Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026 - 2030

(Mặt trận) - Chiều 26/6, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2026 - 2030 (Chương trình MTQG 1719)  dưới sự chủ trì của đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
 

Hội thảo tập trung thảo luận về các khó khăn, vướng mắc, với những căn cứ cụ thể và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn của các địa phương; đề xuất điều chỉnh nội dung của từng dự án, giải pháp từ nay đến năm 2025, quan trọng nhất là đạt được mục tiêu của Chương trình, từ phân cấp, tổ chức triển khai, trình tự, thủ tục hồ sơ, văn bản hướng dẫn; và đề xuất điều chỉnh khung chương trình để tập trung nguồn lực triển khai những nhiệm vụ trọng điểm vào những địa bàn khó khăn nhất, giải quyết những vấn đề căn cơ nhất theo hướng kết hợp an sinh xã hội và đầu tư phát triển bền vững phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Tham luận tại Hội thảo, đại biểu tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh đây là một Chương trình mới, quy mô lớn, với nhiều nội dung dự án thành phần, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng trong thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu do nhiều nội dung mới; văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; bộ máy quản lý, triển khai chương trình ở cơ sở chưa có kinh nghiệm, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, cần sớm ban hành tiêu chí xác định thôn có dân tộc khó khăn đặc thù sinh sống thành cộng đồng để được đầu tư cơ sở hạ tầng làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; Ban hành quy định, hướng dẫn cơ chế thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các dự án theo nhu cầu, đề xuất của các tỉnh.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho biết Chương trình đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn như: Tỉ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm từ 27,23% xuống còn 19,86%. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnhcòn một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định còn bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở cho việc đề xuất, triển khai thực hiện giai đoạn 2026 - 2030. Cần phân quyền chủ động cho cơ sở thực hiện; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để cơ sở dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình; việc quy định tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù do HĐND tỉnh quyết định theo từng giai đoạn...

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, những cách làm hay, sáng tạo, bài học kinh nghiệm cũng đã được các đại biểu chia sẻ như: Công tác quán triệt, thông tin tuyên truyền, vận động; đổi mới, linh hoạt về phương pháp lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín; công tác tích hợp nội dung, lồng ghép nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh… trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn tiếp theo. 

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều