Khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Ngày 30/6/2023, tại Khánh Hòa (Nha Trang), Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023, khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân tộc 17 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

 Qua 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm.

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các chương trình, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Tính đến 31/5/2023, kết quả thực hiện giải ngân Chương trình trong khu vực đạt hơn 1.397 tỷ đồng, đạt 10,62%. Uớc đến 31/12/2023 một số chỉ tiêu sẽ hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao), trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế (11,04%), Quảng Nam (7%), Khánh Hòa (6%), Quảng Ngãi (5,37%), Đăk Nông (5%)...

Dù đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình. Một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm nhất là về vốn đầu tư thực hiện các dự án. Do nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gặp không ít thách thức; đặc biệt là khó khăn về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ triển khai, giải ngân của Chương trình.

Bên cạnh đó, hiện nay đa số hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn thiếu tư liệu sản xuất, nhất là về đất sản xuất. Theo Chương trình thì đối với các địa phương không có đất sản xuất để giao cho hộ nghèo thì người dân được Nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng và được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 77,5 triệu đồng để mua đất sản xuất. Như tại tỉnh Khánh Hòa, với số tiền 100 triệu đồng tùy theo từng vùng chỉ mua được tối đa từ 1.000 - 2.000m2 đất sản xuất, không đủ 50% hạn mức đất sản xuất tại địa phương, với diện tích đất như vậy thì không đủ để xóa nghèo.

Trường hợp không có đất để giao hoặc mua thì vận động người dân chuyển đổi nghề, học nghề, tuy nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thì dân cư ít, sinh sống thưa thớt, địa hình đồi núi, kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đi lại khó khăn… thì việc lựa chọn nghề để học, để chuyển đổi và có việc làm sau học nghề là rất khó.

Do đó, các đại biểu tham dự cho rằng cần bổ sung các chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về đất đai, vốn tín dụng ưu đãi, thuế, điều kiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, sinh kế cho người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, những vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách, công tác truyền thông và nâng cao năng lực cho cán bộ ở địa phương để đội ngũ cán bộ địa phương và cộng đồng nắm chắc được mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình cũng như cách thức, cơ chế thực hiện các nội dung cụ thể cũng dành được sự quan tâm lớn của Hội nghị.

Cùng ngày, Ban Tổ chức đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, nhằm thảo luận việc lồng ghép mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2030 cũng như nội dung, cơ chế triển khai Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều