục, các giáo phận, giáo xứ, giữa các linh mục, chức sắc, chức việc; khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố trong đời sống của người Công giáo nói riêng, đời sống xã hội nói chung, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

Phạm Huy Thông

Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều